Sunday, December 4, 2011

TẾT VÀ LỄ HỘI, NGƯỜI DÂN SÓC TRĂNG





Sóc Trăng là một tỉnh ven biển thuộc đồng bằng sông Cửu Long thuộc Việt Nam, nằm ở bờ phải sông Hậu miền Nam Việt Nam, nằm trên trục giao thông nối liền Cà Mau, Bạc Liêu với Thành phố Sài Gòn , cách Thành phố Sài Gòn 240 km. Diện tích 3.223,3 km², dân số 1.289.441, chủ yếu là người Kinh, người Khmerngười Hoa
Tỉnh Sóc Trăng là mái nhà chung của ba dân tộc anh em: Kinh, Hoa, Khmer. Với trên 350.000 người Khmer, chiếm trên 29% dân số Sóc Trăng, là địa phương có đồng bào Khmer chiếm số đông nhất cả nước. Bà con Khmer sống quần tụ trong các phum sóc hoặc thành xóm, thành làng ẩn mình sau những rặng cây xanh, lấy ruộng nương, rẫy bái, chăn nuôi gia súc gia cầm hoặc các ngành tiểu thủ công nghiệp truyền thống làm phương tiện sinh sống chính. Những huyện có đông đồng bào Khmer nhất: Vĩnh Châu, Mỹ Xuyên, Mỹ Tú, Thạnh Trị. Người Hoa tập trung tại các thị xã, thị tứ, thị trấn lớn và thiên về thương mại, dịch vụ, kinh doanh.
Sóc Trăng là tỉnh có đồng bào người Hoa sinh sống xếp thứ nhì cả nuớc, chỉ sau thành phố Sài Gòn, chiếm tỉ lệ khoảng 7 % dân số địa phương, tương đương khoảng 90 ngàn nguời. Và cũng như ở những tỉnh thành khác, nói đến bà con nguời Hoa Sóc Trăng, họ sống thành cộng đồng đông đúc bất cứ nơi đâu, người Việt cũng ảnh hưởng nhiều về phong tục của người Hoa sống trong vùng.
Lễ Ooc-om-Bok
Thời điểm tổ chức lễ hội Ooc-Om-Bok là lúc thời tiết bắt đầu sang mùa khô, lúa ngoài đồng chớm chín. Lễ hội có ý nghĩa tạ ơn Thần Mặt Trăng và cầu mong điều lành, may mắn, cầu mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt, nhà nhà ấm no hạnh phúc.
Lễ cúng trăng vào tối ngày 14 tháng 10 (âm lịch), thời gian hành lễ trước khi mặt trăng lên đến đỉnh đầu. Vị trí hành lễ đặt tại sân của từng nhà, sân chùa hay nơi rộng rãi không bị che khuất ánh trăng. Tại đây người ta chôn hai cây tre (hoặc tầm vông) làm trụ. Phía trên buộc một cây xà ngang dài chừng 3m, trang trí hoa lá (giống như một cổng chào). Phía dưới kê bàn đặt lễ vật. Lễ vật gồm có cốm nếp, các loại sản vật nông nghiệp có tinh bột (khoai lang, khoai môn, sắn), hoa trái (dừa, chuối, bưởi, cam...), bánh kẹo. Với lòng thành kính, mọi người ngồi chắp tay trước bàn thờ, mặt hướng lên mặt trăng, một cụ già làm chủ lễ đọc lời khấn Thần Mặt Trăng, sự biết ơn của con người đối với thần, xin thần tiếp nhận lễ vật và ban phước lành cho họ.


Sau khi cháy hết tuần hương, người già gọi trẻ con đến ngồi xếp bằng trước ban thờ. Cũng động tác chắp tay thành kính trước ban thờ Mặt Trăng, sau đó một cụ già dùng tay nhúm một ít cốm và lễ vật khác, đút vào mồm từng đứa trẻ, tay kia vỗ lưng và hỏi ước muốn của chúng năm nay là gì? Năm nào câu trả lời của các em suôn sẻ, lễ độ, rành rọt thì người lớn tin rằng năm đó mọi điều tốt lành sẽ đến với họ. Cuối cùng mọi người hạ cỗ cùng nhau hưởng lễ vật, trẻ nhỏ nô đùa, múa hát dưới trăng. Nếu có khách đến vào ngày này thì họ sẽ có quà bằng cốm giẹp.
Tại các ngôi chùa Khmer đêm 14 tháng 10 còn có tục thả đèn nước trên sông và thả đèn gió bay lên trời. Theo quan niệm của người Khmer, tục thả đèn nước sẽ xua tan bóng tối, sự ô uế và buồn bã, giữ lại sự bình yên trong phum, sóc. Nhiều hoạt động sân khấu truyền thống Khmer như đoàn Dù kê, Rô băm biểu diễn phục vụ khách hành hương chảy hội vào tối 14 này.
Đua ghe ngo
Theo phong tục cổ truyền của người Khmer, ngày hôm sau lễ cúng trăng (15/10) là tục đua ghe ngo. Trước khi đi dự thi, cộng đồng thường làm lễ tạ thần và tổ chức chiêu đãi những người tham gia cuộc thi. Đội đua gồm những trai tráng khoẻ mạnh, có kinh nghiệm, được lựa chọn rất kỹ từ trước. Mỗi đội có trang phục đẹp, mũ cùng màu.
Tham gia cuộc đua có hàng chục chiếc ghe đại diện cho các chùa hay cộng đồng ở nhiều địa phương. Ban tổ chức chia các đội ghe tham dự thành hai nhóm A và B. Thông thường nhóm A là các ghe đã được xếp hạng trong mùa giải trước. Nhóm B là tất cả các ghe ngo còn lại.
Nhạc ngũ âm, tiếng trống, tiếng cồng và tiếng hò hụi của các đội đua đang khởi động làm sôi động cả khúc sông. Trong đua ghe ngo, việc cầm lái, giữ lái để chiếc ghe đi đúng hướng, nhịp bơi của những mái dầm phải thật nhịp nhàng là những yếu tố quyết định đến tốc độ của chiếc ghe.
Hội đua ghe ngo được tổ chức hàng năm ở thị xã Sóc Trăng, những năm gần đây có nhiều địa phương đến tham gia như Cần Thơ, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, thậm trí còn có đội ghe ngo đến từ Căm Pu Chia. Điều này chứng tỏ lễ hội gắn liền với môn thể thao truyền thống này đang phát triển mạnh mẽ, trở thành sự kiện văn hoá truyền thống lớn ở Việt Nam.
Ba dân tộc anh em sống đan xen từ nhiều đời, nay làm cho Sóc Trăng có những nét văn hóa riêng độc đáo. Lễ hội nghinh ông cúng biển huyện Vĩnh Châu, Tết Đoan ngọ, Thanh minh, Tết Trung Thu, Tết Nguyên đán, Lễ hội cúng trăng , đua ghe ngo, Lễ hội Chol Chnam Thmay, Ooc-om-Bok … luôn thu hút đông đảo người dân trong ngoài tỉnh. Mỗi lễ hội đều mang đậm dấu ấn phong tục, tập quán, nếp sống văn hóa của cả ba dân tộc anh em, từ niềm vui thắng lợi được mùa, đời sống cải thiện và tình đoàn kết keo sơn gắn bó.
Lễ hội cúng phước biển Chrorumchec ỡ Vĩnh Châu


Người Khmer Sóc Trăng có rất nhiều lễ hội truyền thống trong năm, tất cả đều gắn với tín ngưỡng và sinh hoạt cộng đồng, đặc biệt, ở huyện Vĩnh Châu, dân gian gọi là lễ cúng phước biển - được tổ chức vào ngày 14, 15 tháng 2 (âm lịch) hàng năm, thu hút hàng vạn lượt người tham dự.
Lễ cúng phước biển Vĩnh Châu đã tồn tại từ hàng trăm năm nay và luôn được tổ chức tại ấp Đôn Chếch, xã Vĩnh Châu, huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng.
Ý nghĩa của lễ này là cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, đồng thời cũng là để tưởng nhớ đến các bậc tiền nhân đã có công khai hoang mở cõi, tạo lập vùng đất, tạ ơn trời đất thánh thần đã cho họ có được cuộc sống ấm no, tạ ơn biển cả đã cho họ nhiều tôm cá, tạ ơn bãi bồi đã cho họ những cánh đồng xanh, hạt vàng nặng trĩu.
Lễ hội Nghinh Ông được xem là một trong những ngày lễ mang đậm tính truyền thống của những ngư dân vùng biển. Theo tín ngưỡng lâu đời, tục thờ cá Ông là một nét đặc sắc trong đời sống tâm linh vì cá Ông là một vị thần luôn giúp ngư dân vượt qua những phong ba bão táp, mang lại mùa thu hoạch hải sản bội thu.
Tết Chôl Chnăm Thmây của người Khmer
Có hai lễ hội quan trọng hàng đầu là: Tết Nguyên đán của người Việt và Tết vào năm mới (Chol Chnam Thmay) của đồng bào Khmer. Tết Chol Chnam Thmay tháng tư dương lịch, đây là thời gian khô ráo, mùa màng đã gặt hái xong, người dân tha hồ mà vui tết.


Những ngôi chùa Khmer là trung tâm các hoạt động Tết Chol Chnam Thmay với lịch trình chính: ngày thứ nhất, khoảng 5 giờ chiều mọi người diện những bộ quần áo đẹp mang nhang đèn vào chùa làm lễ Mah sâng kran dưới sự điều khiển của vị sư Achar trụ trì, ngày thứ hai bà con làm lễ dâng cơm sớm và trưa cho các vị sư sãi, chiều đi đắp núi cát gọi là Pu Phnôm, ngày cuối mọi người dâng lễ vật cúng phật và làm lễ cầu siêu cho người quá vãng… Bên lề Chol Chnam Thmay có nhiều hoạt động vui chơi rất đặc sắc như múa hát, thả đèn gió, thả đèn nước với ý nghĩa tống tiễn năm cũ, rước năm mới đến mang theo bao nhiêu điều tốt lành. Thả đèn gió thường lúc đêm khuya, gió lặng. Những cánh đèn gió bay cao, bay xa đến còn một chấm đỏ chấp chới hòa vào bầu trời mênh mông đầy sao lấp lánh thật ngoạn mục…
Chịu ảnh hưởng của đạo Bà la Môn và của đạo Phật hệ phái Tiểu Thừa, người Khmer ăn Tết khác hơn người Việt, người Trung Quốc hay người Tây Âu. Ngày tết của đồng bào Khmer được gọi là "Chôl Chnăm Thmây".
Theo khoa thiên văn truyền từ Ấn Độ sang thì người Khmer tính ngày đầu năm bằng hai lối vào:
CHOL: tính theo sự vận chuyển của Mặt Trăng và đánh dấu việc thay đổi 12 con thú tượng trưng của 12 con giáp trong một kỳ ( người Khmer cũng lấy hình tượng 12 con như người Việt để tính năm nhưng chỉ khác là họ lấy hình tượng con Thỏ thay cho con Mèo và con Bò thay vì con Trâu như người Việt).
CHNAM: tính theo sự vận chuyển của Mặt Trời và đánh dấu bước đầu năm mới.
Thường CHOL được tính vào đầu tháng CHÉTT là tháng 3 âm lịch của người Việt, nhằm khoảng giữa tháng 4 dương lịch còn CHNAM thì thay đổi tùy theo Trăng tròn và khuyết nhằm ngày 12, 13 hay 14 âm lịch.
Giờ vào năm mới của người Khmer không giống giờ của người Âu hay Á là cứ vào nữa đêm lúc không giờ là giao thừa mà giờ cứ thay đổi luôn. Năm 1966, giờ giao thừa nhằm 9 giờ đêm ngày 13 tháng 4, năm 1967 giao thừa vào 5 giờ 21 phút sáng ngày 14 tháng 4.
Trong đêm giao thừa, trên bàn thờ có bày sẵn 5 nhánh hoa, 5 đèn cầy, 5 cây nhang, 5 hạt cốm và nhiều loại trái cây. Cha mẹ, ông bà tập hợp con cháu lại, ngồi xếp chân về một phía trước bàn thờ tổ tiên, đốt nhang đèn, vái ba cái để tiễn đưa Têvêđa cũ và rước Têvêđa mới, mong được ban phúc lành. Họ tin rằng Têvêđa là ông tiên được trời sai xuống chăm sóc dân chúng trong thời gian một năm, hết nhiệm kỳ sẽ có vị khác xuống thay thế.
Sáng ngày thứ nhất (Sangkran) lễ rước "Maha Sangkran mới". Lễ này có thể tổ chức sớm hay muộn trong ngày, miễn là chọn đúng giờ tốt, theo quan niệm của người Khơme. Mọi người được tắm gội, mặc quần áo đẹp, mang nhang đèn, lễ vật đến chùa. Dưới sự điều hành của ông Acha, mọi người xếp hàng đi vòng quanh chính điện 3 lần để làm lễ chào mừng năm mới.
Ngày thứ hai (Wonnabót), mỗi gia đình làm lễ dâng cơm buổi sớm và buổi trưa cho các vị sư sãi. Theo đạo Phật Tiểu thừa, thì các ngày lễ tín đồ đi chùa lạy Phật có bổn phận mang cơm và thức ăn dâng cho sư sãi. Buổi chiều, người ta làm lễ "Đắp núi cát" (Puôn phnôm khsach) ngay tại khuôn viên chùa, để mong gặp được điều lành. Tập tục này cũng bắt nguồn từ một sự tích của một thợ săn bắn gắn với ma thuật cầu mùa của người xưa. Ngày thứ ba (Lơn Sắk), sau khi đã dâng cơm sáng cho các vị sư ở chùa, người ta làm lễ tắm tượng Phật bằng nước có ướp hương thơm, rồi sau đó tắm cho các vị sư cao niên ở chùa, nhằm rửa sạch hết cái cũ, những bụi bặm của trần thế trong năm cũ, để bước sang năm mới với một thân thể sạch sẽ hoàn toàn mới.
Tiếp theo đó là lễ cầu siêu (Băng Skôl). Các vị sư được mời đến tháp lưu giữ hài cốt của những người quá cố để cầu kinh, mong linh hồn họ được siêu thoát. Đến trưa, mọi người về nhà để làm lễ tắm tượng Phật thờ trong từng gia đình, rồi chúc mừng cha mẹ, ông bà, dâng bánh trái để tạ ơn.
Trong ba ngày Tết Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer Nam bộ, bà con Khơme còn đi thăm hỏi, mừng tuổi năm mới cho nhau, chúc nhau sức khỏe, cuộc sống yên vui, phát đạt. Tối đến, người ta đốt pháo thăng thiên (thả đèn gió), thả diều, đánh quay lửa... Các cụ già kể chuyện thần thoại, cổ tích cho con cháu. Gái, trai tham gia các cuộc hát đối đáp aday, hát dùkê, múa rômvông...
Không khí các phum, sóc, chùa chiền nhộn nhịp suốt đêm ngày. Người Khmer tin rằng, năm mới sẽ đem đến những điều tốt lành, thịnh vượng, được mùa và hạnh phúc cho mọi gia đình hơn năm cũ.
Đàn ông lớn tuổi ngồi xếp bằng, nhỏ tuổi ngồi ở tư thế hai chân xếp thành một góc vuông (đều co lại, một chân sát đệm, một chân dựng lên), phụ nữ thì ngồi xếp "chè he" (hai chân co lại và xếp về một bên cho kín đáo). Khi ăn, người Khơ-me cũng dùng đũa như người Việt, người Hoa, nhưng người nào ăn xong, thì hai tay cầm đôi đũa lên ngang trán, xá ba xá biểu thị lòng biết ơn người làm ra vật thực.
Thức uống của người Khmer Sóc Trăng phổ biến là nước mưa chứa vào lu, tích lại trong mùa mưa, dùng để uống cả năm; hoặc nước trà dùng cho người già và để tiếp khách trong các lễ lộc, tiệc tùng, đãi khách, người Khmer thường dùng rượu trắng hoặc rượu ngâm thuốc, được nấu từ gạo, nhưng rượu không được dùng trong chùa, vì đây là điều giới cấm.
Ngày nay, nhận thức những lễ hội của cộng đồng các dân tộc anh em tại Sóc Trăng là một mảng không thể tách rời trong đời sống văn hóa mới lành mạnh trên tinh thần về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Tỉnh Sóc Trăng đã có những nỗ lực lớn khôi phục, phát huy giá trị tinh túy. Tết Chol Chnam Thmay, một trong những lễ hội chính hàng năm của đồng bào Khmer.
Phát huy những lễ hội văn hóa truyền thống đặc sắc còn nhằm gắn với khai thác tốt, song song đó, còn có đua ghe ngo, đua thuyền rồng và các hoạt động văn hóa tại khu Văn hóa Hồ Nước Ngọt, thị xã Sóc Trăng. Trong dịp này du khách kết hợp vui tết cổ truyền cùng bà con, thăm thú các ngôi chùa nổi tiếng: chùa Dơi, chùa Chén Kiểu, chùa Đất Sét, xem đua ghe ngo hoặc tham quan hội chợ, mua sắm, chơi thuyền trên sông Hậu trong khuôn khổ các tour du lịch sinh thái.









Tết của người Khmer cũng có ý nghĩa giống như tết cổ truyền của các dân tộc khác trên đất nước Việt Nam, nhưng cách tổ chức và tập tục khác nhau, vì đa số người Khmer đều là tín đồ của Đức Phật. Ngày tết, mọi nhà đều làm bánh ngọt, bánh tét, hoa quả hương đèn dâng lên chùa Lễ Phật, sau đó cùng với sư sãi khách khứa dùng. Tết đến, nhiều gia đình vào ở trong chùa làm công quả, vừa vui chơi, vừa được dự lễ, vì mọi nghi thức, vui chơi sinh hoạt trong 3  ngày Tết đều tập trung tại chùa.
Lễ hội Cúng Dừa, các lễ hội cúng đình ở các địa phương trong tỉnh, một số loại hình sân khấu nghệ thuật dân tộc Khmer như Dù Kê, Rô Băm v.v. ..
Người Tiều ăn Tết 
Chùa Ông Bổn đêm trừ tịch
Khi nhà Thanh cướp ngôi nhà Minh vào năm 1679 - 1680 thì Dương Ngạn Địch, Hoàng Tiến, Trần Thắng Tài bỏ nước chạy định cư tại Gia Định, sau đó là Mạc Cửu đến Hà Tiên.



Nhóm “di thần nhà Minh” ở Việt Nam này lập ra 5 bang: Quảng, Tiều, Hẹ, Phúc Kiến và Hải Nam, nhưng đông nhất là 2 bang Quảng và Tiều. Người Quảng phần lớn là thương gia, mở tiệm nước, nhà hàng ở các thị xã và thành phố lớn. Còn số đông người Tiều thì ngụ cư bất cứ nơi nào có thể kiếm ra tiền.
Người Tiều ở vùng đồng bằng sông Cửu Long sống chan hòa với cộng đồng người Kinh và Khmer, chủ yếu mở chành lúa, bán hàng xén, trồng rẫy. Họ lấy vợ người Việt, người Khmer, hòa nhập cùng các lễ tục của cộng đồng nhưng vẫn giữ nét văn hóa cổ truyền của dân tộc mình.
Mỗi năm, cứ vào dịp gió bấc thổi, trong ba tuần lễ đầu tháng Chạp là người Tiều bắt đầu ăn Tết Nguyên đán. Mỗi gia đình chọn một ngày thuận tiện để làm lễ tạ ơn thần, cầu an, cầu phước tại chùa hoặc tại nhà. Lễ vật không thể thiếu trong ngày này là bánh hồng đào. Bánh hồng đào còn có tên gọi bánh lá liễu hoặc bánh ba góc. Đây là loại bánh được cách điệu từ quả đào tiên theo quan niệm của người Trung Quốc vốn tượng trưng cho sự trường thọ.
Ngày Đông chí, họ nấu nồi chè xôi nước. Cúng xong, cả nhà xúm xít ngồi ăn, gọi là “ăn ỷ” “chịu tuổi”, mừng năm mới. Trong ngày này, các cháu bé còn thích thú được ăn món “câu lâu chí” làm bằng nếp xay nấu chín, quết thật nhuyễn, viên từng viên cỡ đầu ngón tay cái, thấm dầu ăn, sắp vào dĩa rồi rắc đậu phộng rang đâm sơ, chan nước đường thắng sền sệt. Cái thứ bánh vừa ngọt đường, ngọt tinh bột, béo giòn đậu phộng ấy cứ quện chân răng khi nhai.
Cũng được ăn duy nhất trong năm, ngày 24 tháng Chạp âm lịch (không phải vào ngày 23 tháng Chạp âm lịch như người Kinh) đưa ông Táo về trời, họ làm bánh củ cải cúng. Bánh mặn hoặc chay đều ngon vì lạ miệng. Càng ăn càng thích vì mỗi năm cũng chỉ được ăn một lần vào mấy ngày này.
Không như người Kinh chỉ dán cặp liễn đối trước cửa nhà, Tết đến, người Tiều dán khá nhiều liễn bên trong và bên ngoài nhà. Màu đỏ của liễn làm ấm áp không gian cư ngụ. Chữ trên liễn thường là những câu như: “Ngũ phúc lâm môn” (Năm phước vào cửa), “Long mã tinh thần” (Tinh thần rồng ngựa), “Xuất nhập bình an” (Vô ra bình an), “Vạn sự như ý” (Muôn việc đều như mong muốn)...
Tất cả các câu liễn này để tới cuối năm mới thay câu mới. Ngoài liễn, từ hơn nửa thế kỷ trước, người Tiều còn treo tranh Tết, gọi là “niên họa” - một loại hình nghệ thuật truyền thống của người Trung Quốc. Theo dân gian, niên họa có tác dụng trừ tà, chiêu phúc cầu tài, đồng thời cũng thể hiện ước mơ, khát vọng, tư tưởng, tình cảm, thẩm mỹ của người xưa.
Theo tư liệu, niên họa bắt nguồn từ tranh Môn thần thời Nghiêu Thuấn cổ xưa. Tuy nhiên cũng có thuyết cho rằng niên họa khởi phát từ thời Đường và thịnh hành vào thời Tống. Hiện nay, bức niên họa xưa nhất được tìm thấy thuộc thời Tống có tên là “Tứ mỹ đồ”, vẽ bốn người đẹp chim sa cá lặn nổi tiếng Trung Quốc là: Vương Chiêu Quân, Triệu Phi Yến, Ban Cơ và Lục Châu.
Tuy nhiên, đáng chú ý nhất là ý nghĩa tượng trưng của một số hình tượng trong niên họa cát tường là: gà, voi, dê, nhện, hổ, dơi, diều, hươu nai, hạc, cá, lựu, bầu, hoa cúc, hoa mẫu đơn, tre trúc, kỳ lân, hoa sen... Tất cả đều mang ý nghĩa đẹp đẽ, viên mãn trong cuộc đời con người.
Ngày 30 hoặc 29 Tết (nếu là tháng thiếu) thì người Tiều dọn dẹp nhà cửa, rửa quét sân nhà sạch sẽ. Làm như vậy, họ còn nhằm áp dụng tục kiêng cữ không quét nhà trong ba ngày Tết. Bởi, họ cho rằng từ 11 giờ đêm 30 Tết (hoặc 29 Tết, tháng thiếu) cho đến hết ngày mùng 3 Tết, nếu quét nhà là “hất” thần Tài ra khỏi cửa, không nên.
Trong ba ngày này, vạn bất đắc dĩ phải quét nhà thì họ quét vào trong nhà và vun rác thành đống trong góc, như một cách tích tụ tài lộc trong suốt cả năm (ngày thường họ cũng quét nhà từ ngoài vào trong rồi mới hốt).
Cũng cùng một ý nghĩa như vậy, từ sáng mùng một Tết cho đến hết ngày mùng ba Tết, mọi người trong gia đình không được làm điều xấu, cự cãi nhau, đánh nhau hoặc nói những điều không tốt đẹp. Tập tục này nhằm giúp con người hoàn thiện mình trong những ngày đầu năm mới, nhưng thực ra là muốn họ đẹp hơn trong cuộc sống suốt 365 ngày sắp tới. 
Đêm trừ tịch, người Tiều bày mâm trái cây cùng bánh trái cúng đón giao thừa. Trong số trái cây đó, nhất thiết phải có trái quýt. Trái cây này tiếng Tiều đọc giống như “cát”, mang ý nghĩa cát tường tức may mắn, bởi họ quan niệm năm mới phải “ngọt ngào” mới tốt đẹp.
Lại nữa, vì “Tài thần thích ngọt” nên dù cúng trà cũng phải trà đường. Dù cúng kẹo bánh gì, nhất thiết phải có thèo lèo. Còn trái cây phải có dưa hấu vì họ quan niệm ruột dưa màu đỏ sẽ đem lại may mắn, hạnh phúc suốt năm. Riêng hột dưa mang ý nghĩa “bách tử thiên tôn” (trăm con ngàn cháu).
Đặc biệt, giàu nghèo gì, trong nhà họ cũng phải có ổ bánh tổ. Bánh tổ làm bằng bột gạo, nếp và đường, đổ theo khuôn. Theo Hán tự, bánh này có bộ chữ “bộ bộ cao thắng”, nghĩa là mong cho cuộc làm ăn năm này qua năm khác phát triển.
Tiếng Hán còn gọi bánh tổ là “niên cao”, nghĩa là năm nay cao hơn năm trước, càng ngày càng phát triển. Người Tiều ngày Tết còn hay cúng lẩu cá. Cá tiếng Hán phát âm giống như “dư”, hàm ý dư dả cả năm.
Cũng trong đêm thiêng liêng giao hòa giữa năm cũ và năm mới, người Tiều đổ xô đến các chùa Ông Bổn, chùa Bà Thiên Hậu (còn gọi Bà Mã Châu) hoặc chùa Phật Bắc tông để cầu xin tài lộc và phúc đức trọn năm cho gia đình.
Sáng mùng một Tết cả nhà xúm xít quanh ông bà, cha mẹ để chúc Tết. Sau đó, con cháu được ông bà, cha mẹ “lì xì”. Trong sáng sớm đầu năm này, đoàn hát rong vài ba người tay xách nách mang trống, kèn, chập chã, song lan đi dài theo các phố. Gia đình nào cũng hớn hở mời họ vào nhà.
Thế là tiếng đờn lời ca réo rắt vang lên thật rôm rả, vui tai, đúng như tên gọi của ban hát: “Xung hỉ” (vui vẻ ngày xuân). Tùy theo số tiền gia chủ lì xì mà họ hát bài dài hay ngắn, nhiều hay ít. Tiếc thay, không biết các ban hát này “hồn ở đâu bây giờ”? 
Mùng hai Tết, như thông lệ mỗi tháng 2 lần (mùng hai, 16 âm lịch), họ cúng “mừng kha” (cô hồn). Ngày thường có gì cúng nấy (qua loa vài cái bánh in, bánh men...) nhưng ngày Tết nhà giàu thì cúng gà, vịt, còn nghèo thì cúng thèo lèo cứt chuột cho đậm đà phong vị ngày xuân. Cúng xong, họ vãi muối gạo khắp bốn hướng nhằm xua đuổi tà ma, mong nhà cửa được bình an, tốt đẹp...
Ăn Tết, trong khi người Quảng cữ thịt vịt vì sợ tiếng kêu “cạp cạp” của nó khiến quanh năm làm ăn không khá thì người Tiều lại thích làm món vịt ram như thứ đồ khô để ăn dần. Vịt lựa con mập, lớn, đem luộc rồi chặt từng miếng vừa ăn, ram trong chảo mỡ sôi. Khi mỡ rút vào thịt vịt thì nhấc xuống, rắc muối hột, xốc đều, để nguội, cho vô thố lớn. Nước luộc vịt được tận dụng nấu xôi ăn với vịt ram tưởng không gì khoái khẩu bằng.
Chiều 30 Tết (hoặc 29 Tết nếu tháng thiếu, cúng đón ông bà) cũng như mùng ba Tết (cúng tất, tiễn ông bà), họ nấu rất nhiều món, nào canh, cù lao, xào, luộc, nướng, kho, bày ê hề trên bàn thờ gia tiên.
Cúng xong, cả nhà xúm xít ăn. Ăn không hết, tất cả các món đó cho vô nồi bự, nêm “cứng” muối, để dành ăn nhiều ngày, gọi là “xào bần”. Đây là loại canh độc đáo vừa ngon vừa tiết kiệm, mỗi năm chỉ được ăn vào ngày Tết hoặc giỗ chạp.
Ngoài ra lễ cúng đình Năm Ông diễn ra rằm tháng giêng hàng năm, sau ngày tết tại Đình năm ông mọi người kéo nhau đi viếng chùa và cúng váy cho một năm làm ăn khám khá, sau đó xem hát hồ quảng tại đình, dòng người đông đúc những ngày sau tết.
Tết của người kinh
Tết Đoan Ngọ hay Tết Đoan dương, ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch, là một ngày Tết truyền thống tại Trung Quốc cũng như một số nước Đông Á như Triều Tiên, Việt Nam. Tết Đoan ngọ tồn tại từ lâu trong văn hoá dân gian Phương Đông và có ảnh hưởng đến sinh hoạt văn hoá. Ở Việt Nam, dân gian còn gọi là Tết giết sâu bọ.




Tại cồn Mỹ Phước Sóc Trăng đã tổ chức lễ hội sông nước miệt vườn, giới thiệu những tiềm năng du lịch của đất cồn, các loại cây trái và nhiều món ăn dân dã nhưng đậm đà hương vị của vùng sông nước miền Tây Nam bộ. Lễ hội tết Đoan Ngọ còn có nhiều hoạt động văn nghệ, thể thao như đua thuyền rồng, nhảy bao, bịt mắt đập nồi đất, kéo co... xem trình diễn chiên bánh xèo vừa ngon vừa giòn tại ngày hội sông nước miệt vườn.
Sáng 22-1 (nhằm ngày 30 tháng Chạp), không khí Tết ở Sóc Trăng đã rộn ràng trong từng phum sóc Khơme cho đến tận TP Sóc Trăng. Tại Sóc Trăng, hầu hết các loại nông sản phục vụ Tết Nguyên đán đều được bà con Khơme đưa từ các phum sóc xa xôi lên TP Sóc Trăng phục vụ chợ Tết.
Dọc theo bờ kè hai bên sông Maspéro - TP Sóc Trăng, hàng trăm nhà vườn từ Bến Tre, Đồng Tháp… mang hoa đến bán; dưa hấu từ quê cũng được đưa về TP Sóc Trăng.
Ngoài đường phố cũng rộn ràng tiếng trống múa lân nhưng bên trong các cơ sở sản xuất lạp xưởng, các công nhân vẫn tiếp tục cho “ra lò” những cây lạp xưởng thơm ngon phục vụ cho thị trường Tết Nguyên đán Nhâm Thìn bởi lạp xưởng là một loại đặc sản không thể thiếu của tỉnh Sóc Trăng trong những ngày Tết.
Nếu từ Sóc Trăng bạn đi về Cần Thơ, Đại Ngãi, Long Phú, bạn sẽ thấy giữa đồng ruộng mênh mông, có một vài đám người ca hát vui vẻ. Bạn cũng đừng bỡ ngỡ, bởi vì đời sống dân Sóc Trăng là một đời sống nặng về xã hội, ý thức rõ ràng về liên đới, tập thể hòa đồng, nhân ái, nơi mỗi cá nhân, nơi mỗi gia đình. Bạn hãy đến quan sát xem đám người ấy đang làm gì ? Bạn không thấy họ đang tát đìa, tát ruộng bắt cá để sửa soạn cho những ngày Tết sao? Sau những ngày gặt lúa vội vàng, sau những đêm đập lúa, phơi lúa, một phần đem đến nhà máy, một phần đem bán, một phần đổ vào những kho lẫm dùng cả năm. Đây là những giây phút được hướng sự phú quý người ta nghĩ đến những buổi ăn nhậu, tuy không có tính cách linh đình, nhưng vẫn chan chứa màu sắc quê hương.
Trong những món sơn hào hải vị, người ta cũng không thiếu những món cá trong những sông hồ, đồng ruộng, con đìa, đều là những đồ dự trữ vĩ đại, khi cần người ta huy động một lực lượng thôn xóm thì chiến lợi phẩm ấy sẽ dư dật trong những ngày Tết.
Quê hương Sóc Trăng giàu có, thịnh vượng như vậy đó. Chúng ta hãy nhìn tận mắt đi, những con cá lóc vàng ngấy, những con lươn quằn quại màu đồng, nếu thích bạn cứ xin vài con về nướng trui ăn chơi, người ta sẽ vui vẻ chọn cho bạn những con cá tốt nhất. 
Hòa bình đã ngự tri trong tâm hồn mỗi người, bởi lẽ mọi người đã sẵn sàng đứng trong tư thế công bằng và tôn trọng lẫn nhau, từ bao nhiêu thế kỷ, càng chứng tỏ Sóc Trăng đã có một nền văn minh nông nghiệp trước văn minh cơ giới, giàu nghèo xem như không có ranh giới. Tỉnh Sóc Trăng không kể đến lúa gạo vô vàn, không kể đến tôm cá, trái cây, rau đậu, tất cả không bao giờ thiếu. Người ta thấy các nhà máy xay lúa vần vũ ngày đêm, còn nói chi đến những xưởng biến chế rượu mạnh từ đời thuộc đia, tự nó đã tạo thành một khung cảnh đặc thù giữa nông nghiệp, ngư nghiệp, công nghệ là một nét ưu tú, siêu việt của miền Tây Nam bộ trù phú.
Từ một thể chất hài hòa, từ một nội tâm cao quý, tình đất đã vun xới tình người, hay tình người đã trải dài trên mảnh đất màu mỡ, tựa như bóng với hình khăng khít bên nhau đi vào dòng lịch sử éo le của dân tộc, bởi phong kiến, bởi thực dân vv đã tàn hủy sức mạnh của Sóc Trăng về phương diện thể chất, nhưng tinh thần người Sóc Trăng vẫn vươn cao, bền vững, kiên cường.
Người ta có thể đánh giá được qua Hiệp Hội Ái Hữu Tương Tế Sóc Trăng. Từ khi ngọn cờ này được dựng lên, người Sóc Trăng hải ngoại đã liên kết thành một khối duy nhất, cùng một dòng tư tưởng thiết tha, độc nhất hướng về quê hương trong một tinh thần đồng điệu, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau, tựa như một dòng sông đổ nước vào muôn nhánh. Cả một vùng đất hứa mênh mông ấy, người ta không thể quên vốn liếng văn hóa được đúc kết trong nếp sống Sóc Trăng. Chính nơi đây đã vang vọng những bản tình ca trôi trên sóng nước, trên vườn tược, trên những cánh đồng, chan chứa tính chất thi ca, triết lý, văn chương lãng mạn và cách mạng. Hãy nhìn vào thời điểm này, Sóc Trăng còn có nhạc sĩ Thanh Sơn, nghệ sĩ như Hữu Phước, Vương Hồng Sến, nhà khảo cổ đã viết rất nhiều sách... thì ai dám bảo Sóc Trăng không phải là những hình ảnh được liệt kê trên những mặt trống đồng cổ xưa. Ngoài ra Sóc Trăng còn có những nhân vật mà người ta đã ca tụng trên thương trường.  Ông Toàn Cao Phan, ông Quách Nhất Danh, ông Lý Kim Vân, ông Tào Quang Vinh, ông Trần Dũ, ông Tony Quách... là những nhà kinh doanh có tính cách liên kết với nhau, tạo thành sức mạnh kinh tế và tài chánh hiếm có tại Hoa Kỳ. Hay tiến sỹ Philipp Rösler chủ tịch đảng FDP phó thủ tướng Đức ngày nay.
Sóc Trăng là giao điểm của ba nền văn hóa lớn Trung Quốc, Cao Miên, Việt Nam, nhưng sự kết tụ về tôn giáo thì xem ra hòa đồng giữa Phật Giáo và Thiên Chúa Giáo. Chính nhờ những nền tảng giáo lý căn bản mà sự đấu tranh giữa hai giai cấp chủ và thợ hầu như không bao giờ đặt ra. Nhất là về cuối năm, giữa chủ và thợ sổ sách đều được tính toán phân minh, lỗ lãi cũng sòng phẳng. Do đó, du khách đến Sóc Trăng rất khó khăn mới kiếm ra được một người ăn xin, vì họ có thể mò cua bắt óc trên cánh đồng làm bữa ăn qua ngày, những vụ tranh tụng có tính cách pháp lý cũng rất hiếm xảy ra. Người ta có những câu nói kính trọng “Sóc Trăng là quê hương của Đức Phật”. Nếu đã gọi là quê hương của Đức Phật thì các tín đồ của Ngài có những phẩm chất cao mà ít có nơi sánh bằng. Nếu bạn đến Sóc Trăng vào những ngày Tết, bạn sẽ ngạc nhiên vì các chùa chiềng rất trang nghiêm, những vị tu sĩ hành đạo với một tâm hồn bao dung cao cả mà chiếc áo cà sa của các ngài cũng huy hoàng như nét đẹp uy nghi của Đức Phật khi bước chân vào đường từ bi.
Snowynguyen Spring 2011
Tham khảo
http://vn.360plus.yahoo.com/yeuquehuong-soctrang/article?mid=1 (tet Chôl Chnăm Thmây, 14/06/2008)
http://namtong.org/docbaogiumban/Docchoidobuon/N-Z/NguoiTieuAnTetmiddle.htm (Phù Sa Lộc , Người Tiều ăn Tết )
http://www.baomoi.com/Van-hoa-am-thuc-cua-nguoi-Khmer-Soc-Trang/84/3105181.epi
http://tuoitre.vn/Tet-Viet/299160/Khap-noi-ron-rang-don-Tet.html (25/01/2009)
http://mientayonline.net/cay-trai-song-nuoc-nam-bo/chitiet/92/Soc-Trang-que-toi-%28My-Hoa%29/ (My hoa, quetoisoctrang, 22/09/2009)
http://www.saigontoserco.com/lehoi.php?/dua-ghe-ngo/%C4%91ua-ghe-ngo/dua-ghe-ngo-o-soc-trang/%C4%91ua-ghe-ngo-%E1%BB%9F-s%C3%B3c-tr%C4%83ng/le-hoi-soc-trang/l%E1%BB%85-h%E1%BB%99i-s%C3%B3c-tr%C4%83ng/&currentPage=3&mienid=4&id=457 (dua ghe ngo Soc Trang)
http://www.tuyengiao.soctrang.gov.vn/wps/portal/!ut/p/c4/04_SB8K8xLLM9MSSzPy8xBz9CP0os3gLR1dvZ09LYwN312BTA09fd28fM0MzgwALA_2CbEdFALaFW3M!/?PC_7_8AEKCI930GES50IMGKL6160PO5_WCM_CONTEXT=/wps/wcm/connect/bantuyengiao/bantuyengiaosite/van+hoa+van+nghe/net+dep+van+hoa/xom+tieu+o+trinh+phu (Quoc Khoi, xom tieu, 09/04/2011)
http://vnexplore.net/destination/585 (le ooc om bok, le dua ghe ngo)
http://www.thoi-nay.com/tam_guong_sang/PhilippRoesler.asp
http://vi.wikipedia.org/wiki/Philipp_R%C3%B6sler
http://www.soctrang.gov.vn/wps/portal/!ut/p/c5/04_SB8K8xLLM9MSSzPy8xBz9CP0os3gLR1dvZ09LYwOL4GAnA08TRwsfvxBDTwNXU6B8JC55o7Awc2J0O7s7epiY-xgY-BuFGRgY-ZkGBxqEBhsbeBoT0B0Oci1uFUbm-
http://touristvina.com/van-hoa-le-hoi-soc-trang/642-l-hi-t-thn-mt-trng--soc-trng.htmlOQhrgPJ47MfJG-AAzga6Pt55Oem6hfkhkYYZHrqAgDocTNu/dl3/d3/L2dJQSEvUUt3QS9ZQnZ3LzZfOEFFS0NJOTMwOFNTQjBJNEE4TE5UMUEzNzI!/?WCM_GLOBAL_CONTEXT=/wps/wcm/connect/web+content/soctrangsite/dulich/khamphasoctrang/lehoilangnghetruyenthong/tetdoanngo
Hiệu ứng tuyết rơi