Friday, August 5, 2011

THỜI THƠ ẤU Ở TRƯỜNG LÀNG LONG KHÊ


Khoảng đời thơ ấu tại trường Làng Long Khê.
(1928-1930)


Xã Long Khê thuộc Huyện Cần Đước là một xã của tỉnh Chợ Lớn, sau này sửa lại là tỉnh Long An.  Xã Long Khê ở ngay sát quốc lộ 1, gần đường rầy xe lửa Saigon Mỹ Tho lúc bấy giờ.
Bảy  tuổi tôi học trường làng Long Khê, cách nhà ở  Ấp Phước Quảng khoảng hơn cây số.  Mỗi sáng, vì không tự thức dây nên phải nhờ ai đó kêu dùm, khi thì Má, khi thì chị phải đánh thức.  Nồi cơm đã được nấu chín sẵn,  cơm còn nóng,  hơi bay nghi ngút. Thường là ăn với cá kho mặn. Ngày nay,  khi mà đồ ăn đầy đủ, các món ăn trở nên thừa mứa, cá kho đã thành món đặc sản tại các quán ăn ở Saigon. Nhưng thời đó, cá là món ăn quen thuộc, không phải tốn tiền mua. Nếu có mua cũng rẻ tiền.  Có thể câu cá, tát đìa, giăng lưới …. là có ăn liền.  Nếu ăn không hết thì làm mắm hay phơi khô.  Mỗi khi ăn xong, tôi chạy ra ngoài lu uống nước bằng cái gáo của trái dừa trái dừa điếc.  Xin nói thêm ở đây, trái dừa khô bình thường khi lắc sẽ nghe có tiếng nước óc ách.  Còn với trái dừa nhỏ, mà không có nước gọi là dừa câm hay dừa điếc. 
Ba tôi cũng là thầy giáo dạy ở trường Long Khê.  Khi Ba tôi đã sẵn sàng đến trường với cái áo dài the màu đen và cây dù trên tay, thì cũng là lúc tôi phải rời nhà để đi cùng. Lúc này mặt trời đã lên cao.  Khởi hành ở nhà là bảy giờ sáng.  Gần đến trường Long Khê đã thấy khá đông học trò .  Tất cả chúng tôi phải chờ thầy mới được vào lớp.   Tiếng trống báo hiệu đến tới giờ học.
Đúng ra tôi đã đến lớp năm sáu tuổi, năm mà chưa đến tuổi đến trường.  Nhưng vì cậy thế con ông giáo Ba,  tôi đến trường sớm để làm quen với trường, làm quen lớp.  Ba tôi được mọi người kính nể, nên thay vì gọi tên túy là Lưu Đình Vĩnh, thay vào đó là thầy giáo Ba.  Ba là thứ ba của mấy anh em trong gia đình.  
Trường học có ba cấp, enfantaire (lớp chót), preparatoire (lớp nhì) và elementaire (lớp nhứt).   Nói là ba cấp cho oai, chứ mỗi cấp chỉ có một lớp, như vậy trường có ba lớp nhưng chỉ có hai thầy giáo thôi!  Nên thường xuyên phải học dồn hai lớp cùng một lúc.  Tôi nhớ số học trò của hai lớp học dồn khoảng hơn ba chục. Trường Long Khê lúc đó có tường bằng gạch, trên lợp ngói.  Tôi nhớ không rõ là ngói Tây hay ngói Tiểu Đại (hay còn gọi là ngói âm dương).  Ngói Tây là ngói có móc với miếng dưới bằng cái ngàm.  Ngói Tiểu Đại là cứ liên tục miếng sau sắp lên miếng trước.   
Học một thời gian thì được nghỉ, ra chơi, nghĩa là recreation.  Bên ngoài trường, có chỗ bán khoai lang.  Khoai lang củ nhỏ cỡ bằng ngón chân cái, được xỏ lụi với nhau bằng một tăm tre.  Ít thấy đứa học trò nào lui tới mua. Chắc cũng không có nhiều học trò được cho tiền để ăn quà bánh.  Nhà vệ sinh của trường là một … bãi đất trống! Nên chỉ có lũ học trò con trai như tôi mới ra đây. Chúng tôi được nhà trường dặn dò cẩn thận phải đi đái xa để khỏi có mùi khai! Cả vùng đó cỏ chết hết vì chất độc của nước thải của chúng tôi. 
Trống đánh ba tiếng đùng đùng đùng báo hiệu hết giờ chơi.  Tất cả đều vô lớp học.  Thầy cô đứng giảng day, có thể viết lên bảng đen.  Bảng có chân đứng gần extrat của thầy cô.  Để bảng đen trên extrat nhằm để bảng đen được kê lên cao, học trò ngồi dưới dễ thấy hơn, và còn để tránh thời tiết ẩm thấp vào mùa mưa.
                                                             
Học đến 10:30, trống đánh, nghĩa là chấm dứt buổi học sáng.   Nếu học trò nào gần nhà thì về nhà ăn cơm hay đem theo phần cơm trong mo dừa ăn trưa để tiếp tục cho buổi học chiều.
Cuối niên học chúng tôi được chụp chung bức hình cả lớp.  Không làm kỷ yếu như ngày nay, nhưng chúng tôi được một tấm hình đem về nhà chưng sau khi đóng tiền rửa hình.   Thợ chụp hình được thuê ở xa đến. Người thợ chụp hình trùm đầu bằng cái khăn tối màu với máy chụp hình, máy chụp hình  đứng bằng ba chân giữa trường rất oai phong.  Thời đó là cái gì rất hiện đại và ghê gớm.  Cả đám nhóc chúng tôi bu quanh, dòm ngó, bàn tán, chỉ trỏ thích thú.
Lâu lâu, trường thuê xe ngựa để thầy giáo đi đến Ty Học Vấn Bến Lức nhận một số lớn dụng cụ học sinh như bảng đá, phấn viết, cọ để viết bảng đá, tập, giấy men, sách đánh vần, sách tập đọc …. hầu để phân phát lại cho chúng tôi.   Gọi là phát vì chúng tôi đi học không phải đóng tiền học mà còn được tập sách học.  Vậy mà đâu phải ai cũng có điều kiện để đến trường học. Đứa phải ở nhà giữ em.  Đứa phải đi chăn vịt, coi chừng trâu phụ giúp gia đình …
Sau khi học hết lớp ở trường, trong số chúng tôi, có người lên tỉnh học tiếp lớp cao hơn hay cũng có người đi làm mướn để lo toan kiếm sống. Trường Long Khê là một trường làng nhỏ, không tiếng tăm, nhưng đó là nơi dạy chúng tôi những bước đầu của cuộc sống,  làm bước đệm vững chắc trên đường đời.  Ngày nay, khi ở tuối ngoài thất thập cổ lai hy, hồi tưởng trường lớp, bạn bè.  Không biết ai còn ai mất….


Lưu Thanh Lịch (viết theo lời kể của Lưu Đình Triệu)
Fresno – United States  Tháng 7 năm 2011.

Hiệu ứng tuyết rơi