Má thường nói với khách hàng ' ngồi nghỉ uống nước', hàng ngày tụi tôi nghe má nói thế. Mỗi ngày
chỗ ba làm, kế bên ba để dãy
băng ghế đá cho khách ngồi chờ, có cái bàn nhỏ bên cạnh, trên bàn lúc nào cũng có bình trà to và mấy
cái tách, ngày nào cũng phải làm thế khi đứa nào đến tuổi 15-16 là sáng sớm thức dậy trước khi đến trường là phải nấu nước pha trà để sẵn trên bàn và pha café cho ba má.
Khách đến
sửa xe chỗ ba, má mời ngồi nghỉ uống nước trà, khá hơn thì café phải pha
ngay lúc đó, hay gọi từ quán gần nhà, còn cho ăn sáng, sướng lắm khách của ba,
mấy ông chủ bự ngày xưa hay nói thế, được
má đãi ăn sáng ngon lắm. Nói chung khách của ba má tiếp đãi và chăm sóc kỹ lắm,
chúng tôi lúc nào cũng nhớ thế. Má có bộ nhớ dữ lắm, cũng hàng cao thủ, những món phụ tùng xa tải, xe đò,
xe hơi, máy cày... má nhớ từng chi tiết một, các hãng xe hay máy móc thời đó như
GMC, Volvo, Kubota, Yamaha... hình như không thể qua được cái đầu óc nhớ chính
xác của má, khi ba gọi má (vì má thứ ba)' ba ơi lấy bạc sắp măng (segment), ron cualas (Joint Culasse), roture, volant...' thì má lấy trúng phốc. Bởi vì mỗi
hiệu mỗi khác nhau từng mm một và có những loại rất khác nhau từ chi tiết,
có mấy máy 4, 6... má giúp ba rất nhiều, người ta nói ' đồng vợ đồng chồng tát biển đông cũng cạn ' đó cụ thể là ba má tụi
tôi, mà tôi thấy.
Khi tụi tôi chỉ 5-6 tuổi đã bị giáo huấn rồi, khách đến
nhà mua phụ tùng thì phải chào khách là ' chú
bác cô...' và đi theo khách, vì có khách hay lấy vặt những món đồ nho nhỏ bỏ
vào túi quần như bù loang (boulon),
ốc vít (vis)... Má dặn khi khách nào hay có tánh như thế phải theo, đi
sau lưng hay kế bên dù mình còn nhỏ xíu, nên họ cũng ngán hỗng dám nhúc nhích, vì những món nhẹ được
để trong tủ kính còn những phụ tùng nặng và dơ không thể để trong tủ, phải theo
thứ tự trên kệ mở, ai lấy cũng được, nên rất dễ mất, vì ngày xưa không có
camera theo dõi. Chị lớn tôi được má dạy làm facture (bill) cho khách vì chị lớn
biết tính toán và viết chữ đẹp, chị được ba má cưng như trứng từ thuở nhỏ đến
trưởng thành, không động đến tay làm việc nhà, dù chị nấu ăn rất ngon và khéo
giống má tôi, tụi tôi nhiều khi cũng ganh tỵ, cuộc đời chị như đi trên thảm đỏ.
Nhưng ông trời rất công bằng cho người ta cái này thì lấy lại cái khác, nhưng
cái quý giá nhất là chấp nhận hạnh phúc hiện tại thế là đủ. Rồi cuối ngày, các factures đó được cho tụi tôi khi lên 10-12 tuổi đi đòi tiền khách, đến từng nhà
người khách lấy tiền, ai mà không trả thì ngồi đó đến trả mới về, nếu ai mời ăn
cơm ngồi đó chờ ăn xong và trả tiền mới đi,
và nói ' nếu không có tiền về bị má rày'.
Nhưng không phải ai cũng thế, có hai trên mười khách là khất hẹn nhiều lần rất
bực bội tụi tôi phải đến mỗi ngày. Rồi cũng có khách chẳng trả luôn do công việc
xuống dốc, nói chung cũng cả liste chứ chẳng chơi.
Ba má dạy con từ thuở nhỏ, ba thì nói chuyện lễ nghĩa,
nguyên tắc ở đời, má thì cứng rắn chịu đòn, phải kiên trì không bỏ cuộc. Ba dạy
con gái khi lên bàn ăn, ngồi ngay ngắn, khi ăn không được gắp cái mang cá lóc, cái đầu cá
kèo, ăn không nhanh và không ăn hết sạch... thì mất duyên, nói chung huấn luyện như doanh trại
quân đội.
Lúc ấy có ông khách thân với ba má xin một đứa con gái
về làm con nuôi, nhưng tôi lại sợ xa cái nhà hạnh phúc này và từ chối, vì ông
khách đặc biệt này giàu quá và rất thương con gái vì ông có toàn là con trai. Má
hỏi con muốn đi ở với bác không? Tôi trả
lời là 'không' vì rất thương cả nhà,
má hỏi thế nhưng biết tôi không chịu và má chắc chắn cũng không cho dù có cả chục
đứa.
Ngày nay sống xứ Tây, ngẫm nghĩ ba má ngày xưa nói tiếng
Tây đó chứ, phụ tùng toàn tiếng Tây thôi, như vậy ngoài ba nói ít tiếng Tây mà má cũng biết chút đỉnh bỏ túi. Ba tôi mơ ước cả nhà, có bác sỹ, kỹ sư, luật sư, thẩm
phán, và rồi có ai đó nối nghiệp ba, thế nhưng chỉ có anh trai tôi là theo cơ
khí nhưng ngặt nỗi xa xôi quá, rồi có ai nối nghiệp ba đâu, rồi cái tiệm của ba
và của má dần dà cũng đóng lại, ba ra đi, má già nua và quên quá nhiều, chắc
ngày xưa má dùng bộ nhớ nhiều ngày nay thì giảm dần và giảm dần rồi lúc nào
cũng lại nghĩ về ba tôi, má thương ba và giữ ba kỹ lắm, chẳng ai dám gần ba, má
chắc cũng cỡ ' Hoạn Thư thời nay' chứ
chẳng chơi. Không biết cái gène này có ai trong nhà giống không? vì chúng tôi sống tứ
phương chưa kiểm chứng.
Ngồi nghỉ uống
nước, được học cái chiều khách hàng, nhớ hoài câu nói của má, nhớ lại cái ngày
xưa thuở còn cùng ba má mỗi ngày ở tiệm làm việc, sau giờ làm được nghe ba nói,
dù cái ngày xưa ấy nó qua đi, trong khoảnh khắc lại được nghĩ về, nó ấm áp lòng người
xứ lạnh trời Âu, thiếu vắng gia đình, tiếng mẹ đẻ ngày xưa, nó xa lắm, nó không
được nghe hằng ngày, phải tìm đến cái không khí gia đình xa xưa từ ký ức, ngày
nay sự hiện đại từ thông tin không khó, nhưng nó là cả sự khác nhau trong không
gian xa xăm, dù có cùng vui chơi bè bạn trên phương tiện đại chúng, nó chỉ phần
nào tìm lại cái hương vị quê mẹ xa. Phải tìm tòi học hỏi từ xung quanh để hòa nhập
vào nó cho cuộc sống hiện tại, cái chất quê nhà thì mãi xa vì nó vẫn là nấm đất quê cha đất tổ mà ngày xưa còn được tận hưởng, tuổi thơ đã qua đi, ngày
nay nó xa tầm tay dù ta có trở về trong khoảnh khắc ngắn ngủi.
Snowynguyen l'hiver 2014