Saturday, June 9, 2012

BỘT, CỐI ĐÁ, VÀ TÔI


Hôm nay tự nhiên Ba tui nhắc đến bánh ít.  Món bánh này rất đỗi bình thường và dân dã.  Món bánh này thường là món bánh được đem về sau khi đến ăn đám giỗ. Đó cũng có thể nói là gia chủ hào phóng, “chơi đẹp”, hay là lại quả, và cũng có thể là nhiều quá ăn không hết, nên khách đem về nhà ăn phụ giùm! Nên mới có câu:”lớp ăn lớp xách về” là vậy!
Để có bột làm bánh thời đó rất công phu, phải ngâm nếp qua một đêm cho mềm nếp rồi mới đem xay.  Khi xay bột xong, không thành loại bột mịn như mình mua ngoài chợ, mà là một loại bột sền sệt! Chất bột này được đựng trong túi vải, mà ở nhà, nghe Ba Má tui gọi là cái bồng bột.  Một túi vải bình thường có sợi dệt hơi khít một chút, để khi “dằn”, bột không theo những lổ nhỏ giữa những sợi vải đi ra ngoài. “Dằn” là một phần không thể thiếu khi làm bột.  Lấy một vật nặng, “dằn” lên bao có chứa bột để phần nước rỉ ra ngoài và phần tinh bột còn lại bên trong bao.  Nhà tui thì hay lấy mấy cục tạ của ông anh tui dằn lên. Khoảng chừng vài giờ là được. Thử bằng cách khi rờ vào bao bột, cảm thấy không còn ướt nước và hơi cứng.  Bột này đem ra nia phơi.  Bột khô bể thành những hình thù không giống nhau, lớn nhỏ không đều nhau. 
Cối xay bột rất nặng, bằng đá xanh nguyên tảng, đẽo thành hai miếng thớt tròn.  Tui có thấy qua loại thớt này, nhưng theo Ba tui nói, với bộ thớt loại trung cân nặng có thể lên đến nửa tấn! Tức là năm trăm kg? Ba tui chỉ áng chừng vậy thôi vì Ba tui có khiêng bao giờ đâu?  Lúc Ba tui bắt đầu hiểu biết và nhớ cái thời thơ ấu của mình thì đã có bộ thớt này trong nhà Ông Nội rồi! Tôi cứ thắc mắc làm sao người ta khiêng bộ thớt này đến nhà Ông Nội tui với đường bờ đê trên ruộng dài cả cây số? Và không có máy móc như xe cầu cẩu để trợ lực thì làm sao khiêng? Con đường này không những nhỏ, ngoằn nghèo mà còn ghồ ghề và trơn, trợt vào mùa mưa.  Trở lại với cấu tạo và vận hành của cối xay vô cùng đơn giản gồm hai thớt. Thớt trên nhỏ hơn thớt dưới, có chổ trũng để chứa gạo nếp.  Khi thớt trên xoay trục đồng tâm với thớt dưới, gạo nếp tuôn xuống thớt dưới sau khi bị  sức nặng của thớt trên làm nát.  Trong khi thớt dưới cố định và có máng xối đễ dẫn chất bột vừa mới làm nát ở tầng thớt trên chảy xuống.  Cối trên xoay bằng tay, nhiều khi hột gạo chỉ mới bể làm ba hay bốn, chưa thành bột, nên phải xoay lại nhiều lần cho đến khi nào thành bột thì thôi.  Thường thì hai hay ba người xay bột thay phiên nhau để đỡ mỏi tay. Sau cùng, hứng bột từ cối dưới bằng bao vải là xong công đoạn xay.
Bây giờ không còn thấy xay bột kiểu này và hình như cũng không thấy bột xay kiều này. Đơn giản hơn bao nhiêu lần là chỉ cấn tạt vô chợ là có bột xài. Những chiếc cối đã được sưu tầm thành món đồ cổ.  Ngày nay, cũng thấy cối đá như vậy, nhưng được đổ khuôn từ bột đá xay.  Còn tui, thấy cái gì gần mất đi, tui lại lo lắng.  Cái lo lắng của tui là lo “cho bò trắng răng”.  Nếu tôi có lo cho sự mất đi của cái cối đá thì nó vẫn mất.  Tôi nhớ có năm nào, nhân dịp Tết Nguyên Đán, đường hoa Nguyễn Huệ có trưng bày hàng loạt cối đá.  Điều này không riêng tôi mà với nhiều người, đã làm nhớ lại một thời xa xưa đó, bây giờ thì chỉ còn dĩ vãng….


coi xay bot


Hình ảnh sưu tầm tại:
http://vietbao.vn
http://www.dulichnamdinh.com.vn





Hiệu ứng tuyết rơi