Thursday, October 6, 2011

EM TÔI


       Cả ba chúng tôi coi nhau như chị em.  Coi như chị em vì chúng tôi không cùng cha cùng mẹ. Đúng theo vai vế trong gia đình, tôi vai cô, đứng vị trí chị lớn trong quan hệ này, con nhỏ cháu gái tôi lại là chị giữa và đứa em gái nhỏ là …. một con chó!  Nó, một con chó phá phách.  Nhưng vì thương nó nên hiển nhiên nó là một thành viên trong gia đình.  Chúng tôi có nó một cách bất đắc dĩ và cũng mất nó bất đắc dĩ. Lúc đầu là chấp nhận có nó, để rồi yêu thương. Rồi đến lúc chấp nhận mất nó, để rồi xót xa. 
       Hachi (*), là tên của một phim, dựa trên câu chuyện thật nói về con chó rất trung thành với chủ.  Vì phim Hachi quá ấn tượng, tôi đã coi bao nhiêu lần.  Và lần đầu tiên tôi đã không cầm được nước mắt.  Tôi đã len lén quệt nước mắt vì sợ mọi người trong nhà thấy . Nhưng không riêng gì tôi mà nhiều người khác trong nhà cũng đã chảy nước mắt vì sự trung thành, quả cảm của nó, nhân vật chính của phim.
       Đó là chuyện phim.  Còn tôi, tại sao có tên Hachi.  Gia đình tôi có nuôi giống chó Akita Inu, một giống chó có nguồn gốc ở Nhật.  Đã du nhập lâu đời qua Mỹ.  Nói đến chó Akita ở Mỹ là nói đến một loại chó mõm dài và có “mặt nạ” màu đen. Mặt nạ này là điểm khác của tổ tiên loài chó của nó.  Gia đình tôi bắt đầu chuyện mua bán chó con.  Khi chó mẹ của Hachi đẻ được tám con.  Những người mua chó đến trước bao giờ cũng lựa con mập, con có màu lông nâu, có người thích màu đen.  Nói chung ai cũng lựa con đẹp và tốt.  Còn lại con chó đẹt.  Một con chó xấu và ốm. Khi mà sức khỏe kém thì không đủ sức giành bú sữa mẹ với anh chị nó.  Nên tôi phải mua loại sữa đặc biệt cho chó con.  Lúc đầu, khi chưa quen với sữa,  nó càng uống, càng bị ỉa chảy và càng ốm. Cứ chút xíu là nó ỉa.  Vừa dơ và vừa thúi.  Sau thời gian, khi quen được loại sữa này, nó đã bắt đầu “có da có thịt”.  Nó đã biết chạy tung tăng trong nhà.  Nhưng rất nhát gan.  Chỉ cần thấy hai ngón tay ngo ngoe là thụt lùi vào tường để …. phòng thủ! Tôi đã bắt đầu “mến tay, mến chân” nó. Tôi đã ra nằm ngủ dưới đất bên cạnh cái thùng giấy gọi là giường ngủ của nó mỗi khi nó bệnh. Tôi đã lấy đại tên Hachi cho nó trong lúc chờ chủ mới đến đón nó về.  Càng về sau, tôi càng thương nó hơn.  Nó đã biết đi theo tôi.  Mặc dù đi không xa. Chưa bao giờ tôi nghĩ là sẽ có một con thú cưng của riêng mình.  Vì cuộc sống vốn dĩ đã bận rộn, không có thời gian cho chính mình thì làm sao có thời gian chăm sóc một con thú cưng nào.


       Vậy mà trong suốt một năm, vui với Hachi cũng có, giận nó hay ghét nó cũng có.  Khi nó mọc răng, thì bắt đầu cắn dép cao su mềm.  Đôi dép mang trong nhà của con cháu tôi là món đồ chơi để nó nhai, giải quyết chuyện ngứa nứu răng! Đến lớn chút xíu đã được dạy không được ị trong nhà. Nhưng cũng có những lần ham chơi, không kịp đi ra ngoài để rồi ị trong nhà. Và bị đánh đòn. Sau đó nó được dạy phải ngồi chờ kiên nhẫn khi làm đồ ăn xong mới được ăn.  Chứ không được chồm hai chân trước lên cao khỏi mặt đất.
       Đúng là “khi thương củ ấu cũng tròn”. Tôi thương Hachi vô điều kiện.  Tôi dọn dẹp “sự cố” không mong muốn của em vì không cho em ra ngoài đúng giờ.  Mặc dù có phàn nàn, nhưng sau đó cũng ôm nó vào lòng.  Bấy giờ em mới gần một năm tuổi, nhưng đã cao hơn nửa thước và nặng mười bảy lbs!  Bạn có thật sự ôm ai đó vào lòng chưa? Vì với tình cảm dạt dào, thì bao nhiêu yêu thương của bạn sẽ đi từ tim bạn sang tim bên kia.   Thì với Hachi cũng vậy! Nhưng ít được ôm nó, vì Hachi là một đứa nhỏ vui tính và hoạt động, không ngồi yên một chỗ bao giờ. Có thể nó biểu hiện tình cảm bằng cách khác. Không thích ai ôm mình.



       Những khi thời tiết nóng, nếu Hachi được thả ra ngoài chơi, nó có một thói quen vô cùng quý tộc là tắm bùn.  Nói tắm bùn cho sang, chứ đó là chỗ trồng rau của Ba tôi.  Chỗ đó là vũng nước cạn, nước sâm sấp. Nên khi nó ngâm mình và chơi đùa trong vũng nước, thì toàn thân của nó toàn bùn. Chẳng may ai mà đến gần nó lúc đó cũng sẽ được tắm bùn chung.  Vì nó vẫy nước, lăn lộn, phá nước….Toàn thân toàn bùn là bùn. Chúng tôi gọi vui nó là dũng sĩ đào đường!  Sau cùng thì phải cần đi tắm sạch sẽ mới được vô nha.
       Khoảng thời gian này là khoảng thời gian mà nền kinh tế xã hội suy thoái theo chu kỳ.  Và gần như tất cả mọi người đều bị ảnh hưởng. Người nhiều tiền thì bị ảnh hưởng nhiều.  Người ít tiền thì bị ảnh hưởng ít.  Ngay cả ngân sách giành cho giáo dục, một nền tảng cho tương lai, cũng bị cắt giảm.  Dẫn tới các khoản trợ cấp cho học sinh, sinh viên bị  hạn rất nhiều. Gia đình tôi cũng không ngoại lệ, từ một căn nhà biệt lập với hàng xóm, với khuôn viên đất xung quanh nhà hàng chục mẫu. Quanh năm cỏ cây xanh ngát.  Thì đây là chỗ chơi đùa, bay nhảy của Hachi.  Hachi rượt đuổi những chú vịt trời đang trò chuyện bên hồ nước. Làm những con vịt giựt mình bay vút lên trời xanh.  Hay Hachi cũng thích hăm dọa các bác rùa già nằm trên thành hồ thưởng thức chút nắng vàng ấm áp. Các bác rùa này phải vội vàng quay lại hồ nước để tìm sự an toàn. 
       Trở lại chuyên căn nhà của tôi, đã phải chuyển sang một căn nhà nhỏ trong khu dân cư. Nhà này san sát nhà kia. Cách nhau bằng hàng rào ván gỗ, cao khoảng hai mettre.  Ở một nơi, mà ai cũng biết, có thể kiện nhau chỉ vì một tiếng chó sủa hay tiếng gà gáy.  Thì Hachi không chút cơ hội  nào được sang nhà mới. Em vẫn nô đùa vui vẻ vào những ngày cuối khi tôi chính thức sang sống ở nhà mới. Em phải ở lại chờ chủ nhà mới có muốn nuôi em không? Đây là lần thứ hai trong đời Hachi chờ. Chờ để quyết định cho số phận của mình.  Lần trước, khi em còn nhỏ xíu, em chờ ai đó đến mua em.   
       Nếu không ai nhận nuôi em, thì sẽ đóng tiền để gởi em đi Trung Tâm Coi Sóc Thú Cưng.  Người ta sẽ chăm sóc em để chờ người khác đến đón về nuôi. Lại chờ!  Nhưng thời gian chăm sóc của Trung Tâm này không dài.  Sau thời gian ngắn đó,  những con vật gởi vào như chó, mèo, két, có khi có cả rắn, rùa… được chích thuốc ngủ, vì không có tiền để giữ lâu dài! Đây là một điều không ai muốn. Chị tôi vào sở làm hỏi có ai muốn nuôi chó, anh tôi đi nói chuyện với người bà con, một chị khác của tôi lại muốn cho Hachi một thằng cháu, con nhỏ cháu thì lại nghĩ đến nhà thờ, Má tôi thì đến trường hỏi bạn học cùng lớp. Tất cả chỉ muốn tìm cho Hachi một người chủ mới. Điều này cũng không dễ, vì tuy Hachi mới hơn một tuổi, tính theo tuổi con người, nhưng nó đã cao lớn.  Ai nhìn cũng sẽ ngại ngần vì con chó lớn con. Mà chó lớn sẽ khó huấn luyện hơn là chó nhỏ.
       Có lần tôi nghe kể một người quen, vì lý nào đó cũng không thể giữ nuôi con chó trong nhà. Đành đem đi thật xa để thả. Mong là nó may mắn tìm được một chỗ trú thân. Nhưng cho dù xa, con chó đó cũng đã tìm được đường về nhà nó. Cuối cùng, Hachi cũng chọn giải pháp này. Gia đình tôi xót xa vì phải làm như vậy! Anh tôi đã mất ngủ bao nhiêu đêm để đưa ra quyết định. Tôi đã không dám nghe mọi người bàn bạc để chuẩn bị đưa nó đi.  Sau đó tôi không dám hỏi nó lên xe như thế nào? Xuống xe ra sao? Đi đến đoạn đường nào? Nếu tôi biết đoạn đường nào, chắc tôi đến đó để tìm em! Nói là nói vậy, chứ nếu gặp nó tôi sẽ làm gì tiếp theo? Lần đầu tiên đi ra khỏi nhà một mình.  Chắc là nó sợ lắm!
       Còn riêng tôi, khỏi phải nói, tôi cứ thẩn thờ, không biết giờ này Hachi làm gì? Có tìm được cái gì để ăn không? Có khát nước không? Không nghĩ đến nó thì thôi, nhưng nghĩ đến nó là tôi chảy nước mắt. Ngay ngày hôm đó tôi có một bài kiểm tra quan trọng của chương khó nhứt, tôi không thể nào tập trung được. Vẫn biết rằng, trung bình ba cuộc đời con chó mới bằng cuộc đời con người. Tức là mỗi con chó không thể sống suốt cuộc đời với mình. Nhưng vẫn nghe xót xa. Tôi vẫn thường nói là không muốn thêm sự yêu thương nào, để khi không còn giữ được trong tay sẽ đớn đau không diễn tả nổi. 
       Trước ngày em đi khoảng một tuần lễ, em có kỳ kinh nguyệt đầu tiên.  Điều này có nghĩa em đã thành người lớn.  Một người bạn đời để chia sẻ.  Một gia đình. Một đàn con.  Và một con chó đẹt giống như em hồi đó.
       Một cuộc sống mới từ đây ….


Lưu Thanh Lịch, Fresno, October 6, 2011

(*)Hachi: Tựa nguyên góc là Hachiko, A Dog’s Tale.  Phim sản xuất năm 2009, đạo diễn Lasse Hallstrom, do tài tử gạo cội Richard Gere, Joan Allen và Cary-Hiroyuki Tagawa đóng.


Hiệu ứng tuyết rơi