Monday, July 11, 2011

QUÊ HƯƠNG TÔI 50 NĂM NHÌN LẠI



Bài viết có tính cách sưu tầm, phỏng ra từ nhiều tài liệu và hồi ký của nhiều nhân vật quan trọng để phản ảnh cái nhìn lịch sử thật khách quan, vô tư và phi chính trị.....Nếu như có sự thiếu sót và sai lầm là do kiến thức chưa được thâm sâu hoặc do ký ức bắt đầu phai nhạt chứ nhất định không phát xuất từ sự cố tâm bóp méo sự thực...
Xin chân thành cảm tạ các bạn hữu đã đóng góp ý kiến thật xây dựng cho bài viết:
Anh Nguyễn Khắc Liệu – Melbourne Autralia
GS Nguyễn Chí Thân - Sunderland University Thủ Đức Việt Nam
Huỳnh Ngọc Minh - Portland, Oregon
Ngô thị Xuân Nga – Toronto Canada
Nguyễn Tuyết – Brussels, Belgium
Thiếu tá KQ Vũ Tất Thắng – Montréal, Canada...
Anh Ngô Khôn Trí – Montréal Canada
Anh Nguyễn Phát Quang – Montréal Canada

Phần 1
Quê hương tôi xưa và nay

Tôi yêu quê tôi, xanh xanh lũy tre.
Quê hương tuổi thơ đi qua đời tôi.
Đường làng quanh co, sông Thu êm đềm.
Thả diều đá bóng nắng cháy giữa đồng.
Biển trời mênh mông tôi bơi ngày ấy.
Tiếng tu hú gọi thấy nhớ biết bao.
Tôi xa quê hương, bao năm tháng qua.
Nhưng trong trái tim không bao giờ xa.
Lời mẹ ru con hiu hiu trưa hè.
Mùa lụt nước lũ bắt cá giữa đường.
Kỷ niệm yêu thương cho tôi ngày ấy,
Biết đâu tìm lại, biết đâu mà tìm.
Hẳn không ai quên được những câu thơ trên với hai chữ “quê hương” nghe rất thân thương và gần gũi. Mặc dù chúng ta sống ở hải ngoại nhưng trong lòng mỗi người chúng ta vẫn hướng về nơi chôn nhau cắt rún dưới nhiều hình thức khác nhau, hai chữ quê hương không thể nào bị xoá mờ trong kí ức…. Khi tôi còn bé ở trường thầy cô dạy cho biết là nước Việt Nam được so sánh ngang hàng những nước láng giềng Đại hàn, Phi Luật Tân, Thái lan và trên Mã lai Á, Miến Điện, Lào và Cam Bốt, v.v.v…
Mỗi khi có dịp trò chuyện hay nhậu nhẹt tán gẫu với bạn bè ở những lứa tuổi và trình độ học vấn khác nhau, tôi thường đề cập về vấn đề hiện tại và tương lai nước Việt Nam mình.
Tại sao nước Việt Nam mình ngày nay không tiến bộ bằng hoặc kém xa hầu hết các quốc gia vùng Đông Nam Á như những nước nêu trên. Có người cho rằng vì Việt nam thuộc chế độ CS là chế độ kềm hãm thì không tiến được, có người cho rằng Việt Nam thiếu chính sách khuyến khích đầu tư nước ngoài hay Việt Nam mình thiếu nhân tài, tài nguyên hoặc chính phủ không có chính sách thu hút chất xám hải ngọai để về giúp nước như Nhật bản sau thế chiến thứ hai, vân vân và vân vân….Tất cả những câu trả lời trên đều đúng nhưng ở một vài góc độ nào đó mà thôi. Sự tiến triển của một đất nước không chỉ tùy thuộc vào một hay vài yếu tố khác nhau. Nó không đơn thuần như người bạn đổ lỗi vào chế độ CS là xong chuyện. Nói như thế là nói theo chủ nghĩa « đề huề » là muốn chấm dứt đề tài cho lẹ để chuyển qua đề tài khác. Đó là cái nhìn hơi « thiển cận ». Một Trung Quốc hay Liên Xô cũng là những xứ C.S và bây giờ họ tiến rất xa so với Việt Nam chúng ta…Trong khi hoàn tất bài viết này thì Trung Quốc vừa vượt qua Nhật bản về kinh tế toàn cầu với 5.4 ngàn tỉ US về Tổng sản lượng quốc gia (GDP) chỉ sau Mỹ với 14.8 ngàn tỉ US và trước Nhật với 5.2 ngàn tỉ US. Người ta dự đoán với đà tiến triển kinh tế của Trung Quốc như hiện nay đến năm 2020 Trung Quốc sẽ qua mặt Mỹ để trở thành đại siêu cường quốc kinh tế.
Nhưng tiếc thay nước Việt Nam chúng ta phải trải qua hằng bao thế kỷ chiến tranh người dân phải hi sinh cho đất nước, tài nguyên quốc gia phải phục vụ cho ngân sách chiến tranh. Đất nước ngày càng cạn kiệt nguồn tài nguyên quí giá. Rồi sau khi thống nhất người dân Việt Nam phải đối diện một lần nữa về tệ nạn tham nhũng. Đất nước lùi bước thay vì tiến lên như những quốc gia lân cận kể trên…
Ngày nay nhìn lại quê hương sau 50 năm chúng ta thử tìm hiểu những yếu tố chính làm trì hoản sự tiến triển quốc gia. Chúng ta nhìn lại những nước láng giềng đang tiến triển nhanh để suy luận về những yếu tố cần thiết có thể giúp phát triển đất nước Việt Nam, hầu mong tìm một giải pháp đánh giá nước chúng ta ...trong tương lai.
Một vài trang viết không thể diễn tả được hết lịch sử huy hoàng với hơn 4,900 năm văn hiến của một dân tộc Việt Nam chúng ta. Vì thế chúng tôi xin ghi lại đoạn đường đất nước trải qua với những sự kiện chính yếu của nền lịch sử ấy một cách ngắn gọn. Nước Việt Nam bị đô hộ bởi Trung quốc hơn 1000 năm trước. Những triều đại kế tiếp như Văn Lang và Âu Lạc đều thuần phục sự bành trướng của Trung Quốc. Đến năm 938 là lúc Việt Nam giành được độc lập. Việt Nam vẫn là một chư hầu và luôn phải đối phó với những cuộc xâm lược của cường quốc láng giềng Trung Quốc lớn hơn ta trăm lần. Các cuộc xâm lược ấy, cũng như ba cuộc xâm lược của người Mông Cổ giữa 1255 và 1285 đều bị dân tộc ta đánh đẩy lùi. Hoàng đế Trần Nhân Tông của Việt Nam sau này dùng ngoại giao để xin gia nhập vào xứ Tần hầu mong tránh xung đột thêm. Thời kỳ độc lập tạm thời kết thúc ở giữa thế kỷ 19, khi đất nước bị thực dân Pháp xâm chiếm ở Đông Dương (1945-1954).[7]
Khi thực dân Pháp xâm nhập vào Việt Nam giữa thế kỷ 19, sự thống nhất của nền kinh tế nông nghiệp và sinh hoạt được chia theo kiểu địa phương hoá. Tuy nhiên thực dân Pháp vẫn cố tình phát triển các vùng một cách khác biệt, củng cố miền Nam để sản xuất nông nghiệp và miền Bắc về công nghiệp. Mặc dù có sự thổi phồng về sự phát triển khu vực như xuất khẩu - than từ miền Bắc, gạo từ phía Nam – sự nhập khẩu hàng hóa của Pháp đã khuyến khích rất nhiều nền thương mại nội bộ.
Khi Việt Nam bị phân chia thành 2 miền Bắc và Nam năm 1954, họ cũng đã cảm nhận sự khác biệt về chính trị: cộng sản ở miền Bắc và tư bản ở miền Nam. Kể từ đó cuộc chiến tranh đã phá hoại trầm trọng nền kinh tế của Việt Nam.
Bắc, Nam, và Trung Việt Nam trong lịch sử được phân chia bởi sự khác biệt về địa phương và ngôn ngữ. Nhưng đến giữa thế kỷ 19 và bắt đầu thời kỳ thuộc địa Pháp, nền kinh tế ấy vẫn nghiêng về nông nghiệp và sinh hoạt được chia theo làng mạc.



Trước khi trở thành thuộc địa Pháp, nông nghiệp luôn luôn là nền tảng của đất nước. Văn hoá lúa gạo bắt đầu ở vùng đồng bằng sông Hồng với sự phát triển của đê điều. Việt Nam trở thành cái nôi của lâm sản và cũng là một hàng hóa cống hiến cho Trung Quốc trong thời gian chiếm đóng của họ cho đến thế kỷ thứ mười. Các triều đại của thời độc lập của Việt Nam từ thế kỷ thứ mười đến mười chín, do hệ tư tưởng Nho giáo, hỗ trợ nông nghiệp là nền tảng của xã hội. Người nông dân, các quan chức và người thân của hoàng gia đều được cấp đất. Quyền sở hửu đất đai được đảm bảo bằng pháp luật. Đất đai có thể được chuyển giao, bán hoặc thế chấp. Sản phẩm xuất ra từ các vùng đất sẽ bị đánh thuế và thu thập được trong kho thóc để dành dự bị nếu nạn đói có thể xãy ra, chiến tranh hoặc thảm họa thiên tai. Thương mại và thị trường hoạt động tự do theo luật pháp và trở thành nguồn lợi tức quốc gia từ thuế má. Lưu chuyển tiền mặt hoặc tiền xu đã được sử dụng bởi cả Trung Quốc và Việt Nam. Tiền giấy bắt đầu xuất hiện từ các triều Lê (1428-1788). Các thương nhân lớn Trung Quốc được phép trao đổi hàng hoá với Việt Nam. Trong thế kỷ 18, thương nhân Châu Âu đến Việt Nam. Hãng công ty Đông Ấn (Dutch Esast Indies) VOC đã làm nghành thương mại sầm uất vào những triều đại thuộc chúa Nguyễn. Vũ khí phương Tây trở thành sản phẩm nổi bật nhất trong hoạt động kinh tế ở thế kỷ 17.
Tuy nhiên tình hình kinh tế của Việt Nam luôn chịu áp lực từ chiến tranh và thiên tai. Nạn đói xảy ra nhiều lần, từ thế hệ này đến thế hệ khác. Nhờ việc mở rộng đất đai của chúa Nguyễn về phía nam, sự di dân Việt và binh sĩ được gửi đi để mở vùng đất mới chiếm ở đồng bằng sông Cửu Long.

Trong thời thuộc địa, người Pháp cần nguyên liệu và tìm thị trường để tiêu thụ hàng hóa Pháp sản xuất. Họ thực hiện một kế hoạch phát triển khu vực miền bắc và nam một cách riêng biệt. Miền Nam Việt Nam phù hợp hơn cho nông nghiệp và tương đối nghèo về tài nguyên công nghiệp nên được phát triển về nông nghiệp trong khi miền Bắc giàu có thiên nhiên về tài nguyên khoáng sản nên được chọn là khu vực tập trung công nghiệp để phát triển.
Người Pháp muốn duy trì sự kiểm soát chặt chẻ thuộc địa họ bằng cách bóp méo nền kinh tế cơ bản của Việt Nam, bằng cách nhấn mạnh về sự khác biệt khu vực kinh tế. Ở miền Bắc, trong khi việc dẫn nước tưới lúa vẫn là chính yếu thì Pháp lại đề nghị trồng trọt cà phê, chè, bông vải và thuốc lá. Chính quyền thuộc địa cũng phát triển một số ngành công nghiệp khai khoáng, chẳng hạn như mỏ than, sắt, và kim loại. Ngành công nghiệp đóng tàu được bắt đầu tại Hà Nội; và đường sắt, đường giao thông, trạm điện, và các công trình thuỷ lợi được xây dựng. Tại miền Nam, nông nghiệp phát triển tập trung vào việc trồng lúa, gạo và cao su là mặt hàng chính của xuất khẩu. Thương mại trong nước và ngoài nước được tập trung xung quanh khu vực Sài Gòn-Chợ Lớn. Công nghiệp ở miền Nam bao gồm chủ yếu là các nhà máy chế biến thực phẩm và nhà máy sản xuất hàng tiêu dùng.
Sự phát triển của xuất khẩu - than từ miền Bắc, gạo từ phía Nam - và nhập khẩu hàng hóa của Pháp sản xuất, tuy nhiên, khuyến thích thương mại nội bộ. Một mô hình phát triển thương mại, theo đó gạo từ miền Nam được chuyển ra Bắc để đổi lấy than và hàng hóa sản xuất nhập vào Nam.

Trong Thế chiến thứ II, Đế quốc Nhật Bản trục xuất người Pháp ra khỏi Việt Nam rồi tiếp tục thôn tính nước ta, mặc dù họ vẫn còn giữ lại vài cố vấn cao cấp Pháp trong thời gian chiếm đóng của họ. Sau chiến tranh, Pháp cố gắng thiết lập lại chế độ thực dân của mình nhưng cuối cùng bị thất bại trong Chiến tranh Đông Dương. Hiệp định Genève 1954 chia đất nước Việt Nam làm hai với một lời hứa hẹn của cuộc bầu cử dân chủ để thống nhất đất nước. Tuy nhiên, thay vì sự thống nhất đất nước đem lại thanh bình cho người dân thì sự phân chia lảnh thổ Nam Bắc đã dẫn đến chiến tranh nội bộ Việt Nam. Trong thời gian nội chiến này Trung Hoa và Liên Xô hỗ trợ miền Bắc trong khi Hoa Kỳ hỗ trợ miền Nam gây nên hàng triệu người đã hi sinh cho cuộc chiến tranh ý thức hệ - cộng sản và quốc gia. Cuộc chiến tranh tương tàn sát hại đồng bào, anh em cùng máu mủ với nhau được chấm dứt với sự sụp đổ của Sài Gòn vào tay CS Bắc Việt ngày 30 tháng 4 năm 1975. Khi nước Việt Nam được thống nhất thì lại tiếp tục bị đàn áp nội bộ và quốc tế cô lập về kinh tế cũng chỉ vì chiến tranh lạnh và sự xâm lược của CS Việt Nam qua biên giới Campuchia. Năm 1986, Đảng Cộng sản Việt Nam thay đổi chính sách kinh tế của họ và bắt đầu bắt chước Trung Quốc cải cách kinh tế thị trường và mở cửa cho ngoại quốc và Việt Kiều vào đầu tư. Từ giữa năm 1980, nền kinh tế Việt Nam được tăng trưởng một mức đáng kể và cũng giảm đi phần nào sự đàn áp chính trị, mặc dù dư luận hải ngoại vẫn luôn tố cáo CS về sự tham nhũng cũng như vi phạm nhân quyền tại VN.
Hội nghị Genève năm 1954 kết thúc sự hiện diện của Pháp tại Việt Nam và phân chia đất nước thành hai quốc gia ở vĩ tuyến 17, đang chờ quốc tế giám sát một cuộc bầu cử tự do trên cơ sở thống nhất của đất nước. Ông Ngô Đình Diệm, một cựu sĩ quan cũng là một người Công giáo thuần túy và nặng về Nho giáo, được cựu Bảo Đại chọn làm Thủ tướng nước Việt Nam. Ông Bảo Đại là vì vua cuối cùng của nhà Nguyễn đã bị Việt Minh thoái vị từ muà thu năm 1945. Đến năm 1949 chính phủ Pháp đưa ông về Việt Nam để nhận chức Quốc trưởng tháng 7 năm 1954. Trong khi ông Diệm cố gắng giải quyết sự khác biệt giữa các dân quân vũ trang ở miền Nam với chương trình Ấp Chiến lược, Bảo Đại đã được thuyết phục để giảm bớt quyền lực của mình. Từ đó Thủ tướng Ngô Đình Diệm được sự ủng hộ của Hoa Kỳ ông bắt đầu chống đối Quốc trưởng. Ông Diệm tổ chức cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 23 tháng 10 năm 1955 để lật đổ Bảo Đại và tự tuyên bố là Tổng thống của nền Đệ nhất Cộng hòa Việt Nam. Chính thể Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) được chính thức tuyên bố tại Sài Gòn ngày 26 tháng 10 năm 1955. Hoa Kỳ bắt đầu cung cấp viện trợ quân sự và kinh tế cho VNCH, đào tạo quân lực VNCH và đưa các cố vấn Hoa Kỳ vào Việt Nam để hỗ trợ xây dựng hạ tầng cơ sở cho chính phủ mới. Cũng trong năm 1954, lực lượng Việt Minh chiếm miền Bắc Việt Nam theo quy định Genève. Hai triệu dân Bắc Việt di cư đến miền Nam Việt Nam để tránh chế độ Cộng sản miền Bắc. Đồng thời, lực lượng vũ trang Việt Minh từ miền Nam Việt Nam cũng đã được di chuyển về miền Bắc Việt Nam, cũng theo Hiệp định Genève. Tuy nhiên, một số cán bộ cao cấp Việt Minh bí mật ở lại miền Nam để theo dõi chặt chẽ tình hình địa phương. Nhân vật quan trọng nhất trong số những người ở lại là Lê Duẩn.

Hiệp định đình chiến Genève qui định một cuộc bầu cử để xác định chính phủ một nước Việt Nam thống nhất. Tuy nhiên, chỉ có Pháp và Việt Minh chịu ký kết hiệp định trong khi Hoa Kỳ và chính phủ Ngô Đình Diệm từ chối không chấp nhận thỏa thuận, vì e sợ rằng Hồ Chí Minh sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử do sự nổi bật về kinh nghiệm chiến tranh của ông ta và có thể sẽ thiết lập chủ nghĩa cộng sản trên toàn lảnh thổ Việt Nam. Ông Ngô Đình Diệm đã dùng một số biện pháp mạnh mẽ để bảo vệ miền Nam Việt Nam vì nhận thức được mối đe dọa nội bộ. Ông loại bỏ hay kêu gọi về hợp tác những lực lượng võ trang Bình Xuyên, và các giáo phái tôn giáo Cao Đài và Hòa Hảo. Trong tháng 10 năm 1955, ông truất phế Bảo Đại và tự xưng tổng thống và thành lập nền đệ nhất Cộng Hòa Việt Nam, sau khi gian lận sự trưng cầu dân ý. Ông đàn áp bất kỳ phe đối lập chính trị nào, bắt giữ các nhà văn nổi tiếng như Nguyễn Tường Tam, là người đã tự tử trong tù trong khi chờ xét xử. Ông Diệm cũng hành động tích cực để loại trừ các đối tác cộng sản vẫn còn hiện hữu ở miền Nam. Ông thành lập Đảng Cần Lao Nhân Vị, hòa đồng triết lý cá nhân và lao động phỏng theo mô hình tổ chức kiểu Đảng Cộng sản, mặc dù lập trường chống Cộng và giới Công giáo vẫn tiếp tục ủng hộ Ông. Một chính sách gây nhiều bàn cãi là « Ấp chiến lược » (1961-62) với mục đích chính là nhằm để xây dựng và củng cố làng xã để đề phòng chống Cộng sản. Tuy nhiên, chính sách này đã không có hiệu quả như sự mong muốn vì trên thực tế cộng sản trà trộn vào thường dân và với trực quan thường không thể phân biệt được họ. Chương trình này trở thành kém phổ biến vì nó hạn chế quyền tự do của dân làng và thay đổi cách sống truyền thống của họ.[10] Chapter 13
Năm 1960, tại Đại hội thứ ba của Đảng Cộng sản Việt Nam – sự biến thể của Đảng Lao động từ năm 1951, Lê Duẩn dự họp từ miền Nam ra và mạnh mẽ ủng hộ việc sử dụng chiến tranh cách mạng để lật đổ chế độ ông Diệm, thống nhất đất nước và xây dựng chủ nghĩa Mác-Lênin vào toàn cõi Việt Nam. Mặc dù một vài thành viên trong Đảng chống đối việc sử dụng vũ lực để chống chính quyền miền Nam, Lê Duẩn vẫn giành được chức đệ nhất Bí thư của Đảng. Vì chủ tịch HCM đã lão hóa cho nên Lê Duẩn hầu như đã lấy hết quyền lực từ Cụ Hồ. Bước đầu tiên của kế hoạch chiến tranh hoá của ông đã được phối hợp bởi một cuộc khởi nghĩa nông thôn ở miền Nam (Đồng Khởi) và lập nên Mặt trận Dân tộc Giải phóng Việt Nam (giải phóng) vào cuối năm 1960. Nguyễn Hữu Thọ, một luật sư miền Nam được giao chức lãnh đạo bù nhìn của Mặt trận giải phóng vì quyền hành thực sự thuộc vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Vũ khí, phương tiện và quân đội được mang từ miền Bắc vào miền Nam Việt Nam thông qua đường mòn Hồ Chí Minh, xuyên qua nội địa Lào và Campuchia trước khi vào miền Nam. Nhờ sự viện trợ mạnh mẽ của những nước như Trung Quốc và Liên Xô. Lê Duẩn tách xa chính sách « duyệt xét lại » của Nikita Khrushchev. Tuy nhiên dưới chế độ Leonid Brezhnev, Liên Xô viện trợ ồ ạt và cung cấp cho Bắc Việt Nam với nhiều vũ khí hạng nặng, như T-54 xe tăng, pháo binh, máy bay siêu thanh phản lực MIG, tên lửa chống hàng không, v.v.v.

Trong khi đó, tại miền Nam Việt Nam, mặc dù cá nhân ông Ngô Đình Diệm rất được dân chúng tôn trọng, nhưng ông vẫn duy trì một chế độ gia đình trị và độc tài. Cuộc bầu cử gian lận và ông Diệm thường xuyên đối xử một cách biệt đãi với đồng bào Công giáo trên nhiều phương diện. Chính sách đàn áp tôn giáo của ông gây ra hàng loạt biểu tình của cộng đồng Phật giáo sau khi 8 người biểu tình bị thiệt mạng trong cuộc đàn áp vào ngày Phật đản 7 tháng 5 năm 1963 tại Huế trong khi họ phản đối lệnh cấm trưng lá cờ Phật giáo của ông Diệm. Sự cố này khơi dậy hàng loạt biểu tình kêu gọi sự bình đẳng tôn giáo. Trường hợp nổi tiếng nhất của Hòa thượng Thích Quảng Đức, người tự thiêu cho đến chết để phản đối sự đàn áp của ông Diệm. Các hình ảnh của sự kiện này làm dư luận trong nước cũng như ngoại quốc chống đối cực điểm. Trước dư luận quốc tế ông Diệm khó mà biện minh chính sách kỳ thị tôn giáo của ông. Sự căng thẳng này chưa được giải quyết thì vào ngày 20 Tháng 8 một lực lượng cảnh sát đặc biệt trung thành với cố vấn Ngô Đình Nhu dưới sự chỉ huy của tướng Lê Quang Tùng đã đột kích vào chùa Xá Lợi, Ấn  Quang và nhiều ngôi chùa Phật giáo miền Nam làm nhiều người thiệt mạng. Tại Hoa Kỳ, chính quyền Kennedy rất lo ngại rằng các nổ lực chống Cộng của Mỹ ở Đông Nam Á đã bị chế độ Diệm phá hoại. Nói cách khác là ông Diệm không muốn Mỹ thiết lập căn cứ quân sự trên lãnh thổ Việt Nam theo chiến lược Domino của họ. Vào ngày 1 Tháng 11 năm 1963, các tướng lĩnh miền Nam Việt Nam do tướng Dương Văn Minh thiết kế một cuộc đảo chính lật đổ (coup d'etat) ông Diệm vì tin tưởng rằng Hoa Kỳ sẽ không can thiệp hoặc cắt đứt viện trợ Việt nam.  Cả  hai ông Diệm và ông Nhu đều bị giết chết trong lúc 2 sĩ quan thuộc hạ của tướng Dương Văn Minh - đại uý Nhung và thiếu tá Nghĩa hộ tống hai ông từ nhà thờ Cha Tam (Saint Francois-Xavier) về Bộ Tổng Tham Mưu để hội đồng quân nhân cách mạng xét sử.[1]
Giữa năm 1963 và 1965, tình hình chính trị tại miền Nam cực kỳ bất ổn vì không có chính phủ chính thức để có thể ổn định tình hình quốc gia lâu dài. Tiếp theo đó có nhiều cuộc đảo chính xảy ra nhiều lần trong năm – tướng Nguyễn Khánh, tướng Trần Thiện Khiêm và tướng Cao Văn Viên muốn lật đổ nhóm ông Dương Văn Minh và Trần văn Đôn tháng 1 năm 1964 và kết quả sau đó là tướng Khiêm bị bắt buộc lưu vong. Trong khi đó quân giải phóng miền Nam lợi dụng tình thế hổn loạn chính trị mở rộng địa bàn hoạt động của họ và ghi nhận được nhiều thành quả quân sự quan trọng. Năm 1965, Tổng thống Mỹ Lyndon Johnson đưa quân tới miền Nam để bảo đảm an ninh trong chiến dịch “Ngăn chận Cộng sản” (containment policy) và bắt đầu ném bom đe doạ miền Bắc vì nghĩ rằng nếu miền Nam rơi vào tay Cộng sản thì các quốc gia khác ở Đông Nam Á sẽ bị cộng sản hoá theo lý thuyết Domino. Các đồng minh của Mỹ như Úc, Tân Tây Lan, Nam Hàn, Thái Lan, Phi luật Tân và Đài Loan cũng gửi quân tới Nam Việt Nam. Mặc dù quân đội Mỹ thành công trong công việc chặn đứng các lực lượng cộng sản và với sự hiện diện của quân đội nước bạn, các vụ đánh bom bành trướng rộng rãi trên khắp miền Nam và các tệ nạn xã hội cũng bành trướng xung quanh các căn cứ Mỹ làm chạm tự ái về lòng tự hào dân tộc của nhiều người Việt, Bắc lẫn Nam, gây ra rất nhiều thù ghét Mỹ để từ đó những thành phần này trở nên có cảm tình với Bắc Việt và quân giải phóng.
Ngày 9 tháng 3 năm 1966, Tổng Tư lệnh Không quân Nguyễn Cao Kỳ và Tướng Nguyễn Văn Thiệu nắm quyền một cuộc đảo chính và lập ra « nội các Chiến tranh » để ổn định chính trị và hứa sẽ tổ chức một cuộc bầu cử dưới áp lực của Mỹ.

Năm 1967, miền Nam Việt Nam thi hành một cuộc bầu cử Quốc hội và tổng thống. Trung tướng Nguyễn Văn Thiệu được bầu vào chức Tổng thống, đưa chính quyền miền Nam vào mức độ ổn định về chính trị hơn.
Tuy nhiên, trong năm 1968 quân giải phóng phát động một chiến dịch lớn bất ngờ tấn công tất cả các thành phố lớn miền Nam trong dịp Tết (Biến cố Tết Mậu Thân hay ở miền Bắc gọi là "Tổng Tấn Công’’-vi phạm hiệp định ngưng bắn) trong khi người dân đang vui Tết và quân đội được nghĩ phép thăm gia đình. Quân giải phóng và C.S Bắc Việt chiếm thành phố Huế, sau biến cố Mậu Thân nhiều ngôi mộ tập thể đã được tìm thấy nơi đây. Nhiều người trong số các nạn nhân tìm thấy có quan hệ với chính quyền miền Nam hay cộng sự viên  Mỹ (Thảm Sát Tết Mậu Thân). Chỉ một thời gian ngắn sau Tết Mậu Thân các lực lượng giải phóng bị đẩy ra khỏi tất cả các thành phố ở miền Nam và hầu như bị tiêu tán gần hết. Những năm sau đó quân chính quy Bắc Việt với pháo binh và xe tăng hùng hậu lần lượt đưa vào miền Nam để chuẩn bị những cuộc đại tấn công. Cũng vài tháng sau biến cố Tết Mậu Thân, một đơn vị lính Mỹ đã tàn sát 347 dân làng và trẻ em vô tội ở Mỹ Lai miền Trung vì họ tình nghi là có du kích Việt Cộng trà trộn trong dân chúng, sự cố nầy gây ra nhiều phẩn nộ và phản đối cực kỳ của dư luận khắp thế giới. Sau vụ điều tra của chính phủ Mỹ thời bấy giờ, họ chỉ buộc tội thiếu uý William Calley, đơn vị Charlie và kết án 2 năm tù. Thật tội nghiệp cho 347 thường dân vô tội bị thảm sát và được trả giá bằng 2 năm tù của một thiếu uý Mỹ.

Mặc dù cuộc biến cố Tết Mậu Thân là một sự thất bại quân sự nặng nề cho quân Giải Phóng miền Nam, nhưng đó là một chiến thắng chính trị tuyệt vời cho miền Nam vì nó chuyển một thông điệp cho Mỹ hiểu rằng chiến tranh chống Cộng không thể thắng dễ dàng. Tổng thống Mỹ Richard Nixon (68-72) vào văn phòng làm việc với một cam kết là sẽ chấm dứt chiến tranh với « danh dự ». Ông muốn bình thường hóa quan hệ Mỹ với Trung Quốc vào năm 1972 và làm bớt căng thẳng với Liên Xô (chiến tranh lạnh). Như vậy là Nixon đã lợi dụng một chiến lược mới để đối phó với khối Cộng sản, lợi dụng việc rạn nứt giữa Trung Quốc và Liên Xô. Làm đồng minh với một Trung quốc vẫn có lợi hơn Việt Nam vì cuộc chiến quá tốn kém ở Việt Nam bắt đầu bị kém hiệu quả cho vấn đề ngăn chận cộng sản. Nixon đề nghị "Việt Nam Hoá Chiến Tranh" với chủ trương dùng quân đội miền Nam để ngăn chận sự bành trướng của Cộng sản xuống khu vực Đông Nam Á, nhưng vẫn tiếp tục nhận viện trợ Mỹ (1.1 tỉ US những năm 1970-74 xuống 700 triệu cho tài khoá năm 74-75) và nếu cần thiết sẽ được Mỹ hổ trợ về không quân và hải quân. Chiến lược mới bắt đầu được thể hiện thì gặt hái được một số thành quả, vào năm 1970, quân đội Việt Nam Cộng Hòa (QLVNCH) thực hiện thành công cuộc tấn công đánh phá các căn cứ Bắc Việt tại Campuchia; năm 1971 Quân Lực VNCH thực hiện được một vụ tấn công vào Nam Lào để cắt đứt đường mòn HCM trong Chiến dịch Lam Sơn 719, nhưng kém hiệu quả ở các vị trí cao độ bị chiếm giữ bởi pháo binh mạnh mẽ của quân Bắc Việt (căn cứ Tchépone). Mùa hè đỏ lửa năm 1972, Quân Lực VNCH tổ chức thành công chiếm lại thị trấn An Lộc từ tay quân chính quy Bắc Việt và tái chiếm lại thị xã Quảng Trị gần khu phi quân sự ở miền Trung Việt Nam trong cuộc Tổng tấn công Phục Sinh.

Đồng thời, Nixon cũng làm áp lực Hà Nội và Sài Gòn để ký Hiệp định Ngưng Bắn Paris năm 1973, để cho các lực lượng quân đội Mỹ rút khỏi Việt Nam. Mỹ làm áp lực Hà Nội bằng các vụ đánh bom Giáng sinh năm 1972. Tại miền Nam ông Nguyễn Văn Thiệu luôn phản đối chính sách hoà giải dân tộc với bất kỳ người Cộng sản nào và đã bị Mỹ đe dọa là rút các khoản viện trợ vào Việt Nam.
Tháng 3 năm 1973 Hiệp định Tái Ngưng bắn và tái lập hoà bình có hiệu lực, nhưng ngay sau đó quân CS mở cuộc bao vây tấn công vào đồn Tống Lê Chân trong phạm vi QĐ 3 Biệt Động quân trú đống, Bắc Việt vẫn tiếp tục leo thang chiến tranh như đã dự định trước bởi Lê Duẩn và QLVNCH vẫn cố gắng chiếm lại vùng lãnh thổ bị mất. Tại Mỹ, Nixon từ chức sau khi vụ bê bối Watergate. Miền Nam Việt Nam được xem như là mất đi sự ủng hộ mạnh mẽ từ phía Mỹ. Theo Tổng thống Gerald Ford tiếp nối Richard Nixon cho biết Đảng Dân Chủ đang nắm quyền ở Mỹ đã trở nên dè dặt hơn về vấn đề viện trợ quân sự cho miền Nam.
Năm 1974, quân đội miền Nam đã chiến đấu khán cự lại Trung Quốc nhưng vẫn bị mất Hoàng Sa trong lúc đang kiểm soát quần đảo này. Cả Bắc Việt và Mỹ đều không muốn can thiệp vào vấn đề tranh chấp lảnh thổ nầy.
Đầu năm 1975, quân đội Bắc Việt Nam do tướng Văn Tiến Dũng phát động một cuộc tổng tấn công lớn vào các tỉnh Tây Nguyên như Buôn Mê Thuột (thủ phủ của Tây Nguyên mất vào CS ngày 13-3-75), Đắc Lắc và Phước Long (07-01-75). Quân đội Việt Nam Cộng Hoà đã dự đoán cuộc tấn công vĩ đại nầy vì quân CS được trang bị rất tối tân để mong chiếm lãnh Ban Mê Thuột cho nên Bộ tổng Tham Mưu ra lệnh rút quân về phòng thủ các tỉnh lân cận như Kontum và Pleiku. Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh di chuyển toàn bộ quân đội từ miền Trung về các khu vực ven biển, cũng như viện trợ Mỹ bị thu hẹp lại, các lực lượng miền Nam Việt Nam không có khả năng duy trì vì thiếu tiếp tế và yểm trợ. Tuy nhiên, do thiếu hậu cần tiếp viện và mất liên lạc với Bộ Tổng Tham Mưu cộng với hoả lực phòng không quá mạnh mẽ của quân CS trong một thời gian quá ngắn, trong lúc thực hiện cuộc hành quân triệt thoái toàn bộ Quân đoàn 2 (do thiếu tướng Phạm Văn Phú làm Tư Lệnh) đã sa lầy trên những con đường núi hẹp, hàng ngàn người dân sự đè giẩm lên nhau để trốn nạn và bị phục kích trên đường di tản. Các đơn vị binh chủng khác nhau đã bị cắt tín hiệu truyền tin hay nhận được lệnh rút quân rất mâu thuẫn từ Bộ Tổng Tham Mưu Sài Gòn về việc có nên chiến đấu hay rút lui, và cuối cùng Ban Mê Thuột và Đắc Lắc  rơi vào tay CS một cách quá dễ dàng. Số thường dân cố gắng chạy trốn vào Sài Gòn qua đường bộ, hàng không và đường biển bị chết dọc đường không kém số thương vong của quân đội. Tôi nhớ Đại Tá Phạm Bá Hoa có nhận định trong cuốn hồi ký của ông là “ai chiếm giữ được Cao nguyên miền Trung, người đó sẽ nắm phần chiến thắng...”. [1]
Vào đầu tháng 4 năm 1975, miền Nam Việt Nam thiết lập một tuyến đường phòng thủ cuối cùng tại Xuân Lộc dưới sự chỉ huy của thiếu tướng Lê Minh Đảo. Hai sư đoàn Bắc Việt đã bị thất bại nặng nề trong việc xâm nhập đường bộ vì gặp sự kháng cự mãnh liệt cộng với việc sử dụng bom CBU của Mỹ – loại bom hút hết dưỡng khí - phải vòng xuống tấn công Biên hoà và đã bị thiệt hại nặng nề. Tổng thống Nguyễn văn Thiệu từ chức ngày 23-04-75 và trao quyền lại cho cụ Trần Văn Hương. Rồi một lần nữa ngày 27-04 quyền hành được trao vào tay đại tướng Dương Văn Minh.



ĐT Dương Văn Minh là nhân vật chính lãnh đạo cuộc đảo chính lật đổ Ngô Đình Diệm năm 1963. Đến giữa thập niên 1970, ông đã ngang nhiên ủng hộ phía “Thành Phần Thứ Ba” hay “Trung lập”, các tướng lãnh nghĩ rằng, trung lập thì trước sau gì cũng thiên về phía CS. Quân Cộng sản trà trộn vào miền Nam cố gắng vận động đề xuất chính trị để cho tướng Dương Văn Minh lên chức Tổng thống, với hy vọng thuyết phục ông ngăn chặn cuộc chiến đổ máu cho Sài Gòn vào những ngày cuối của chế độ VNCH. Mặc dù nhiều đơn vị quân đội miền Nam vẫn còn sẵn sàng để bảo vệ Sài Gòn, và Quân Đoàn 4 Chiến thuật vẫn còn nguyên vẹn ở Đồng bằng sông Cửu Long, tổng thống Dương Văn Minh vẫn ra lệnh đầu hàng vào ngày 30 Tháng 4 1975, hầu mong tránh sự đổ máu nếu Sài Gòn chống cự và sẽ bị tiêu diệt. Tuy nhiên, tai tiếng của quân đội Bắc Việt được cảm nhận như những kẻ phản bội lòng dân và hàng trăm ngàn người miền Nam chạy trốn khỏi đất nước để tìm tự do bằng tất cả các phương tiện: máy bay, trực thăng, tàu, thuyền đánh cá và xà lan. Hầu hết những người di tản tìm tự do đã được Hạm đội Hoa Kỳ ở biển Nam Trung Hoa tiếp đón hay đã hạ cánh ở Thái Lan. Những người tị nạn đường biển được biết đến như là "thuyền nhân". Trong một trường hợp nổi bật nhất là một phi công Việt Nam với vợ con trên chiếc máy bay Cessna nhỏ đã an toàn hạ cánh một cách kỳ diệu và sống sót mà không có một sự chuẩn bị nào trước (mail hook) trên tàu USS Midway.
Trong thời gian này, Bắc Việt là một nước xã hội chủ nghĩa với một nền kinh tế tập thể, một bộ máy an ninh rộng lớn để đảm bảo chế độ độc tài của giai cấp vô sản, một bộ máy tuyên truyền mạnh mẽ và hiệu quả để tập hợp những người hi sinh cho Đảng, một hệ thống tình báo tuyệt vời được gài vào chính quyền miền Nam - như điệp viên Phạm Xuân Ẩn, Huỳnh Ngọc Trọng và Vũ Ngọc Nhạ được cài vào trong chính phủ và chính sách đàn áp dữ dội những phe đối lập chính trị. Thậm chí một số cựu chiến binh và cán bộ cộng sản nổi tiếng như  Trần Đức Thảo, Nguyễn Hữu Đang, Trần Dân, Hoàng Minh Chính đã bị ngược đãi trong thời gian cuối những năm 1950 với các sự kiện Nhân Văn Giai Phẩm và vụ hành xử năm 1960 với vụ án Xét Lại Chống Đảng. Tuy nhiên, cuộc điều chỉnh sắt thép này cùng với sự hỗ trợ từ Liên Xô và Trung Quốc, đã tạo cho Bắc Việt một lợi thế quân sự tại miền Nam. Các nhà lãnh đạo Bắc Việt cũng đã được nung đúc một lòng quyết tâm chiến đấu can trường ngay cả khi phải đối diện với số thương vong lớn và tàn phá hoàn toàn binh chủng của họ. Họ cũng rất ngây thơ yêu nước, sẵn sàng hy sinh cho giải phóng "miền Nam" và thống nhất "Tổ quốc".
          Sau 30 tháng 4 năm 1975, không giống như Khmer Đỏ ở Campuchia, những người thắng cuộc miền Nam cam kết không có “sự đẫm máu”, nhưng trên thực tế hầu hết các quan chức chính phủ và quân nhân cũ đều được đưa tới các trại cải tạo.
Con đường xây dựng và phát triển miền Bắc được khởi sự từ sau khi chia đôi đất nước năm 1954. Nhưng phải đợi đến năm 1958 miền Bắc mới thực sự tiến hành « công cuộc cải cách xã hội chủ nghĩa ». Chính quyền thiết lập nền kinh tế chỉ huy, đồng nghĩa với « quốc hữu hoá » mọi ngành sản xuất, kiểm soát chặt chẽ việc phân phối hàng hoá bằng hệ thống mậu dịch quốc doanh. Người dân miền Bắc luôn sống trong sự nghèo khổ và thiếu thốn vật chất cho đến năm 1975…
Sau khi giải phóng, nhiều bộ đội Bắc Việt vào Nam, họ bị choáng váng và kinh ngạc với tầm vóc đồ sộ, nguy nga và sầm uất của miền Nam. Cán bộ bắt đầu nhận ra rằng họ đã bị nhồi sọ với tuyên truyền rằng người dân miền Nam đều nghèo khổ, bị khai thác bởi các đế quốc tư bản nước ngoài và đối xử như nô lệ. Trái ngược với những gì họ đã tưởng tượng, họ nhìn thấy một sự phong phú của miền Nam như thực phẩm và hàng tiêu dùng, quần áo thời trang, rất nhiều sách và âm nhạc tân thời. Những sản phẩm mà chưa bao giờ họ thấy ở miền Bắc.
Năm 1976, Việt Nam chính thức thống nhất và đổi tên thành Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (CHXHCNVN), với thủ đô là Hà Nội. Đảng Cộng Sản Việt Nam thay thế  "Đảng Lao động" và Bí thư thứ nhất, một thuật ngữ được sử dụng bởi Trung Quốc, cũng thay bằng chức Tổng thư ký, được sử dụng bởi Liên Xô, được giao phó cho Lê Duẩn. Mặt trận Giải phóng bị giải thể. Đảng tập trung vào sự phát triển công nghiệp nặng và tập thể hóa nông nghiệp. Trong vài năm tới, doanh nghiệp tư nhân sẽ bị tịch thu và đưa vào hợp tác xã, chủ cũ những doanh nghiệp này sẽ bị đưa đến khu kinh tế mới. Các nông dân bị cưỡng chế vào hợp tác xã do nhà nước kiểm soát. Vận chuyển thực phẩm và hàng hóa giữa các tỉnh bị cấm đoán và được coi là bất hợp pháp ngoại trừ chính phủ. Trong vòng một thời gian ngắn, Việt Nam bị rơi vào sự thiếu hụt trầm trọng về thực phẩm và các nhu cầu cơ bản. Đồng bằng sông Cửu Long, ngày xưa là một trong những vùng sản xuất gạo hàng đầu thế giới, ngày nay phải đối mặt với nạn đói.
Về quan hệ nước ngoài, CHXHCNVN trở nên liên kết ngày càng chặt chẽ với Liên Xô, bằng cách tham gia Hội đồng Kinh tế Mutual Assistance (COMECON), và ký kết một hiệp ước hữu nghị, mà thực ra là một liên minh quân sự với Liên Xô. Đây là thời điểm căng thẳng nhất giữa Việt Nam và Trung Quốc đồng thời cùng với sự cạnh tranh của Trung Quốc với Liên Xô và xung đột bùng nổ ở Campuchia (là đồng minh của Trung Quốc). Việt Nam bị cô lập vì lệnh cấm vận thương mại của Hoa Kỳ và đồng minh của họ.
Nhiều người nắm giữ vị trí cao trong chính quyền miền Nam cũ, quân đội, trong giới văn học và tôn giáo, đều bị đưa đến các trại cải tạo, dưới hình thức là những trại tù lao động. Các điều kiện phi nhân tính và sự bạc đãi trong các trại tù này vẫn còn gây ra nhiều ấn tượng xấu và sự hiềm thù với chế độ mới sau nhiều thập kỷ.
Chính phủ CHXHCNVN thực hiện chế độ độc tài vô sản ở miền Nam như họ đã áp dụng ở miền Bắc. Mạng lưới của Công An kiểm soát mọi khía cạnh của đời sống nhân dân. Việc thành lập và kiểm tra "hộ khẩu" cũng như kiểm soát chặt chẽ mọi nguồn "lương thực và thực phẩm" để có thể quản lý  mọi người dân trong từng khu vực của địa phương. Kiểm duyệt nghiêm khắc và cực kỳ bảo thủ cấm đoán trong lĩnh vực âm nhạc, nghệ thuật và văn học. Tất cả các tôn giáo được tái tổ chức lại cũng như nhà thờ và chùa chiền đều bị nhà nước kiểm soát. Bất cứ ai có ý kiến tiêu cực chống đối Đảng, chính quyền, Cụ Hồ, hay bất cứ điều gì liên quan đến chủ nghĩa CS đều bị gán vào tội « phản động » và sẽ bị trừng phạt với hậu quả khác nhau, có thể bị công an bỏ tù, bị trục xuất khỏi trường học hoặc nơi làm việc, thậm chí có thể mang bản án tử hình, vân vân.... Tuy nhiên, chính quyền Cộng sản không thể kiểm soát hết thị trường chợ đen là nơi mà thực phẩm, hàng tiêu dùng, và hàng văn học cấm vẫn có thể được mua với giá cao. Bộ máy công an cũng không ngăn nỗi một mạng lưới bí mật đưa người dân vượt biên trốn chế độ mới. Rất nhiều  trường hợp,  nhân viên an ninh đã được hối lộ và thậm chí có liên quan trong việc tổ chức vượt biên.



Những điều kiện sống khó khăn bần cùng dẫn đến một cuộc di cư của hơn một triệu người Việt bí mật vượt biên bằng nhiều phương tiện  như đường biển hoặc đường bộ qua Campuchia. Đối với những người chạy trốn bằng đường biển, tàu thuyền của họ thường không đủ sức chống trội với bão tố và không dự trữ lương thực và nước uống đầy đủ cho cuộc hành trình. Nhiều người đã bị bắt hoặc bị xử bắn bởi Công an duyên hãi Việt Nam, lớp  người khác bỏ mạng trên biển do tàu thuyền chìm hay gặp bão tố, chết đói và khát. Nhưng mối đe dọa lớn nhất là cướp biển (hải tặc) trong vịnh Thái lan, nhiều thuyền nhân vượt biên bị cướp, hãm hiếp và sát hại thảm thiết. Rất nhiều trường hợp toàn bộ con tàu bị cướp giựt rồi bị tàn sát tập thể. Lắm khi phụ nữ bị hãm hiếp ngày trước rồi sau đó bị bán vào những ổ mại dâm ở Thái. Những người vượt biên bằng đường bộ qua Campuchia phải đối mặt với mối nguy hiểm không kém. Họ phải đối diện với Khmer Đỏ và du kích Serei Khmer khi qua các lĩnh vực khai mỏ. Có người tị nạn bị cướp, hãm hiếp và giết chết sau đó. Một số khác may mắn hơn chạy trốn sang các trại tạm cư ở Malaysia, Indonesia, Philippines, và Hồng Kông, trực chờ phái đoàn Liên Hiệp Quốc đến tuyển lựa để gửi đi đệ tam quốc gia. Nhiều trại nổi tiếng chứa người tị nạn Việt nam như Pulau Bidong ở Malaysia, Galang ở Indonesia, Bataan ở Philippines và Songkla ở Thái Lan. Cũng có một số ít thuyền nhân cố gắng đi khá xa như Úc châu với con thuyền bé lúc nhúc đông đúc dân tị nạn.
Hầu hết người tị nạn được tái định cư ở các nước khác trong vòng 5 năm, những người khác bị lưu giữ trong các trại lâu hơn một thập kỷ. Trong thập niên 1990, một số trường hợp đặc biệt nhiều người tị nạn đã không thể tái định cư ở một quốc gia thứ ba nên bị trục xuất về Việt Nam. Trong thời gian ấy các cộng đồng người Việt tỵ nạn tại Hoa Kỳ, Canada, Úc, Pháp, Tây Đức và Anh hàng loạt gửi quà cứu trợ và những nhu cầu cần thiết khác như thuốc men, vải vóc, kem đánh răng, thức ăn khô và xà phòng về Việt Nam để giúp thân nhân với điều kiện kinh tế  khó khăn. Nhiều người gửi tiền về Việt Nam bán chính thức với hối suất cao hơn so với giá thị trường của chính phủ Việt Nam. Một số ít gia đình may mắn khác được bảo lãnh sang ngoại quốc để ổn định.
Trong khi đó tình hình Việt Nam trở nên tồi tệ hơn do sự mất mát của 1.5 triệu quân và dân miền Nam cộng với cuộc di tản của hơn 1 triệu người tị nạn, trong đó có hàng chục ngàn chuyên gia, trí thức, kỹ thuật, và công nhân lành nghề.
Cuối năm 1978, sau nhiều cuộc tấn công lẻ tẻ của chế độ Pol Pot – còn gọi là Khmer Đỏ - vào lãnh thổ Việt Nam, Việt Nam trả đũa bằng cách đưa quân sang Cam Bốt để lật đổ Pol Pot. Các đảng dân chủ Campuchia mới được dựng ra với Heng Samrin làm Chủ tịch đều thân Việt nam. Quân Khmer Đỏ của Pol Pot liên minh với các lực lượng du kích không cộng sản do Norodom Sihanouk và Son Sann cầm đầu chiến đấu chống lại lực lượng Việt Nam và chế độ Phnom Penh mới. Một số quan chức cao cấp của chế độ Heng Samrin đầu những năm 1980 chống lại sự kiểm soát của Việt Nam đưa đến một cuộc thanh trừng loại bỏ Pen Sovan, Thủ tướng và Tổng thư ký của Cách mạng Đảng Nhân dân Campuchia. Cuộc chiến kéo dài đến năm 1989 khi Việt Nam rút quân đội và bàn giao chính quyền Campuchia lại cho Liên Hiệp Quốc. Cuộc xâm lược Việt Nam vào lãnh thổ Campuchia đã ngăn chận được cuộc diệt chủng của hàng triệu người Campuchia bởi Khmer Đỏ. Đầu năm 1979, Trung Quốc tràn xuống biên giới Việt-Hoa  để "dạy cho Việt Nam một bài học" cho cuộc xâm lược Campuchia và ép bức làm nghĩa vụ của người Hoa đang sống tại Việt nam. Chiến tranh Trung-Việt tuy ngắn ngũi nhưng gây ra khá nhiều thương vong cho cả hai bên.
Giữa năm 1976 và 1986 đất nước thống nhất hoạch định tổ chức một nền kinh tế mới. Mặc dù mục tiêu chỉ định tăng gia sản xuất đề ra bởi phần hai của Kế hoạch 5 năm (1976-1981) nhằm mục đích thống nhất Nam Bắc và từ đó tăng lợi tức các ngành công nghiệp, nông nghiệp và thu nhập quốc gia. Nhưng mục đích không được thực hiện hiệu quả vì nền kinh tế ấy vẫn bị duy trì bởi những ổ sản xuất nhỏ cộng thêm năng suất lao động thấp, thất nghiệp, thiếu hụt vật ìiệu công nghệ, hàng tiêu dùng và thức ăn không đầy đủ.
Hiến pháp thứ ba của Việt Nam dựa trên ãơ sở Liên Xô được viết vào năm 1980. Đảng Cộng sản là đảng duy nhất được ghi trong Hiến pháp  để đại diện cho người dân để lãnh đạo đất nước.
Năm 1980, phi hành gia Phạm Tuân đã trở thành người Việt Nam đầu tiên vùng châu Á được đi vào không gian trên Soyuz 37 của Liên Xô để phục vụ các trạm không gian Salyut 6.
Trong thời gian đầu những năm 1980, nhiều tổ chức người Việt hải ngoại được lập ra với mục đích lật đổ chính phủ Cộng sản Việt Nam thông qua các cuộc đấu tranh vũ trang. Hầu hết các nhóm đã cố gắng xâm nhập vào Việt Nam bằng đường bộ nhưng cuối cùng đã bị loại bỏ bởi an ninh Việt Nam và lực lượng vũ trang. Đáng chú ý nhất là tổ chức do Hoàng Cơ Minh từ Mỹ, Võ Đại Tôn từ Úc, và Lê Quốc Túy từ Pháp. Hoàng Cơ Minh đã bị giết trong một cuộc phục kích tại Lào. Võ Đại Tôn bị bắt bỏ tù và được thả vào những năm 1990. Lê Quốc Túy trốn thoát sang Pháp sau khi nhiều đồng chí của ông đã bị bắt và xử tử. Lê Quốc Túy sau đó qua đời tại Pháp bằng chất độc.
Trong suốt những năm 1980, Việt Nam nhận được gần 3 tỉ đồng US mỗi năm do viện trợ kinh tế và quân sự từ Liên Xô. Trao đổi thương mại với Liên Xô và với các quốc gia thuộc khối COMECON (Hội đồng Tương trợ Kinh tế). Một số cán bộ, nhận thấy được khuyết điểm của nền kinh tế nhân dân, bắt đầu bỏ nguyên tắc và mạo muội mạo hiểm để thử nghiệm việc  kinh doanh tư nhân. Những nỗ lực đầu tiên của kinh tế thị trường này đều bị trừng phạt, nhưng những năm sau đó họ được xem như là người tiên phong của nền kinh tế thị trường.

Kế hoạch 5 năm thứ ba (1981-1985) được đề xướng  ra sau đó một cách khiêm tốn hơn bằng cách hoà đồng giữa tư tưởng và thực dụng. Kế hoạch mới đặt trọng tâm vào sự phát triển của nông nghiệp và công nghiệp. Mỗi vùng được tự do lập kế hoạch và nâng cao kỹ năng quản lý (managerial skills) của các công chức chính phủ.
Việt Nam rơi vào một khủng hoảng trầm trọng năm 1985 do một nền kinh tế còn quá thô sơ cộng với những thiếu sót và sai lầm của cơ chế tập trung, quan liêu và bao cấp. Người dân hai miền Nam Bắc bị rơi vào bước đường cùng của « xã hội chủ nghĩa ». Nước Việt Nam được xếp vào hạng nghèo đói và gần như lạc hậu nhất trên thế giới. Nhận thấy được khuyết điểm đó nên năm 1986 Việt Nam phát động một chiến dịch « đổi mới kinh tế »  bằng cách cải cách nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển tiếp từ một nền kinh tế « bao cấp » để biến thành hợp định (partnership) và kinh tế thị trường theo định hướng chủ nghĩa xã hội và được gọi là « nền kinh tế thị trường của xã hội chủ nghĩa ».  Chương trình « đổi mới » tổng hợp kế hoạch kinh tế mới với kinh tế thị trường và khuyến khích tư nhân thành lập doanh nghiệp tư trong việc sản xuất hàng tiêu dùng và đầu tư nước ngoài, kể cả doanh nghiệp vốn nước ngoài.
Phải đợi đến năm 1988 người dân mới thấy sự khác biệt của « con đường đổi mới » sau khi chế độ « khoán » được đưa ra, theo đó mỗi nông dân được xem như một đơn vị kinh tế.
Đầu năm 1989, sau một năm mở cửa kinh tế chưa hoàn toàn, tôi trở về Việt Nam thăm lại quê hương sau 16 năm xa cách.
Chiếc AirBus 320 của Philippine Airline lượn trên bầu trời Tỉnh Long An trước khi hạ cánh xuống phi trường Tân Sơn Nhất. Khi máy bay gần đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất dưới những ánh sáng đèn le lói không như hiện tại, lòng người không khỏi bồi hồi xúc động.  Rồi máy bay từ từ đáp xuống lòng vui không tả xiết đến. Khi máy bay chạm xuống đường băng đa số Việt kiều trên máy bay la thét vui mừng vì đã thấy lại Việt Nam thân yêu ngày nào mà họ tưởng sẽ không bao giờ có cơ hội gặp lại. Cũng có nhiều người nhỏ những giọt nước mắt mừng vui…Hai bên đường băng vẫn tiêu điều với lô cốt hình bán vòng cung che mưa cho trực thăng quá cũ kỹ. Đó là những vết tích còn sót lại của sự hiện diện của quân đội Mỹ một thời tại Việt Nam.
Số người đi đón thân nhân lúc nhúc đông nghẹt tại phi trường so với số Việt kiều hồi hương. Điều mà tôi chưa bao giờ thấy ở những phi trường quốc tế khác. Sau thủ tục hải quan, rất ư luộm thuộm vì là năm đầu tiên Việt Nam mở cửa cho Việt kiều và người ngoại quốc vào Việt Nam cho nên việc kiểm soát rất gắt gao. Họ mở tung hành lý và khám xét, nhân viên hải quan lục lạo hành lý để kiểm tra, nhất là phim ảnh và sách báo, mà họ cho là văn hoá đồi truỵ nhập lậu vào Việt Nam. Nhưng tôi biết là họ muốn làm khó dể để kiếm thêm tiền mà thôi. Tôi không sợ gì cả, vì tôi không làm chính trị cũng không chống đối ai cho nên có gì đâu mà sợ. Nhiều người già cả, vì không muốn bị hỏi han lung tung khó khăn nên họ được thân nhân báo trước là nhét vài đô la vào thẻ thông hành (passport) thì sẽ được cho đi nhanh hơn. Chính những sự việc nhỏ vặt như thế người Việt hải ngoại đã tiếp tay vào việc tạo hiện tượng tham nhũng hối lộ phần nào tại khâu hải quan.
Ra khỏi phi trường, tôi gặp lại đầu tiên là gương mặt cha tôi sau đó là mẹ tôi và cả gia đình tôi, tôi nhận ra cha mẹ tôi đã có nhiều nếp nhăn hằn sâu trên trán. Em trai út của tôi rất ngỡ ngàng và xa lạ với tôi vì khi ra đi nó còn nằm trong nôi. Ba má tôi và gia đình mừng rỡ gặp lại tôi sau 16 năm không khỏi cảm động tay bắt mặt mừng. Không sao tả hết tình cảm tức thời lúc ấy, nhất là mẹ tôi.
Chiếc xe 4 bánh đưa tôi và gia đình về khách sạn Century trên 68A đường Nguyễn Huệ theo lệnh chính phủ lúc ấy.  Sau tuần thứ hai tôi mới được về với gia đình và phải trình giấy tờ tạm trú với Công An Phường, cũng như những thủ tục khác liên quan...Xe chở chúng tôi len lỏi và lách qua hàng loạt xe đạp và xe gắn máy một cách khó khăn. Cảnh này tôi chưa từng thấy những năm 72. Cảm giác tôi lúc ấy khó diển tả được, tôi tưởng là mình vẫn còn nằm mơ, không ngờ sau 16 năm xa quê hương rồi giờ đây tôi đã có mặt ở tận quê hương mình. Cảnh vật và người xem ra cũng khá xa lạ. Trong lúc Ba Má tôi không ngừng hỏi han tôi về cách sống và làm việc ở Canada, hỏi thăm con cái, vân vân…nhưng đầu óc tôi lúc ấy vẫn không ngừng từ kinh ngạc này đên kinh ngạc khác. Thú thật lúc đầu tiên gặp những anh công an ở phi trường, tôi vẫn cố lánh mặt họ vì chưa quen. Ngày xưa khi còn ở Sài gòn mỗi khi đi đường tôi vẫn sờ sợ mấy anh cảnh sát chặn lại hỏi giấy tờ, phạt ẩu và đòi hối lộ.  Ngày nay trở lại Việt nam tôi vẫn còn cảm giác ấy nhưng lại sợ hơn vì họ có thể giữ tôi lại Việt Nam bất cứ lúc nào, nếu họ muốn. Tôi cũng an tâm phần nào vì dù sao tôi vẫn là Việt kiều, với lại ngày nay trở về quê hương với tiền đô la xanh, với hối suất lúc ấy là 8,000 đồng cho mỗi đô, nên trong túi ít ra cũng có đủ tiền hối lộ công an nếu có chuyện gì xảy ra.
Từ phi trường về khách sạn phải đi qua trại Hoàng Hoa Thám và ra khỏi cổng « Bộ Tổng Tham mưu cũ », ngày nay trở thành công viên Hoàng Văn Thụ cho trẻ em chơi. Phố xá san sát, hàng quán tấp nập dọc theo đường Trường sơn làm lòng tôi bâng quơ vì tất cả đã đổi thay giống như ngôi nhà đã đổi chủ nên cách trang trí đã khác hẳn với thời kỳ tôi đi du học. Bên cạnh trường Quốc Gia Hành Chánh khang trang trên đường Trần Quốc Toản ngày xưa, người ta xây lên nhà hát Hoà Bình đường 3 tháng 2 trình diễn văn nghệ và Dinh Độc Lập cũ, nay trở thành viện bảo tàng chiến tranh. Chỉ riêng Thảo Cầm Viên thì mấy con thú vẫn còn tồn tại … Đêm đêm tôi cùng gia đình đi xem văn nghệ ở Vườn Tao Đàn hay hí viện Hoà Bình, nhạc xanh vừa được thay thế nhạc đỏ với giọng ca truyền cảm của ca sĩ Cao Minh và chị Hồng Ngọc. Ba Mẹ tôi lại thích cải lương, vì đất nước vừa mới mở cho nên mọi người háo hức đi rạp Trần Hưng Đạo để xem những vở tuồng cải lương vang tiếng một thời với nghệ sĩ Ngọc Giàu, Bảo Quốc, Lệ Thuỷ, Minh Phụng, Thanh Thanh Tâm , Vũ Linh, Tài Linh,  vân vân…Lúc ấy chỉ có vài phòng trà được phép mở cửa như Đêm Màu Hồng nằm trên đường Nguyễn Huệ, Caravelle trên đường Tự Do và Rạp Rex…Nói chung nét sinh hoạt về đêm ở Sài gòn khá nhộn nhịp và sống động. Quán nhậu bình dân mọc ra nhan nhãn, nhất là khu Thanh Đa cuối đường Hồng Thập Tự nối dài với đủ loại bia nhập như Heineken, Kirin, Budweiser, Fosters, Bia Saigon xanh, Saigon đỏ, bia 33, vân vân….
Ấn tượng đầu tiên của tôi ở Việt Nam là người đông hơn, sinh hoạt tấp nập hơn nhưng dân tình có vẻ nghèo hơn xưa. Nhưng mỗi khi chiều đến dân chúng kéo ra ngồi ngoài tiệm hay nhà hàng để nhậu nhẹt  khắp nơi, khác nhiều với ngày xưa…Có lẽ ngày nay dân tình thảnh thơi hơn vì không sợ bắt lính, tuổi trẻ năng động ăn chơi hơn, người cũng già đi vì phiền não…Lúc ấy chỉ có 2 trung tâm giải trí  hiện ra ở Sàigòn như Suối Tiên và Đầm sen.
Tôi rất thích đọc sách. Trước khi về lại Canada tôi có đến nhà sách Khai Trí để mua một số sách và truyện xuất bản sau nầy với giấy đen đủi như mực.
Chúng tôi cũng có dịp tham quan Hà Tiên, Đà Lạt, Nha Trang, Vũng tàu, Đà Nẳng, Hội An và Huế. Nghỉ ngơi tại Sài gòn vài ngày sau đó tôi nóng lòng muốn về quê sớm nên 4 hôm sau chúng tôi lái xe trên quốc lộ 1A, quốc lộ 4 ngày xưa thẳng tiến về Sóc Trăng yêu dấu…Quê tôi là 1 trong 6 tỉnh miền cuối Việt gọi là Sóc Trăng miền Lục Tỉnh và phải qua hai con phà – Tiền giang trước Vĩnh Long và Hậu giang trước Cần Thơ. Đường xa lộ còn hẹp và rất nguy hiểm với lưu lượng xe đò xe gắn máy không kể người chăn bò, xe Honda 2 bánh chạy lềnh khênh trên xa lộ. Kèn được liên tục bấm inh ỏi nhưng đàn xe Honda vẫn thoải mái lái giữa xa lộ không cần biết xe hơi bấm còi.…Trước khi đến phà, cũng như ngày xưa người, xe Honda 2 bánh và xe cộ chen chúc xếp hàng đợi lên phà dưới trời nóng bức. Xe hơi 4 bánh được ưu tiên qua phà nhưng cũng phải mất trung bình hơn nửa tiếng để xếp hàng trước khi được lên phà. 
Những vùng đồng quê của đồng bằng sông Cửu Long mà tôi có dịp đi qua cũng thay đổi khá nhiều. Nhiều tỉnh lộ và hương lộ được tráng nhựa nhưng chất lượng không được tốt như những xứ tân tiến. Đa số làng mạc đều có điện dẫn đến và truyền hình. Đây là sự tiến bộ đáng kể. Hai bên quốc lộ 1A lúa xanh mơn mởn mà trước kia vào mùa nầy là đất khô cằn cỗi, một phần cũng do chiến tranh. Một điều mà tôi chưa hoặc hiếm thấy ngày xưa…
Về đến Sóc Trăng đúng vào dịp Tết Nguyên đán, tôi tìm lại phần nào thời thơ ấu với pháo nổ dòn tai đêm Giao thừa. Nhưng nghe nói đó là lần cuối cùng được đốt pháo Tết vì tai nạn xãy ra rất nhiều do sự bất cẩn đùa giỡn khi đốt pháo của trẻ em. Hồ Nước Ngọt được sửa chữa rất nhiều để trở thành khu giải trí hạng nhất của tỉnh.
Tại Nha Trang và Đà Nẵng cũng như những nơi đến thăm, tôi đã gặp nhiều cựu chiến binh tàn tật bị bỏ quên, họ mang gậy đi xin từng đồng bạc của du khách qua đường, ở chùa chiền và những khu du lịch. Lòng tôi bùi ngùi và se lại, thương tiếc một thời oanh liệt huy hoàng của những người không may này còn kẹt lại Việt Nam…
Các chính sách « đổi mới » đã và đang có ảnh hưởng mạnh mẽ trên nhiều phương diện của kinh tế Việt Nam và nhất là kinh tế tư nhân. Vào năm 1990, sự cởi bỏ cấm vận hoàn toàn qua chuyến thăm chính thức sau 25 năm của tổng thống Mỹ Bill Clinton, sự thành công của doanh nghiệp tư và cải cách nông nghiệp đề ra dưới sự « đổi mới » có dấu hiệu tốt. Hơn 30,000 doanh nghiệp tư nhân đã được thành lập và nền kinh tế đang phát triển với một tốc độ hàng năm hơn 7% , và sự nghèo đói đã gần như giảm đi một nửa.

Những năm sau 1990, 1994, 1999 và năm 2000 tôi cũng đã trở lại thăm quê. Cứ mỗi lần về thì thấy có sự khác biệt và tiến triển. Hai lần cuối tôi có dịp thăm Hà Nội và Hải Phòng lần đầu tiên để thăm quê vợ. Cha mẹ tôi cùng tháp tùng trong chuyến thăm miền Bắc này. Hà nội ba mươi sáu phố phường là nơi tôi vẫn nghĩ cả đời chắc chẳng bao giờ có dịp thăm viếng. Thế rồi ngày nay trở lại quê hương, mình có cái may mắn tham quan thủ đô cũ với chùa Một Cột, Hồ Hoàn Kiếm, Hồ Tây, Văn Miếu, Vịnh Hạ Long, Hoa Lư Tam cóc. Phố xá Hà Nội không khác mấy khung cảnh Sàigòn có điều nhỏ hơn với nhà lầu, tiệm buôn, nhà hàng khách sạn, người người tấp nập và xe gắn máy…. Đi đâu cũng thấy sinh hoạt tấp nập nhưng người dân vẫn còn rất nghèo. Quốc gia và người dân rất cần dịch vụ du lịch và ngoại tệ đổ vào từ nước ngoài để cho kinh tế đất nước khấm khá hơn…Hai lần đến thăm Hà Nội tôi chỉ tiếc chưa được thăm chùa Hương mà thôi. Khi vào nhà ga Hà Nội để mua vé xe lửa trở về Sàigòn tôi mới vỡ lẽ là có 2 giá khác nhau – 70 đô cho dân trong nước và 140 đô cho Việt kiều và người ngoại quốc. Ngay những khu du lịch hay tham quan cho du khách cũng có 2 loại giá vào cửa. Chúng tôi trả cao gấp 2 lần dân địa phương. Bãi biển Mũi Né bắt đầu xuất hiện vài khu nghỉ mát như Bamboo Village, Palmira và Victoria Phan Thiết Resorts.
Sinh hoạt ở miền Nam lúc này có tiến triển và nhộn nhịp hơn, với hàng trăm ngàn Việt kiều về tấp nập về từ các nơi trên thế giới.
Một vài hãng xí nghiệp hợp tác ngoại quốc bắt đầu hoạt động tại Việt Nam như hãng nước ngọt Coca-Cola và hãng bia Chương Dương. Một đường hướng kinh tế mới bắt đầu thành hình và phát triển mạnh…
Để có một cái nhìn toàn diện về khả năng phát triển của Việt Nam ở hiện tại và trong tương lai, người ta phải xét qua nhiều phương diện – đầu tư nước ngoài (Foreign Direct Investment), sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, nông nghiệp, dịch vụ, thị trường chứng khoán, bất động sản, tiềm năng du lịch, giáo dục thực tiễn, hạ tầng cơ sở, vân vân…
Cũng như những Việt Kiều sống tha hương, nếu không có ngày xưa ấy chắc hẳn chúng ta đang là những công dân xuất sắc cho xã hội. Nhưng người Việt Nam đi đến đâu cũng mang đức tính cần cù nhẫn nại chịu khó, và cũng là bí quyết thành công ở xứ người. Việt Nam hai tiếng thân thương mang theo trong lòng mỗi người Việt xa xứ.


Phần 2
 Việt Nam vào thế kỷ 21

a.   Kinh tế thị trường

Để theo kịp nhịp độ tiến triển của thế giới với một nền kinh tế còn nghèo nàn, dù muốn hay không chính phủ Việt Nam cũng phải mở cửa cho thế giới vào đầu tư cộng với kỹ nghệ thông tin điện tử tối tân ngày nay giúp cả dân Việt Nam tiếp xúc và chứng kiến được sự văn minh của thế giới bên ngoài Việt Nam. Thập niên 1990 và 2000 là thời kỳ Việt Nam tích cực hội nhập kinh tế mà đỉnh cao là việc ký hiệp định gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (World Trade Organization) và hiệp định đối tác kinh tế song phương (Bilateral Trade Agreement) với Nhật Bản. Kinh tế Việt Nam là nền kinh tế hỗn hợp. Trong khi nền kinh tế ngày càng được thị trường hóa thì sự can thiệp của Nhà nước vào nền kinh tế vẫn còn ở mức độ cao. Hiện tại, nhà nước vẫn sử dụng các biện pháp quản lý giá cả kiểu hành chính như yêu cầu các xí nghiệp và tổng công ty điều chỉnh mức đầu tư, quyết định giá xăng dầu, kiểm soát giá thép, xi măng, than…
Ngày 13 tháng 7 năm 2000, một Hiệp định « Thương mại Song phương » được ký kết giữa Mỹ và Việt Nam là một mốc quan trọng cho nền kinh tế Việt Nam thời hậu chiến. Hiệp định quy định Bình thường hoá nền thương mại của hàng hoá Việt Nam tại thị trường Mỹ. Thị trường Hoa Kỳ sẽ cho phép Việt Nam dể dàng trong sự trao đổi hàng hoá song phương. Sự bình thường hoá về thương mại với Mỹ sẽ đồng thời thu hút nhiều đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, không những từ Mỹ, nhưng cũng từ châu Âu, châu Á và các khu vực khác.
Năm 2001 Đảng Cộng Sản Việt Nam đã phê chuẩn một kế hoạch kinh tế 10 năm nhằm mục đích tăng cường vai trò của xí nghiệp tư nhân. Năm 2003 xí nghiệp tư nhân chiếm hơn một phần tư tất cả sản lượng công nghiệp. Tuy nhiên, giữa năm 2003 và 2005 Việt Nam bị đánh giá thấp đáng kể trong Báo cáo của hiệp hội Diễn đàn Kinh tế thế giới về việc xếp hạng cạnh tranh toàn cầu, chủ yếu là do nhận thức về kém hiệu quả của các cơ quan chính phủ. Điểm chính của sự đánh giá thấp ấy gây ra do vấn đề tham nhũng và quyền sở hữu đất đai (property right) bị giới hạn, quy định hiệu quả của thị trường và lao động và cách cải cách thị trường chứng khoán. Mặc dù kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng với một tốc độ hàng năm vượt quá 7%, là một trong những phát triển nhanh nhất trên thế giới. Là một nền kinh tế phát triển từ hạ tầng cơ sở rất thấp vì sự tàn phá tê liệt của chiến tranh Nam Bắc (1954 - 75) cho nên các biện pháp kinh tế bung ra cũng phản ảnh phần nào hậu quả của nó.
Ngày 11 tháng 1 năm 2007, Việt Nam trở thành thành viên thứ 150 của WTO (World Trade Organization), sau 11 năm chuẩn bị và 8 năm đàm phán. Sự gia nhập Việt Nam vào WTO sẽ là động lực thúc đẩy quan trọng cho nền kinh tế của Việt Nam và giúp đảm bảo việc tiếp tục cải cách trong việc mở rộng thương mại. Tuy nhiên, việc gia nhập WTO cũng mang đến những thách thức nghiêm trọng, đòi hỏi các thành phần kinh tế của Việt Nam phải mở rộng cửa cho cạnh tranh nước ngoài tăng lên.
Cho dù với sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng có duy trì bền vững hay không vẫn còn là đề tài để tranh cãi. Chính phủ khó có thể thực hiện được kế hoạch quy mô vì sự hạn chế thương mại và cải cách doanh nghiệp nhà nước. Việc giảm hạn chế thương mại và nâng cao tính trong sạch là điều kiện chính yếu để trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào giữa năm 2006. Chính phủ đang hoạch định kế hoạch cải cách doanh nghiệp nhà nước để trở thành xí nghiệp tư hay bán công, kể cả năm ngân hàng thương mại nhà nước.

                    i.   Phát- triển Nam Sài gòn – quận 7 (Phú Mỹ Hưng) và Q 4 (Khánh hội) và Phát triển Địa Ốc

          Năm 2004 tôi trở về Việt Nam lần thứ 6 mới cảm nhận những thay đổi từ ngạc nhiên này sang ngạc nhiên khác.
Trước đây thành phố có những khu nhà tồi tàn lụp xụp chạy dọc trên các đại lộ lớn, nay trở thành những ngôi nhà và cửa hàng lộng lẫy của các doanh nghiệp và gia đình giàu có. Công cuộc giảm nghèo không những chỉ diển ra trong thành phố Sài gòn mà lan ra các tỉnh và địa phương vùng châu thổ sông Cửu Long. Việt Nam mở cửa cho doanh nhân nước ngoài vào đầu tư ồ ạt trong nỗ lực hội nhập với nền kinh tế thị trường xuất khẩu.
Anh bạn bà xã tôi tên Mẫn đến đón vợ chồng tôi bằng chiếc Mercedes-Benz E320 láng bóng rồi đưa về tư thất anh ở Phú Mỹ Hưng. Tôi thắc mắc và hỏi anh bạn:”ở Việt Nam mình nghèo khó không đủ ăn, anh làm gì mà đi MB sang trọng như thế nầy, không sợ CS làm khó dễ hả?”. Anh ấy điềm đạm trã lời:”anh Phúc ơi ngày xưa mình có dự định trốn đi ngoại quốc vì bố làm lính nguỵ nhưng xui cho tụi này bị bắt lại và ở vài năm tù. Nằm trong tù tôi học hỏi rất nhiều và có nguyện với lòng là khi ra khỏi tù mình phải làm gì thật giàu để cho họ biết mình...”.  Sau khi ra tù anh ta cố gắng làm ăn và cũng nhờ may mắn thời mở cửa, trong một thời gian ngắn anh làm đại diện độc quyền cho một hãng sản xuất nước sơn xe nổi tiếng của Nhật Kansai tại Việt Nam. Trong 7 năm làm ăn với Nhật Bản, cộng với nền kinh tế mở cửa của Việt nam lúc đó anh có dịp du lịch khắp thế giới và nhất là Nhật Bản để học hỏi cách kinh doanh về ngành chế tạo nước sơn cao cấp này. Sau đó anh điều đình với hãng mẹ tại Nhật để độc quyền chế biến nước sơn xe tại Việt Nam. Rất thành công về kinh doanh về chế tạo sản phẩm sơn này, anh tậu chiếc MB trị giá 45 ngàn đô US cộng với thuế`100% là thêm 45 ngàn đô nữa, một chiếc xe hơi ti Việt Nam trung bình khoảng 90 ngàn đô .Tôi có dịp thăm “tư thất “ của anh ở khu Phú Mỹ Hưng, năm 2000 giá 125 ngàn đô. Căn nhà ấm cúng, thuộc loại semi-detached bên Mỹ này có giá trị khoảng 250 ngàn đô năm 2009.
Sự xuất hiện của Phú Mỹ Hưng, Saigon Water Park, Phan Thiết Resort, Siêu Thị Rex, nhiều siêu thị plaza trọc trời, khu du lịch sinh thái nhiều nơi...làm tôi choáng váng và thật ngạc nhiên. Hai bên xa lộ Hàng xanh mc lên nhan nhản cao ốc thuộc loại cao cấp, bán hoặc cho thuê, nhiều scrapyard chuyên bán đồ phụ tùng công chánh hạng nặng, đại siêu thị lương thực Metro và Cora, vân vân... Từ một vùng đất đầm lầy, chua mặn, không có giá trị cao về mặt kinh tế, vùng đất phía Nam TP.HCM sau bao năm ngủ yên trong nỗi cơ cực, nhọc nhằn nay đã thay da đổi thịt.
Sức sống của Nhà Bè xưa đã khởi sắc, sự đói nghèo lùi dần nhường bước cho một cuộc sống sung túc. Và chính sự thành hình của đô thị Phú Mỹ Hưng là một yếu tố quan trọng tạo nên sự thay đổi ngoạn mục đó.  "Trên vùng đất chua mặn mà từ xưa đến nay chưa được khai phá, có một nhóm người đã bỏ tâm lực suốt 15 năm để tạo dựng nên khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng và trên cơ sở nhiều dự án đã hình thành quy mô của ngày hôm nay, vẫn có một tốp người khác đang tiếp tục cố gắng cho một phương hướng lớn hơn là phát triển thành phố hướng ra biển đông" (Trích dẫn phát biểu của Ông Lawrence S. Ting - Cố Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty TNHH LD Phú Mỹ Hưng.
          Một đô thị hiện đại được quy hoạch bài bản, khoa học, đồng bộ, hài hòa với cảnh quan thiên nhiên, phát triển bền vững trong cơ cấu bảo vệ môi trường là những nét đặc sắc trong quy hoạch tổng thể đô thị Phú Mỹ Hưng.
Dựa trên thế mạnh đặc trưng của vùng sông nước phương Nam, có dòng sông và cảnh quan bao quanh, đón các hướng gió lành từ rừng phòng hộ Cần Giờ, biển Đông…, ngay từ đầu, quy hoạch tổng thể đã nhấn mạnh khai thác tối đa thế mạnh thiên nhiên trên cơ sở tôn tạo và phát huy lợi thế địa hình sẵn có, tạo một đô thị hiện đại chan hòa với thiên nhiên. Những mảnh xanh hiện hữu được tái tạo thành công viên, khu bảo tồn, sân golf, khu giải trí xen kẽ giữa các khu dân cư, dòng sông cảnh quan được quy hoạch từ hệ thống kênh rạch để tạo các thủy lộ xuyên suốt và liên kết với cảnh quan thiên nhiên tạo ấn tượng đặc sắc. Chính những yếu tố nổi bật đã mang về 2 giải thưởng danh dự của Mỹ cho quy hoạch xuất sắc:
Sau 17 năm triển khai xây dựng hạ tầng và phát triển đô thị, cụm đô thị đầu tiên: "Khu A - Trung tâm đô thị Phú Mỹ Hưng" đã được hình thành với những nét độc đáo, kiến trúc hiện đại và hài hòa trên nền tảng hạ tầng kỹ thuật và xã hội hoàn chỉnh, kế thừa bản sắc truyền thống địa phương, đã tạo thêm diện mạo mới cho TP.HCM. Dưới sự quan tâm chỉ đạo của chính quyền, sự nỗ lực xây dựng, phục vụ của Công ty Phú Mỹ Hưng và sự hợp tác chung vai góp sức của cư dân, một đô thị văn minh với cộng đồng nhân văn đang đi dần vào nếp sống văn hóa mới.
Ngoài ra Phú Mỹ Hưng còn được trang bị hệ thống xa lộ cao tốc Nguyễn Văn Linh dài 17 km bất đầu từ khu chế xuất Tân Thuận chạy dài đến quận Bình Chánh, một nhà thương Pháp-Việt, trường tiểu học và mầm non, đại học RMIT của Úc, siêu thị, cao ốc condominium, vân vân…
          Những thành phố lớn như Sàigòn, Hà Nội, Cần Thơ, Nha Trang, Đà Lạt, Muĩ Né, Huế…nhà cao tầng và khách sạn 3-sao hay 4-sao mọc lên nhan nhản chứng tỏ một sự phát triển mạnh mẽ về bất động sản và ngành du lịch. Ngay tại Hà Nội năm 2008 Sky City Tower đã bán gần hết 416 căn hộ ở quận Đống Đa.
          Một số dự án thậm chí chưa chính thức được phê duyệt, nhưng giới đầu tư Bất Động Sản (BĐS) trong và ngoài nước đã bắt đầu xôn xao. Nếu tất cả các dự án trở thành hiện thực Việt Nam sẽ trở thành một trong những quốc gia có nhiều cao ốc chọc trời nhất trong khu vực Đông Nam Á.

*             Tòa tháp dầu khí PVN Tower -  Ngày 30/8/2010, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội và UBND huyện Từ Liêm đã công bố quy hoạch (maquette) chi tiết tỷ lệ 1/500 khu công viên kết hợp tổ hợp khách sạn 5 sao, trung tâm thương mại và tòa tháp dầu khí. Khu vực quy hoạch nằm ở phía tây thành phố, thuộc xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm (Hà Nội) với quy mô gần 40 ha. Riêng khu vực xây trung tâm thương mại và tòa tháp dầu khí PVN Tower có diện tích 6.5 ha.
Theo đăng ký của chủ đầu tư là Tổng công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí (PVC), PVN Tower sẽ được xây dựng với quy mô 102 tầng, mang tính biểu trưng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam) với không gian quảng trường, cây xanh và mặt nước. Công trình này được bố trí không gian ngầm với tầng hầm 1 là dịch vụ công cộng, thương mại; tầng hầm 2 – 5 là bãi đỗ xe, dịch vụ kỹ thuật. Khu tổ hợp khách sạn dầu khí được bố cục thành 3 khối cao từ 24 - 30 tầng tại phía Tây Nam khu đất nghiên cứu quy hoạch, góc ngã ba đường quy hoạch Đại lộ Thăng Long và đường Bảo tàng Dân tộc học - Yên Hòa - Phú Đô. Hiện PVC cũng đang khẩn trương lựa chọn kiến trúc sư thiết kế tổng thể tòa nhà, để có thể tiến hành khởi công dự án có vốn đầu tư 1 tỷ USD này vào đầu năm 2011.[23]
*             Cao ốc Keangnam Landmark Tower (Hàn quốc). Dự án Keangnam Hanoi Landmark Tower có tổng vốn đầu tư lên tới 1,050 triệu USD. Đây là một tổ hợp căn hộ cao cấp, khách sạn, khu dịch vụ và văn phòng với hai tòa tháp chung cư 48 tầng (gồm 918 căn hộ) và một tháp khách sạn 70 tầng. Keangnam bắt đầu thi công công trình vào ngày 25/8/2007, đến nay sau 2 năm 10 tháng đã hoàn thành thi công phần thô hai tòa tháp 48 tầng. Dự kiến, hai tòa tháp chung cư sẽ được hoàn thành vào tháng 1/2011, tòa tháp khách sạn vào tháng 8/2011 và thời gian nhập trạch của tòa chung cư dự kiến vào tháng 2/2011. Với 48 tầng và 918 phòng để bán, mỗi căn hộ giá trung bình 2050$US/m2    tại thủ đô Hà Nội. Mỗi phòng độ 100m2-150m2. Như vậy giá trung bình mỗi căn hộ là 200,000$US – 300,000$US tại Việt Nam.
*             Toà Tháp Hưng Điền New Town gồm 81 tầng tại huyện Bình Chánh HCM City do một doanh nghiệp trong nước đầu tư với số vốn khoãng 1 tỉ USD.
*             Trung Tâm Tài Chính Việt Nam có dự án với tổng số vốn đầu tư 930 triệu US tại khu du lịch Kỳ Hoà Q 10 HCM City sẽ dược khởi công sau tết Canh Dần 2010. Dự án xây Trung Tâm Tài Chính Việt Nam được cáp giấy phép vào tháng 2 -2008.
*             Ngày 28/9/2010, Công ty Cổ phần Đô thị xi măng Hải Phòng đã khởi công dự án Khu đô thị xi măng Hải Phòng. Dự án tọa lạc tại ngã 3 sông Cấm, giao điểm giữa quốc lộ 5 và đường sắt  Hà Nội - Hải Phòng, trên diện tích 78.6 ha, thuộc khu đất của Nhà máy Xi măng Hải Phòng trước đây.
Khu đô thị xi măng Hải Phòng do Công ty Cổ phần Đô thị xi măng Hải Phòng (thuộc Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam) làm chủ đầu tư, với tổng vốn đầu tư lên tới 1.5 tỷ USD. Quy hoạch của dự án bao gồm các khu chức năng như: công trình phức hợp, khu thương mại, khu đất ở, khách sạn 5 sao, trường học, bệnh viện, bảo tàng và hệ thống giao thông, công viên cây xanh... được thiết kế theo tổ chức không gian mở.
Phần xây dựng sẽ có tòa tháp đôi là điểm nhấn của dự án với chiều cao 35 tầng. Ngoài ra, dọc hai trục đường là một số tòa nhà cao 20 tầng và các công trình thấp tầng khác. Dự án do Công ty Tư vấn Nikken Sekkei Civil Engineering Ltd (Nhật Bản) đảm nhận phần lập quy hoạch. Dự kiến đến cuối năm 2013, toàn bộ phần cơ sở hạ tầng của dự án sẽ được hoàn thành.

                     ii.      Hệ thống xa lộ, phi trường Tân Sơn Nhất và Nội Bài, cầu Mỹ Thuận và cầu Cần Thơ (15-04-2010):
Với sự gia tăng dân số đáng kể, từ 42 triệu dân năm 1970 lên đến 86 triệu năm 2010 hệ thống đường xá không có khả năng đáp ứng sự tăng trưởng quá lẹ.  Chính phủ cần có những kế hoạch lâu dài đầy thử thách để đối phó với tình trạng kẹt cầu, kẹt đường, vân vân...
Sự hoàn thành của 2 cây cầu Mỹ Thuận năm 2007 và Cần Thơ tháng 4 năm 2010 đánh dấu những bước đầu tiến bộ để giúp sự lưu thông từ Sài gòn đến lục tỉnh, hầu tạo nhiều triển vọng khá hơn cho lưu thông và kinh tế miền Tây. Cầu Cần Thơ là cây cầu bắc qua sông Hậu, nối thành phố Cần Thơ và tỉnh Vĩnh Long, khi hoàn thành cây cầu này sẽ là cầu dây văng có nhịp chính dài nhất tại khu vực Đông Nam Á. Toàn tuyến dự án dài 15,85km với điểm khởi đầu tại Km 2061 trên QL1 thuộc huyện Bình Minh tỉnh Vĩnh Long, đi tránh QL1 và thành phố Cần Thơ, vượt qua sông Hậu ở cách bến phà hiện hữu về phía hạ lưu 3.2km, nối trở lại QL1 tại Km 2077 thuộc quận Cái Răng, Cần Thơ.
Tổng mức đầu tư 4,832 tỷ đồng (thời điểm 2001) bằng nguồn vốn ODA (Official Development Assistance) của chính phủ Nhật và vốn đối ứng của chính phủ Việt Nam (khỏang 15%). Phải mất 45 tháng để hoàn thành cây cầu treo thứ hai tại Việt Nam.
Toàn tuyến dự án có mặt cắt ngang quy mô 4 lằn xe ô tô và 2 lằn xe máy và tốc độ thiết kế 80km/giờ. Nói chung cầu Cần Thơ cũng có những đặc trưng phổ biến của loại cầu dây văng, ở đây chúng tôi chỉ nêu một số đặc điểm riêng của cầu:
- Về móng trụ tháp: là loại cọc khoan nhồi có đường kính 2.50m nhưng có chiều dài vào loại dài nhất được thi công ở nước ta: 94m và mỗi cọc có 45 tấn thép với cốt thép chủ đường kính 38mm và gần 500m­3 bê tông mác 30Mpa. Trụ bờ Bắc có 30 cọc và trụ bờ Nam có 36 cọc. Chân cọc sau khi đổ bê tông được bơm vữa xi măng bằng bơm áp lực cao để tăng cường sức chịu tải của cọc.
Bệ trụ tháp bờ Bắc thi công trên cạn nên làm hố móng và lắp ván khuôn đổ bê tông thông thường. Riêng bệ trụ tháp bờ Nam thi công dưới nước nên mặt đáy và vòng vây xung quanh được đúc sẵn trên bờ và lắp ghép trên đâu cọc thành ván khuôn liền với bệ trụ. Vòng vây xung quanh có chiều sâu ngập trong nước dưới cao trình mặt đáy bệ để che chắn bảo vệ đầu cọc. Đây là phương pháp rất hay vừa tiết kiệm chi phí ván khuôn, vừa đẩy nhanh tiến độ thi công. Nhưng phải đảm bảo việc định vị các cọc hết sức chính xác trong quá trình thi công khoan nhồi (đặc biệt là thi công dưới nước dòng chảy mạnh và mực nước lên xuống do ảnh hưởng của thủy triều), nếu không chính xác các tấm đáy không lắp ghép được và khó mà bịt kín đáy để thi công cốt thép trong môi trường khô ráo. Cốt thép thi công bệ trụ có đường kính lớn nhất tới 52mm và nối dối đầu bằng đầu nối có ren, thí nghiệm kiểm chứng cho thấy khi kéo phá hoại cốt thép đứt ở thân chứ không đứt ở mối nối.
Hệ dây văng khác với phương pháp truyền thống là các sợi thép bện thành tao rồi kéo và neo tùng tao trước khi cố định cả bó cáp dây văng. Ở đây toàn bộ bó cáp dây văng được chế tạo sẵn trong nhà máy rồi căng kéo và neo trên công trường chứ không phải kéo từng tao. Tất nhiên thiết bị và công nghệ căng kéo là mới và được áp dụng lần đầu tiên ở nước ta.

                    iii.      Lạm phát.
Chính quyền đã cố gắng rất nhiều trong việc kiểm soát lạm phát. Đây là một thành công lớn cho một quốc gia nhỏ bé với số lượng dân số trên 80 triệu. Lạm phát đã giảm từ 775% trong năm 1986 xuống 223% năm 1987 và năm 2008 tỷ lệ lạm phát ở Việt Nam ước khoảng 22.97 %, cao hơn nhiều mức Quốc hội đề ra là dưới 8.5-9% trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2010. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng GDP thực tế tính theo đơn vị tiền tệ quốc gia của Việt Nam năm này là 6.18%, thấp hơn mức Quốc hội đề ra là trên 7.5-8%.
Những lo ngại về lạm phát tăng tốc nhanh trong năm 2010 đã khiến Chính phủ quyết định thực hiện các biện pháp thắt chặt tiền tệ và tài chính cũng như tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu đã khiến kinh tế tăng trưởng chậm hơn dự kiến.[13]

                    iv.      Khả năng sản xuất và xuất cảng - dầu thô, nhiên liệu, gạo, càfé, than đá, hàng may mặc và thức ăn khác.....

Dầu thô - Việt Nam sản xuất dầu thô và khí tự nhiên được thực hiện trong giai đoạn rất sơ bộ trong cuối những năm 1980 và các khoản thu hồi của thương mại dự trữ không có sẵn cho các nhà phân tích phương Tây. Với sự hợp tác của Liên Xô, Việt Nam bắt đầu khai thác của một báo cáo 1 tỷ tấn dầu ra nước ngoài tìm thấy phía đông nam của Vũng Tàu-Côn Đảo Khu vực đặc biệt. Đến đầu năm 1987, Việt Nam đã xuất khẩu dầu thô lần đầu tiên trong lô hàng cho Nhật Bản. Sản xuất vẫn còn thấp, ước tính khoảng 5,000 thùng / ngày, mặc dù tối thiểu của Việt Nam yêu cầu dầu trong nước đạt 30,000 thùng / ngày. Mặc dù kế hoạch lạc quan cho việc phát triển các lĩnh vực ngoài khơi, Việt Nam đã có khả năng còn phụ thuộc vào sản phẩm dầu mỏ Liên Xô cung cấp thông qua những năm 1990.[13]
Dịch vụ cung cấp cho hoạt động thăm dò, khai thác và sản xuất kinh doanh của ngành dầu khí ở Việt Nam là một bộ phận kinh doanh hấp dẫn, với quy mô toàn thị trường vào năm 2009 lên đến 12 tỉ Đô la Mỹ. Hiện nay, dịch vụ cơ khí dầu khí của Việt Nam đang phát triển khá nhanh. Các doanh nghiệp trong nước, như VietsovPetro, Tổng công ty Dịch vụ kỹ thuật dầu khí (PTSC) đã có thể chế tạo một phần của giàn khoan, giàn khai thác và các công trình phục vụ hoạt động khai thác trên biển. Bên cạnh đó, PTSC còn nhận được lời mời từ các công ty của Singapore, Ấn Độ, Nhật Bản, Malaysia, Úc nhằm hợp tác chế tạo các công trình giàn khoan và những cụm công trình rời phục vụ khai thác dầu khí trên biển. Dù đã đạt được một số kết quả khả quan, nhưng khả năng của ngành dịch vụ dầu khí Việt Nam, chủ yếu là dịch vụ kỹ thuật, vẫn còn khá yếu. Rất nhiều dịch vụ có yêu cầu cao về kỹ thuật, các doanh nghiệp trong nước chưa thể với tới. Chẳng hạn như trong dự án xây dựng các nhà máy lọc dầu Dung Quất và phân đạm ở Phú Mỹ và Cà Mau, doanh nghiệp Việt Nam chỉ có thể làm nhà thầu phụ cho các tổng thầu nước ngoài.[27]
Báo chí trong nước cho biết hôm 12/08/2010 hãng hàng không ViệtNam Airline vừa công bố là đã sẳn sàng dùng nhiên liệu sản xuất tại Việt Nam để thay thế cho xăng máy bay đang phải nhập cảng. Vấn đề đặt ra là mặt hàng xăng máy bay cần phải thông qua cả một quá trình kiểm nghiệm chất lượng do các định chế kỹ nghệ Anh Mỹ và các tập đoàn dầu hoả lớn thực hiện bao gồm hãng BP của Anh, Exxon Mobil của Mỹ, KPC công ty dầu nhà nước Kuwait...
Mỏ đồng Sin Quyền - công ty Khoáng sản Việt Nam cho biết, trong quá trình điều tra, thăm dò địa chất bổ sung tại mỏ đồng Sin Quyền, huyện Bát Xát, Lào Cai, đã phát hiện thêm 50 triệu tấn quặng, nâng tổng trữ lượng quặng đồng của mỏ lên hơn 100 triệu tấn. Kỹ sư Đinh Văn Chỉnh, Phó tổng giám đốc cho biết công ty mỏ đồng Sin Quyền thuộc Tổng công ty Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) với công suất nhà máy tuyển quặng đồng Sin Quyền là 1.2 triệu tấn/năm như hiện nay sẽ không đáp ứng yêu cầu phát triển mới của vùng mỏ.
Vì vậy, Tổng công ty Khoáng sản Việt Nam đã báo cáo cấp có thẩm quyền lập dự án nâng công suất khai thác, chế biến quặng đồng Sin Quyền tăng lên gấp 3 lần (khoảng 3 triệu tấn/năm) và kéo dài thời gian khai thác mỏ lên 40-50 năm, tăng hơn 20 năm so với kế hoạch trước. Tin phát hiện thêm 50 triệu tấn quặng đồng được coi như là cơ hội mở rộng sản xuất và xuất khẩu mỏ đồng Sin Quyền và nhà máy luyện đồng Lào Cai từ nay đến năm 2015 và các năm tiếp theo. [29]
Nhựa hoá chất - Ngày 15/7/2010, nhà máy sản xuất hạt nhựa Polypropylen (thuộc Công nghiệp Lọc hóa dầu Dung Quất, Quảng Ngãi) đã cho ra lò sản phẩm hạt nhựa đầu tiên.
Đây cũng là sản phẩm hóa dầu đầu tiên được sản xuất từ nguồn nguyên liệu của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, đánh dấu bước ngoặc quan trọng trong ngành công nghiệp hóa dầu Việt Nam. Dự án nhà máy sản xuất Polypropylen là dự án hóa dầu đầu tiên của Việt Nam do Công ty Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam) làm chủ đầu tư, được xây dựng trên diện tích 16 ha bên cạnh Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.  Được khởi công từ tháng 12/2007, dự án có tổng mức đầu tư 234 triệu USD, công suất 150,000 tấn sản phẩm/năm.
Nguyên liệu của nhà máy lấy từ nguồn khí hóa lỏng propylen thuộc phân xưởng thu hồi Propylen (PRU) của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, để chế biến thành hạt nhựa polypropylen sáng màu và bền nhiệt, được sử dụng rộng rãi trong ngành công nghiệp ô tô, xây dựng, điện, chế biến bao bì, sợi và các vật dụng phục vụ đời sống. Tính đến trước thời điểm nhà máy khánh thành, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu 100% hạt nhựa polypropylen từ nước ngoài, và trong khi chờ đợi nhà máy nhựa Polypropylene đi vào hoạt động, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã xuất bán thô cho tập đoàn Marubeni (Nhật Bản) 82 ngàn tấn nguyên liệu propylen.[18]
Saonam Petro là tổ hợp dầu khí do các tập đoàn, công ty thành viên quốc tế trong lĩnh vực dầu khí gồm: Dsme (Hàn Quốc), Agr (Na Uy), Longbeach Oil và Otto Energy (Australia) góp vốn thành lập. Theo Chủ tịch Hội đồng Lãnh đạo Saonam Petro Phạm Văn Quang, mục tiêu mà tổ hợp này hướng tới là xây dựng, phát triển thành tổ hợp có tiềm lực mạnh để tham gia đầu tư vào lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò, khai thác, phát triển các mỏ dầu và khí cận biên. Bên cạnh đó, tổ hợp cũng sẽ đầu tư vào cơ sở hạ tầng năng lượng tại Việt Nam như hệ thống kho dự trữ dầu, hệ thống đường ống dẫn khí Bắc – Trung - Nam, hệ thống tồn kho và vận chuyển cho các khu công nghiệp, các khu đô thị mới.
Đặc biệt, ngay trong năm 2010, Saonam Petro sẽ tập trung triển khai dự án khai thác ở các mỏ khí cận biên thềm lục địa Việt Nam; triển khai nhà máy sản xuất nhiên liệu DME - một loại khí hóa lỏng sạch có khả năng thay thế khí hóa lỏng LPG, LNG, được sản xuất từ việc tận thu nhiên liệu từ nguồn khí thiên nhiên còn sót lại tại các mỏ đã khai thác hoặc khí ở các mỏ có trữ lượng nhỏ.[28]
Gạo - Việt Nam có thể trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới năm 2015. Theo Hiệp Hội Các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan, Việt Nam có thể vượt Thái lan trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới trước năm 2015 do giá gạo của Thái Lan cao hơn. Hãng tin Bloomberg dẫn lời ông Chookiat Ophaswongse, cựu Chủ Tịch và hiện là cố vấn Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan cho biết, khối lượng gạo xuất khẩu của nước này có thể giảm xuống 8 triệu tấn trong năm nay. Năm 2009 Thái Lan xuất khẩu 8.6 triệu tấn gạo trong khi Việt Nam xuất khẩu 6.5 triệu tấn. Tuy nhiên, giá gạo Thái Lan và Việt Nam ngày càng chênh lệch. Theo bảng theo dỏi giá của tổ chức Lương Thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc giá gạo loại 5% tấm của Thái lan trong năm 2008 cao hơn 68$US so với gạo cùng loại của Việt Nam, nhưng đến năm 2009 thì mức chênh lệch này lên tới 123 $US. Ngoài ra giá đồng tiền của Việt Nam giảm từ cuối năm 2008 đã khiến giá gạo xuất khẩu của Việt Nam so với cách đây 2 năm, trong khi giá trị đồng Baht của Thái Lan lại tăng từ 33.53 baht lên 32.38baht/US trong cùng thời gian. Ông Rut Subniran, Giám đốc điều hành Công ty xuất khẩu Herba Bangkok S.L và ông Chookiat cũng cho biết chi phí vận chuyển, chi phí lao động và các chi phí hậu cần khác ở Việt Nam cũng thấp hơn so với ở Thái lan. Tại một cuộc hội thảo mới đây, ông Chookiat đã nhấn mạnh rằng Thái Lan có thể sẽ không còn là nước xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới nữa vì không thể tiếp tục cạnh tranh với Việt Nam. Theo số liệu đăng trên trang web của Viện Nghiên cứu Lúa gạo quốc tế từ 1980 Thái lan đã vượt Mỹ trở thành nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, trong khi xuất khẩu gạo Việt Nam đến năm 1988 mới vượt con số một triệu tấn sau khi Chính phủ từ bỏ chính sách kinh tế định hướng thị trường nhằm khuyến khích phát triển nông nghiệp. Tuy nhiên vì các quan chức chỉ có tài tham nhũng hơn là tiếp thị, quản lý kém nên để cho gạo ứ đọng phá giá, hư thối…[14].
Năm 2010, theo kế hoạch lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam sẽ đạt khoảng 6.5 triệu tấn, kim ngạch thu về là trên 2.6 tỷ USD. Trong khi đó tính đến 20/10/2010, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đã ký hợp đồng giao trong năm nay lên tới 6.84 triệu tấn. Theo phân tích của vị đại diện VFA, thời điểm hiện nay các tỉnh, thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã thu hoạch xong vụ Hè - Thu. Giá lúa thường đang dao động từ 5,350 – 5,550 đồng/kg, lúa dài khoảng 5,400 – 5,750 đồng/kg. Giá gạo nguyên liệu loại 1 làm ra gạo 5% tấm hiện khoảng 7,350 – 7,550 đồng/kg (tùy theo từng địa phương). Gạo nguyên liệu làm ra gạo 25% tấm là 7,200 – 7,400 đồng/kg. Do vậy, nếu không xuất được ở mức giá sàn là 445 USD/tấn đối với gạo 25% tấm và 475 USD/tấn cho gạo 5% tấm thì doanh nghiệp sẽ không thể có lãi. Về lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam trong 2011, tuy còn phụ thuộc vào sự cân đối của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, nhưng theo dự báo của VFA (VietNam Food Administration) con số đó cũng sẽ không dưới 6 triệu tấn [35].
Đường Mía - Những năm 2009-2010, cả nước Việt Nam có 40 nhà máy đường hoạt động với lượng mía ép đạt 9.74 triệu tấn, lượng đường sản xuất đạt 904 nghìn tấn, tỉ lệ phát huy công suất bình quân chỉ đạt 61.5%.
Hiện tại, tổng công suất của 10 nhà máy đường ở đồng bằng sông Cửu Long vào khoảng 23,000 tấn/ngày. Song diện tích mía khoảng 52,500 ha, sản lượng 3.8 triệu tấn mía cây, chỉ đủ cho 10 nhà máy đường trong vùng chạy 165 ngày/vụ/năm. Khu vực đồng bằng sông Cửu Long chiếm 1/2 diện tích và sản lượng mía cả nước ,nhưng việc đầu tư phát triển giống mía mới rất chậm, giống mía cũ vẫn còn cao dẫn đến sản lượng mía cây chưa đáp ứng nhu cầu của nhà máy. Để khắc phục tình trạng này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã quyết định mở rộng vùng mía ở đây lên 90,000 ha, sản lượng đạt 7 triệu tấn mía cây. Riêng tại Hậu Giang, mỗi năm trồng khoảng 13,000 ha và trở thành có vùng mía nguyên liệu lớn nhất khu vực, có khả năng cung cấp mỗi năm từ 900,000 - 1 triệu tấn mía cây. …[19]
Thuỷ sản - Theo ước tính của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công Thương, năm 2010 xuất khẩu thủy sản sẽ đạt khoảng 4.5-4.7 tỷ USD. Với chiến lược mới của chính phủ Việt Nam năm nay, ngành thuỷ sản sẽ có tốc độ tăng trưởng từ 8-10% năm. 10 năm tới kinh tế thuỷ sản sẽ đóng góp 30-35% GDP trong khối nông, lâm, ngư nghiệp.
Kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản đạt 8-9 tỷ USD. Tổng sản lượng thuỷ sản đạt 6.5-7 triệu tấn. Trong đó nuôi trồng chiếm 65-70% tổng sản lượng. Đến năm 2020, thuỷ sản sẽ trở thành một ngành sản xuất hàng hoá lớn, có cơ cấu và hình thức tổ chức sản xuất hợp lý với năng suất, chất lượng, hiệu quả, có khả năng cạnh tranh cao và hội nhập vững chắc vào kinh tế thế giới. Đồng thời từng bước nâng cao trình độ dân trí, đời sống vật chất tinh thần của ngư dân, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái và quốc phòng, an ninh vùng biển, đảo của Tổ quốc. [25]
Vinashin – Hạ Long một thành viên của Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) vừa hoàn tất và đã hạ thủy thành công tàu chở ôtô với sức chứa 4,900 xe, mang tên Violet Ace hạ thuỷ ngày 2/10/2010. Đây là con tàu thứ hai trong hợp đồng đóng mới mà Vinashin- Hạ Long đã ký với Công ty vận tải Ray Shipping (Israel). Trước đó, ngày 29/4/2010, Vinashin - Hạ Long đã bàn giao chiếc đầu tiên, mang tên Victory Leader.
Tàu Violet Ace có chiều dài 185.6m, rộng 32.26m; chiều cao mạn tới boong thượng là 36.10 m; mớn nước thiết kế 8.40 m; máy chính công suất 13,560 Kw; tốc độ khai thác 19.8 hải lý/giờ. Tàu do viện Naval Progetti của Italia thiết kế, hãng đăng kiểm DNV của Na Uy phê duyệt thiết kế, trực tiếp giám sát thi công và cấp chứng chỉ phân cấp tàu.  Violet Ace có tổng cộng 13 boong, trong đó có 11 boong chứa xe, 1 boong sinh hoạt của thuyền viên, 1 boong ca bin lái. Trong các boong chứa xe có 9 boong cố định và 2 boong nâng hạ dùng khi có hàng hóa là các loại xe tải , xe sơ mi rơ moóc, xe buýt… ngoài hệ thống phòng ở sinh hoạt của thuyền viên, trên tàu còn có sân bóng rổ, nhà thể thao, bể bơi mini, sân bay trực thăng…
Theo nguồn tin từ Vinashin- Hạ Long, đây là sản phẩm được thiết kế và chế tạo theo cấp 1 A1, cấp cao nhất đối với tàu chở ôtô. Tính năng tiêu biểu của sản phẩm là khả năng tự động hóa tối đa trong đó có chế độ hoạt động không trực canh, hoàn toàn tự động trong quá trình vận hành.

v.      Đầu tư Nước Ngoài (Foreign Direct Investment-FDI)

Người ngoại quốc ồ ạt đổ xô vào Việt Nam để đầu tư như kỹ nghệ lắp ráp xe hơi - xe Mekong (quận Bình Chánh), Toyota Corolla và Mercedes-Benz mini-bus, nhà máy sản xuất sắt thép Posco Đại Hàn đang xin giấy phép năm 2006 và để hoàn thành nhà máy năm 2016 ở Vân Phong Khánh Hoà và Quatron Steel của Roumania đã được giấy phép năm 2009 để bắt đầu xây dựng tại huyện Tân Thành Bà Rịa, Intel của Mỹ, British University, British Petroleum, Standard Chartered Bank và HSBC của Anh quốc.
Theo báo cáo mới công bố ngày 15/9/2010 của Cơ Quan Thương Mại Anh Quốc và Trung Tâm Thông tin kinh tế của tờ The Economist, các nhà đầu tư trên thế giới đã xác định Việt Nam là một trong những thị trường hàng đầu về đầu tư. Báo cáo có tên gọi là “Kỳ vọng lớn – Kinh doanh với những thị trường đang nổi” đưa ra nhận định từ phía những nhà đầu tư quốc tế về những thị trường được cho từng đang là cỗ máy máy tăng trưởng toàn cầu trong tương lai. Báo cáo trên dựa trên một khảo sát với 520 lãnh đạo cao cấp doanh nghiệp trên toàn cầu ở tất cả mọi lãnh vực. Tất cả những người được hỏi đều cho biết họ sẵn sàng kinh doanh ở các thị trường nổi (emerging market) hoặc đang lên kế hoạch kinh doanh tại đây trong vòng 2 năm tới. Kết quả khảo sát cho thấy các thị trường nổi được cho là nguồn tiêu dùng mới và ba thị trường hàng đầu cho các nhà đầu tư trong vòng 2 hai năm tới là Trung Quốc (20%), Việt Nam (19%) và India (18%). Công bố báo cáo này là ông Vince Cable nguyên Bộ trưởng Thương mại Anh nói: “sự cân bằng quyền lực kinh tế toàn cầu đang chuyên về về phía những thị trường nổi và điều này đã được nhìn nhận trong báo cáo của cơ quan Đầu tư và Thương mại Anh quốc. Các công ty Anh quốc đang tận dụng chuyên môn của mình để thúc đẩy tăng trưởng và thịnh vượng tại những thị trường này”. Như vậy Việt Nam trong ba năm liên tiếp được các nhà đầu tư quốc tế chọn là thị trường hàng đầu nằm ngoài các nước trong khối siêu cường tiền năng BRIC (gồm Brasil, Russia, India và China). [24]
Saint-Gobain Glass chuyên sản xuất kính nổi làm giảm điện năng dùng xây dựng cao ốc như Sheraton, Legend hotels, The Manor, Skyline Tower, Plaza Hùng Vương, Saigon Pearl, Đài truyền hình TPHCM ở Sài gòn, Ruby Plaza ở Hà Nội, Kim Lin Mansion ở Singapore, v.v.v... Hãng Saint-Gobain Glass chuyên sản xuất kính cho cao ốc và gyproc thạch cao cho xây dựng đã mua lại Cty Vĩnh Tường chuyên sản xuất thạch cao tại huyện Nhà Bè tháng 10-2007.
Dự án thép liên hợp của tập đoàn Posco tại Khánh Hoà sẽ áp dụng công nghệ luyện kim phi cốc Finex với công xuất 1.8 triệu tấn/năm. Lợi điểm của công nghệ Finex là không sử dụng khâu thiêu kết quặng và luyện than cốc nên chất thải sẽ giảm nhiều so với công nghệ truyền thống. Theo tính toán của Posco khi đi vào vận hành năm 2012 ( giai đoạn 1) và 2016 ( giai đoạn 2) nhà máy này sẽ tạo ra giá trị sản xuất 5 tỉ đô US và tạo việc làm cho 146,000 người. [15]
Tháng 11 năm 2006 Intel tuyên bố sẽ xây dựng hãng lắp ráp và chế biến linh kiện điện tử (electronic components) cho máy vi tính với trị giá 1 tỉ USD. Intel sau đó đã tiến hành việc tuyển nhân viên chuyên môn. Họ kiểm tra trình độ 1,965 người nợp đơn xin việc nhưng chỉ có 90 người trong số đạt điểm trên 60%. Điều này chứng tỏ việc giáo dục thực tiễn trình độ kỹ thuật ở Việt Nam cần xem xét lại. Với tình trạng của nhân lực hiện nay, Việt Nam khó có thể vượt qua Thái Lan và Malaysia về mặt công nghệ dây chuyền (supply chain manufacturing). Hãng Intel vừa tuyên bố sẽ khánh thành và khai trương nhà máy công nghệ cao này ngày 5 tháng 10, 2010. Theo giám đốc điều hành phòng Thương mại Mỹ tại Việt Nam, ông Adam Sitkoff thì việc khai trương nhà máy Intel là dấu hiệu cho thấy Việt Nam đang tiến tới lãnh vực sản xuất những mặt hàng ngày càng tinh vi hơn. Intel còn cho biết họ là nhà đầu tư nước ngoài lớn đầu tiên trong lãnh vực công nghệ cao tại Việt Nam và nhà máy này là nhà máy sản xuất thiết bị máy tính lớn nhất ở Việt Nam.  Cũng theo ông Sitkoff thì việc khai trương nhà máy Intel sẽ thu hút các công ty công nghệ cao khác đầu tư vào Việt Nam. Tuy nhiên một số phân tích gia cho rằng một số những trở ngại ở Việt Nam gồm có cơ sở hậu cần kém phát triển và khả năng tiếng Anh của lực lượng lao động kém hơn với các nước khác như Malaysia hay thậm chí cả Thái Lan và Trung Quốc, sự thiếu chuyên môn hoá, thiếu tính cạnh tranh cũng như đội ngũ công nhân có tay nghề cao. [33]
          Công ty linh kiện điện tử Sanyo (electronic accessories and components) đã khởi công xây dựng khu nhà máy công nghệ cao sản xuất mắt thần quang học (infra-red detectors) cho các sản phẩm điện tử và thiết bị linh kiện liên quan tại khu công nghiệp Quang Châu tỉnh Bắc Giang. Công trình đã hoàn thành tháng 4 năm 2009 với tổng số vốn 95 triệu US. [15]
          Công ty Honda Việt Nam đã khánh thành nhà máy thứ hai có công xuất ban đầu 500,000 xe gắn máy/năm. Nhà máy thứ hai này được đặt bên cạnh nhà máy thứ nhứt ở Vĩnh Phúc với vốn đầu tư là 65 triệu US.
Tháng 9 năm 2009 công ty Robert Bosch (Đức) đã khởi công xây dựng nhà máy sản xuất phụ tùng xe hơi (linh kiện) đầu tiên tại châu Á, khu công nghiệp Long thành tỉnh Đồng Nai, sẽ sử dụng 800 nhân công. Nhà máy sẽ đi vào hoạt động năm 2015 với số vốn đầu tư là 55 triệu Euro.
Cũng trong tháng 9 năm 2009 Công ty Ultrapure Core (UPC) của Israel đã ký hợp đồng chuyển giao công nghệ sản xuất với cty Sợi Quang Việt (VFO) để sản xuất sợi cáp quang (fiber optic cable) tại khu công nghiệp Mỹ Phước tỉnh Bình Dương với vốn đầu tư 150 triệu US.
First Solar –Tập đoàn công nghệ năng lượng mặt trời First Solar Inc của Hoa Kỳ loan báo họ sẽ tiến hành xây dựng 2 nhà máy sản xuất mới, một ở Việt Nam và một ở Hoa Kỳ. Theo hãng thông tấn Bernama, cả hai nhà máy này dự kiến hoàn tất năm 2012 sẽ tạo thêm 600 việc làm tại mỗi nơi.
Trước đó báo chí Việt Nam đưa tin là số vốn dự định đầu tư của tập đoàn này ở Việt Nam là 1.2 tỷ đôla US và sản phẩm của First Solar sẽ là pin quang điện công nghệ màn mỏng (industrial thin solar energy battery). Theo một thông cáo báo chí của First Solar, có trụ sở ở tiểu bang Arizona, hôm 14/10/2010 hiện tại họ đang thoả thuận về địa điểm xây dựng nhà máy ở cả hai nước và sẽ loan báo sau khi kết thúc quá trình đàm phán. Ở Việt Nam First Solar đã liên hệ với khu công nghệ cao Sài gòn, khu Công nghiệp Tân phú Trung và khu công nghiệp Phong phú để tìm mặt bằng xây dựng nhà máy trên diện tích 72 ha.
Với khoản đầu tư 61 triệu USD, nhà máy được khởi công từ tháng 5/2009 trên diện tích 84.200 m2. Những lô hàng đầu tiên đã được xuất xưởng từ tháng 5/2010.
Nhà máy sản xuất wind turbine GE Energy - Sáng 15/10/2010, tại Khu công nghiệp Nomura Hải Phòng, Tập đoàn GE Energy (Hoa Kỳ) đã khánh thành nhà máy sản xuất máy phát điện turbine gió đầu tiên tại Việt Nam .Turbine gió là một phần trong chiến lược toàn cầu hóa của GE Energy nhằm phát triển và tận dụng năng lực sản xuất tập trung để quản lý chi phí và đảm bảo chất lượng. Trong giai đoạn đầu, nhà máy sẽ sản xuất máy phát điện cho loại turbine gió có công suất 1.5 MW và có kế hoạch tiếp tục đầu tư, mở rộng phạm vi hoạt động trong tương lai.  Với khoản đầu tư 61 triệu USD, nhà máy được khởi công từ tháng 5/2009 trên diện tích 84,200 m2. Những lô hàng đầu tiên đã được xuất xưởng từ tháng 5/2010.
Hiện nhà máy đang hoạt động theo công suất tối đa với hơn 250 nhân viên, và đã xuất khẩu hơn 200 máy phát điện turbine gió tính đến thời điểm hiện tại. Đại diện GE Energy cho biết trong thời gian tới sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, xây dựng và phát triển tại đây thành khu liên hợp sản xuất các thiết bị năng lượng [34].
          Về lĩnh vực chế biến nông nghiệp – càfé, trà, đồ ăn khô, đồ ăn đóng hộp và đông lạnh, hàng may mặc, v.v.v thì có khoãng 5.4% vốn nước ngoài (FDI) đổ vào Việt Nam. Theo thiện nghĩ nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng đầu tư vào nông nghiệp còn thấp, hạn chế và kém hiệu quả vì nông nghiệp chưa có chiến lược hấp dẫn và thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), thiếu ưu đãi và cơ chế phối hợp giữa ngành và địa phương. Đồng thời cần cải tiến thủ tục hành chính và điều kiện của doanh nghiệp địa phương, phải linh hoạt/uyển chuyển hơn trong việc thảm định dự án đầu tư. Năm 2009, khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long có mức tăng trưởng kinh tế là 10.08%, so với mức tăng trưởng kinh tế trung bình của cả nước là 5.2%. Mặc dù là khu vực sản xuất lúa lớn nhất của Việt Nam, tuy nhiên theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì khu vực này vẫn thu hút được rất ít vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vì cơ sở hạ tầng giao thông yếu kém cùng với chất lượng nguồn nhân lực thấp là hai trở ngại lớn của Đồng bằng Sông Cửu Long....
          Trong khi Châu Âu và Hoa Kỳ phải vất vả đối phó với khủng hoảng kinh tế toàn cầu thì các quốc gia Châu Á vẫn tăng trưởng mạnh theo bài “Ngành may mặc Việt Nam tăng trưởng nhẹ” của tờ The Economist cho biết: xuất khẩu ngành dệt may mặc “made in Việt Nam” tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 5.8 tỷ đô la US. Nhờ nguồn nhân công rẻ, Việt Nam vẫn thu hút giới đầu tư. Sau hàng loạt các vụ đình công của nhiều công ty miền nam Trung quốc phải tăng lương cho công nhân.  Trong bối cảnh đó Việt Nam hoàn toàn có lợi nhờ vào nguồn nhân công giá rẻ. Lý do là mức thu nhập của công nhân Việt Nam hiện tại là 84 đô la/người/tháng thấp hơn nhiều so với Trung Quốc và các nước trong khu vực. Theo thống kê của Ngân Hàng Thế Giới trong vòng 20 năm thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam tăng lên 10 lần: năm 1990 là 100 đôla/người/năm, hiện tại con số này là 1,000 đôla/người/năm. Với 86 triệu dân thị trường Việt Nam là một thị trường đầy hứa hẹn. Cũng theo The Economist của tháng 9/2010 thì nền kinh tế Việt Nam còn nhiều hạn chế cần được khắc phục để nâng cao tính cạnh tranh. Đó là tay nghề công nhân còn thấp, hiệu quả sử dụng nguồn vốn và công nghệ chưa cao, hạ tầng cơ sở cũ kỹ và nhất là tệ quan liêu hoành hành. 
         
Nhà sản xuất điện thoại di động hàn đầu thế giối Nokia cho biết họ sẽ mở một nhà máy tại Việt nam năm 2012. Hãng Nokia cho biết thêm là số tiền đầu tư ban đầu là khỏang 200 triệu euros vối khoản đầu tư thêm đáng kể sau này. Công ty cho biết họ ký bản ghi nhớ (memorandum of understanding) tại Hà Nội và khen ngợi địa điểm và cô sổ hạ tầng tại Việt Nam. Nokia cho hay họ sẽ tập trung vào các thị trường đang lên, đặc biệt tại châu Á, nơi đại doanh này đối diện cạnh tranh từ hàng loạt điện thoại giá rẻ. Theo công ty Phần Lan, nhà máy ở Việt nam là một phần quan trọng trong nỗ lực chinh phục hàng tỉ người còn chưa có điện thoại di động hoặc vào được Internet. Phó chủ tịch Esko Aho nói:”Chỉ khoảng 30% dân số thế giới ngày nay là hòa mạng và chúng tôi tin mình có thể đóng vai trò lớn để kết nối một tỉ người không  chỉ cho điện thoại đầu tiên của họ mà cho cả trải nghiệm internet đầu tiên”. Nokia đã có 10 nhà máy ở Âu châu, châu Mỹ latin, châu Á trong đó có Ấn độ, Trung quốc và Hàn quốc..
Mặc dù đến năm 2010 đã có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài góp vốn ở Việt Nam trong nhiều lãnh vực – điện tử, quần áo và giầy dép (Adidas, Izod, Head, Nevada, v.v.v...), thức ăn khô hay đông lạnh, xe cộ, sợi cáp quang, ngân hàng, vân vân, chính phủ cần phải có những biện pháp hướng dẫn cụ thể hơn và có những đãm bảo về chuyển ngân ra và vào Việt Nam một cách dễ dàng và đơn giản hơn... Người Việt hải ngoại có mong muốn là khi vào shopping ở Bắc Mỹ người tiêu thụ cảm thấy yên tâm hơn khi mua một món hàng ”made in VietNam”. Ngày nay người Việt hải ngoại mua hàng ”made in VietNam” trong siêu thị với tính cách ủng hộ và lòng yêu nước nhiều hơn là phẩm chất của món hàng.
                    vi.     Tiềm năng du lịch- Hồ Tràm, Phan Thiết, Đại Nam ở Bình Dương, Vinpearl ở Nha Trang và HappyLand ở Long An
Năm 2009 tôi trở lại Việt Nam lần thứ 8 và lần nữa thật ngạc nhiên với sự phát triển nhanh chóng của ngành du lịch Việt Nam - nào là khu du lịch Mũi Né mở dài hơn 10 km với hơn 25 resorts 3 và 4-stars, Đại nam ở Bình Dương, khu du lịch Mekong Delta, Vinpearl Nha Trang, Furama Đà Nẵng, Hạ Long, vân vân....
Vùng đất Bình Dương - Thủ Dầu Một ra đời cùng lúc với lịch sử hình thành Sài Gòn - Đồng Nai, từ thuở Nguyễn Hữu Cảnh "mang gươm đi mở cõi". Bắt đầu những năm 90, với chính sách trải thảm đỏ chào đón các nhà đầu tư, Bình Dương phút chốc trở thành địa phương phát triển năng động nhất trong tứ giác kinh tế trọng điểm của cả nước. Trên đà phát triển mạnh mẽ của đất nước, thời kỳ kinh tế hội nhập, ngày nay vùng đất này có nhiều Doanh nhân thành đạt chọn nơi đây làm quê hương thứ hai của mình. Ông Huỳnh Phi Dũng- một doanh nhân thành đạt, người luôn nung nấu trong mình khát vọng gìn giữ những truyền thống văn hóa lịch sử hào hùng của dân tộc. Để rồi từ đó, Lạc Cảnh Đại Nam Văn Hiến ra đời.
Đúng 0h đêm mùng 9 rạng sáng mùng 10 tháng 03 năm Kỷ Mão- 1999 Công trình được khởi công xây dựng. Khu du lịch Văn hóa- lịch sử Đại Nam nhằm mục đích giữ lại cho các thế hệ sau hiểu biết về truyền thống hào hùng của dân tộc trong công cuộc dựng nước và giữ nuớc, cũng như quá trình hình thành đất nước từ ngàn xưa đến nay, hun đúc tinh thần dân tộc, giáo dục tình yêu quê hương đất nước và truyền thống uống nước nhớ nguồn.
          Khu Lạc Cảnh Đại Nam Văn Hiến là khu du lịch đầu tiên của Việt Nam cung cấp chuỗi dịch vụ khép kín: tham quan, ăn uống, lưu trú, mua sắm, tìm hiểu văn hóa lịch sử và văn hóa tâm linh.
-    Tổng diện tích 450 ha (giai đoạn 1, đưa vào hoạt động 261 ha)
-    Ngôi Đền lớn nhất Việt Nam 5,000 m2, ngọn núi nhân tạo dài nhất Việt Nam 250m được ghi vào sách kỷ lục Guiness Việt Nam.                     
-    Cặp nến rồng phượng, mỗi cây có chiều cao 2.7m và đường kính 90cm có thể cháy trong suốt 1,000 năm.
-    Đền bao gồm 28 bộ cánh cửa làm bẳng gỗ quý, mỗi cánh cửa gắn liền với một câu chuyện lịch sử, nặng 500 kg.                             
-    Khách sạn Đại Nam dài nhất Việt Nam 13.5 km với trăm phòng   -    Quảng trường Đại Nam diện tích 13.5 ha là nơi diễn ra các sự kiện lớn trong năm.     
                  
          Vinpearl Nha Trang với diện tích 3,400m2 là khu du lịch và giải trí 5-star bao gồm một thuỷ cung (Thuỷ Cung Aquarium). Khi tham quan thuỷ cung Vinpearl du khách di chuyển bằng cầu thang vòng trong một đường hầm dưới đáy biển được thiết kế rất công phu để tạo cảm giác hấp dẩn, kỳ bí. Hai bên đường hầm có trưng bày rất nhiều loài cá đẹp, hiếm và lạ mắt nhập về từ nhiều nước.
Công trình này không những chỉ thu hút du khách với lợi nhuận cao mà còn muốn tạo ra một nơi mà mọi tầng lớp có thể đến tham quan và vui chơi (vé vào tham quan 300,000 đồng/người). Năm 2008 khu biểu diển cá heo lớn và hiện đại vừa được khánh thành để tiện việc tổ chức cuộc thi Hoa Hậu Thế Giới tại đảo hòn ngọc này. [17].
          Happyland - Chính phủ vừa thông qua quyết định cho xây làng Giải Trí Khang Thông  – Happyland tại Long An với trị  giá  2 tỉ US sẽ được khánh thành năm 2014…Với tổng vốn đầu tư gần 2 tỷ USD, tọa lạc trên diện tích 338 ha, cách trung tâm Saigon khoảng 15 phút di chuyển trên đường cao tốc, HappyLand là khu phức hợp giải trí, du lịch do Công ty Đầu tư và phát triển hạ tầng Phú An (thành viên của Khang Thông) làm chủ đầu tư.
Riêng phần vốn đầu tư khu cho công viên là 600 triệu USD. Khâu thiết kế do công ty Steelman Partner (Mỹ) đảm nhận.  Theo thiết kế, HappyLand có thể đón khoảng hơn 1 triệu du khách đến tham quan mỗi năm.
Ngoài khu công viên trung tâm, dự án còn có các hạng mục như các khu du lịch cung cấp các dịch vụ, trung tâm triển lãm quốc tế, trung tâm thương mại quy mô lớn, các khách sạn từ 3 - 5 sao, công viên nước, công viên phim trường, vũ trường, sân khấu trong và ngoài trời, các nhà hàng, trung tâm tiệc cưới, chợ nổi, trung tâm văn hóa Việt Nam, bảo tàng nghệ thuật, khu đô thị liền kề, khu nhà phố và khu biệt thự. [21]

b.  Kế hoạch xây dựng và phát triển

                    i.       Khả năng tài chính và đường lối của chính quyền.
          Trong một chuyến du lịch New-York City mùa hè năm 2008 tôi có dịp gặp gỡ một phái đoàn gồm nhiều người thuộc giới chính quyền cao cấp và đại doanh đi tham quan nước Mỹ. Các anh chị rất tò mò và muốn tìm hiểu rất nhiều về đời sống tân tiến, tiện nghi ở xứ Nữ Hoàng Tự Do này. Các anh chị ấy có dịp quan sát đời sống thực tế của dân địa phương – New-York City, Los Angeles, San Francisco, vân vân... Các anh chị này là những thành phần ưu đãi và đại doanh của Việt Nam, là những người thuộc thế hệ trẻ đầy nhiệt tình sẽ góp công góp sức để xây dựng một tương lai Việt Nam sáng sủa, khá giả và phát triển hơn. Các anh chị trẻ tuổi này không còn thị kiến thù hằn như những thế hệ đã đi qua. Ngược lại các anh chị, với đầu óc cởi mở và rộng lượng hơn sẽ đóng góp phần lớn cho tương lai nước Việt Nam trong 5, 10 năm hay 20 năm sắp tới...
Với tỷ lệ lạm phát ở mức 8.2% năm 2010 cũng là một vấn đề đáng quan ngại. Dù một vài lãnh vực như ngân hàng đã được tự do hoá nhưng hầu hết các tập đoàn vẫn còn là tập đoàn quốc doanh – như Petro VietNam, luôn được ưu đãi tín dụng và được hưởng nhiều thuận lợi nhờ vào các mối quan hệ chính trị. Chính phủ Việt Nam rất chuộng mô hình tập đoàn liên hiệp theo kiểu Đại Hàn – như Huyndai, nhưng việc áp dụng theo kiểu Việt Nam sẽ không mang lại hiệu quả cạnh tranh...

                    ii.       Hạ tầng cơ sở  
Để xúc tiến sự phát triển về kinh tế quốc gia, hạ tầng cơ sở cần được chuẩn bị sẵn sàng như: đường xá, cầu cống, điện lực, điện thoại, phương tiện di chuyển công cộng, tin học, chính sách khuyến khích đầu tư hấp dẫn, thị trường chứng khoán, hệ thống thuế thu nhập xí nghiệp, đơn giản hoá thủ tục đầu tư, thiết bị hiện đại hoá nhà thương, trường học, v.v.v..
Hệ thống đường xá và xa lộ - Hiện tại Việt Nam đã và sẽ thực hiện nhiều công trình nâng cấp hạ tầng cơ sở như hệ thống xa lộ cao tốc Bình Chánh-Trung Lương, Hà Nội-Hải phòng-Hạ Long, điện lực, cầu Lê Thánh Tôn vắt qua Thị  Nghè, hệ thống dẫn nước uống (drinking water-aqueduct) và chất thải (sewage) ở những thành phố lớn như Sài gòn, Hà Nội, Cần Thơ, đường ngầm thông qua Khánh Hội, vân vân... Ngòai ra ở Sài gòn có hệ thống xe bus trang bị máy lạnh với giá 8,000 đồng cho mỗi cuốc (one way ticket).
Tàu cao tốc - Tháng tư năm 2010 bộ Giao Thông và Vận Tải đang nghiên cứu kế hoạch xây tuyến đường tàu cao tốc từ Sài gòn đi Nha Trang và từ Hà Nội đi  Thành Phố Vinh. Cũng trong tháng này bộ trưởng Nhật Maehara đã tuyên bố với báo chí rằng Tokyo đang nghiên cứu việc trợ giúp tài chính cho Việt Nam để tiến hành dự án. Đổi lại các công ty Nhật Bản đang trông đợi tham gia xây dựng và chuyển giao công nghệ cho dự án này. Được biết thêm là các công ty hàng đầu Nhật Bản là Sumitomo, Mitsibishi Heavy Industries Ltd, Itochu và Kawasaki Heavy Industries Ltd đều có nguyện vọng tham gia dự án trên.
Metro sẽ được xây ở Sài gòn – Cộng đồng Âu châu đã cho Việt Nam vay 150 triệu euros, khoảng 200 triệu đô US, để xây dựng hệ thống xe điện ngầm tại Sàigòn. Hoạt động xây dưng tuyến đường dài 11.3 km dự kiến sẽ bắt đầu năm 2011 và sẽ đi vào hoạt động năm 2016. Hãng thông tấn Pháp trích lời ông Magdalena Alvarez Arza, Phó chủ tịch Ngân hàng Đầu tư Châu Âu, người đã ký kết thoả thuận này với bộ Tài chính Việt Nam tại Hà Nội, nói rằng dự án này sẽ giúp giảm tình trạng kẹt xe và các tác động của tình trạng biến đổi khí hậu. Theo ông Nguyễn Đỗ Lương, Trưởng ban quản lý đường sắt đô thị, thì tới năm 2020 thành phố Sài gòn sẽ có 7 tuyến đường tàu điện ngầm cũng như 3 tuyến đường sắt trên cao và xe điện ngầm với tổng chiều dài hơn 100km. Cũng theo ông Lương hệ thống này có thể sẽ lên đến 20 tỷ đô US. Với dân số tới 8 triệu người và phần lớn người dân đều sủ dụng xe gắn máy, các đường phố Sài gòn thường xuyên bị kẹt, tắc đường vào giờ cao điểm. [37]
Bệnh viện - Tháng 6 năm 2009 tôi có dịp đưa mẹ tôi vào bệnh viện Sùng Chính ở số 50 đường Nguyễn Trải để chửa trị bệnh phong thấp của bà. Đây là một trong những trung tâm chỉnh xương nổi tiếng của Sài gòn. Số bệnh nhân nằm lềnh khênh la liệt mất trật tự vượt quá khả năng của bệnh viện. Rất nhiều ca bệnh nhân bị tai nạn lưu thông vừa mới được chở vào phải nằm đau đớn rên rỉ ngoài hành lang mong chờ đến phiên mình…Nhìn họ mà lòng cảm thấy bùi ngùi đau đớn giùm họ. Tôi vào phòng khám và gặp vài BS chuyên gia thiện nguyện người Pháp – M. Robert Desgrippes và Mme Danièle Louria, đang về hưu đến bệnh viện để giúp đỡ và cố vấn chuyên gia Việt Nam về ngành chỉnh xương (Orthopedist). Tôi trao đổi rất nhiều với hai vị BS người Pháp này về tình trạng cấp tốc cần được cải tiến về lĩnh vực sức khoẻ tại Việt nam hiện nay. Hai vị ấy cho biết theo chương trình của họ là làm thiện nguyện cho hội “La Chaine d’espoir - Médecins sans Frontière” của Pháp và sẽ làm việc mỗi tuần tại bệnh viện chỉnh xương lớn như Sùng Chính, BV Cần Thơ, Hà Nội và Huế. May mắn thay đi đâu tôi cũng gặp những con người có trái tim quảng đại như hai vị  BS chuyên gia trên sẵn sàng giúp đỡ dân nghèo Việt Nam…Vì bệnh viện quá cũ kỷ cho nên sự sạch sẽ và vệ sinh là một vấn đề trầm trọng hiện nay tại Việt Nam. Ngoại trừ những bệnh viện hợp tác với nước ngoài hay hoàn toàn của nước ngoài như Franco-VietNamien Hospital ở Phú Mỹ Hưng là theo tiêu chuẩn quốc tế nhưng đa số dân cư trung bình hay nghèo đều không có khả năng đưa thân nhân vào những bệnh viện này… 
Điện lực - Vì vấn đề kinh doanh tăng trưởng nhanh hiện nay, cho nên nhu cầu điện lực đang được Việt Nam khai thác về mọi măt. Nhà máy điện gió Bạc Liêu (wind mill) đang được xây cất. Nhà máy điện gió Bạc Liêu được khởi công xây dựng đầu tháng 9 năm 2010 tại khu vực ven biển thuộc ấp Biển Đông A, xã Vĩnh Trạch Đông, thị xã Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu. Dự án được xây dựng trên diện tích 500 ha (sử dụng đất nuôi trồng thủy sản kém hiệu quả, ven biển), công suất thiết kế 99 MW, điện năng sản xuất 310 triệu KWh/năm. Dự án bao gồm nhiều hạng mục công trình xây dựng như lắp đặt 66 trụ tuốc-bin gió, công suất mỗi tuốc-bin gió là 1.5 MW, lắp đặt một trạm biến áp 22/110 KV và đường dây đấu nối với điện lưới quốc gia.
Dự án điện gió Bạc Liêu được áp dụng xây dựng công nghệ tiên tiến, gần gũi với môi trường, với trang thiết bị nhập từ các nước Đan Mạch, Đức, Mỹ.
Dự án có tổng mức đầu tư hơn 4,500 tỷ đồng VN, do Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại - Du lịch Công Lý (Cà Mau) làm chủ đầu tư, đơn vị tư vấn thiết kế là Công ty Cổ phần Phát triển kỹ thuật xây dựng TDC (Hà Nội), thời gian xây dựng là 36 tháng.
Điện nguyên tử - Cũng trong 7 tháng 9 năm 2010 Tập đoàn NWT Uranium, Toronto of Canada cho biết hai bên đã ký Bản Ghi Nhớ (Memorandum of Understanding MOU) cho phép tập đoàn này tham gia vào mọi lãnh vực liên quan đến việc khai thác và định lượng kỹ thuật kinh tế của quặng Uranium cho ngành năng lượng nguyên tử tại Việt Nam. Các hoạt động liên quan đến chương trình nguyên tử của Việt Nam hiện đang thu hút sự chú ý của báo chí và dư luận quốc tế về góc độ chính trị lẫn kỹ thuật. Đầu tiên là Hoa kỳ và sau đó Nga Nhật và Pháp cùng đầu tư vào các dự án phát triển nhiều nhà máy điện nguyên tử ở Việt Nam trong hai thập niên tới. Theo nguồn tin từ báo Anh Quốc cho biết là Việt nam cho hãng Rosatom Nga hợp đồng xây dựng nhà máy điện hạt nhân mà không cho biết nguyên do. Họ cũng nhấn mạnh rằng Nga và Mỹ đang cạnh tranh nhau về ảnh hưởng qua việc bán công nghệ điện nguyên tử cho Việt Nam. Quan hệ hợp tác Mỹ-Việt về nguyên tử được một số nhà bình luận cho là cả Ấn độ và Trung Quốc quan tâm không ít. [20]
Ngày 23 tháng 6 năm 2010 Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt định hướng quy hoạch phát triển điện hạt nhân từ nay đến năm 2030.
Theo quy hoạch, mục tiêu phát triển điện hạt nhân được chia thành 3 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 đến năm 2015 sẽ hoàn thành phê duyệt dự án đầu tư, phê duyệt địa điểm, tổ chức lựa chọn nhà thầu, chuẩn bị đội ngũ cán bộ quản lý dự án và các chuyên gia kỹ thuật nòng cốt đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ khởi công xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên. Trong giai đoạn này sẽ tiến hành xây dựng các cơ chế, chính sách thúc đẩy và chuẩn bị năng lực cho các ngành công nghiệp trong nước tham gia cung cấp vật tư, thiết bị, xây dựng, lắp đặt, quản lý dự án, giám sát và kiểm tra chất lượng nhà máy điện hạt nhân. Hoàn tất việc chuẩn bị địa điểm cho khởi công xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên.
Giai đoạn 2 là từ năm 2015 đến 2020 với mục tiêu đặt ra là hoàn thành việc xây dựng và đưa tổ máy đầu tiên của Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 vào vận hành phát điện thương mại năm 2020, tổ máy 2 vào vận hành năm 2021. Đồng thời, khởi công xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 và tiến hành công tác chuẩn bị địa điểm cho việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân tiếp theo.
Giai đoạn thứ 3 là từ 2020 đến năm 2030 với việc triển khai xây dựng các nhà máy điện hạt nhân tiếp theo, đưa điện hạt nhân thành một trong những nguồn năng lượng chủ lực của đất nước.
Đây cũng là giai đoạn Việt Nam phấn đấu tự làm chủ được công nghệ thiết kế nhà máy điện hạt nhân và có khả năng tham gia thiết kế cùng với đối tác nước ngoài; các ngành công nghiệp trong nước tham gia vào các công trình nhà máy điện hạt nhân với giá trị hợp đồng chiếm từ 30 - 40% tổng giá trị xây lắp công trình.
Cũng theo định hướng trong quy hoạch, đến năm 2020, tổ máy điện hạt nhân đầu tiên với công suất khoảng 1,000 MW sẽ đi vào vận hành. Đến năm 2025, tổng công suất các nhà máy điện hạt nhân khoảng 8,000 MW và sẽ tăng lên 15,000 MW vào năm 2030 (chiếm khoảng 10% tổng công suất nguồn điện).
Về địa điểm xây dựng, định hướng quy hoạch dự kiến 8 địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại 5 tỉnh: Ninh Thuận, Bình Định, Phú Yên, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, mỗi địa điểm có khả năng xây dựng từ 4 - 6 tổ máy điện hạt nhân. .[36]
Tuy nhiên sau cuộc sóng thần xãy ra bên Nhật tháng 3 năm 2011 đã làm tê liệt tiền năng của 4 lò phát điện Nguyên tử Fukushima, giới khoa học và chính trị bắt đầu bàn tán xôi nổi về kế hoạch xây lò điện nguyên tử với khả năng bảo đãm và duy trì sự an toàn hạt nhân để đề phòng chống phóng xạ nếu sự cố xãy ra tại Việt Nam.. .[38]

Nhiệt Điện Kiên Lương-Rạch Giá
Hôm 10/12/2008, Tập đoàn Tân Tạo (ITA Group) tổ chức mời thầu cạnh tranh cho Trung tâm Điện lực và Cảng biển Kiên Lương. Giai đoạn 1 của dự án sẽ do Tập đoàn Tân Tạo làm chủ đầu tư. Dự kiến tổng vốn đầu tư cho giai đoạn 1 của dự án này là 2.5 tỷ USD. Tổng vốn đầu tư cho cả ba giai đoạn dự kiến vào khoảng 6 tỷ USD. Trung tâm Nhiệt điện và Cảng biển Kiên Lương là dự án về nhiệt điện lớn nhất tại Việt Nam do doanh nghiệp tư nhân, ngoài quốc doanh đầu tiên được Thủ tướng giao phó trọng trách làm chủ đầu tư. Toàn bộ dự án sẽ được thực hiện theo 3 giai đoạn, từ năm 2009 đến 2018. Trong đó Trung tâm Nhiệt điện sẽ có công suất 4,400 MW. Giai đoạn 1 và 2 của trung tâm đều có 2 tổ máy công suất 600 MW, giai đoạn 3 thêm 2 tổ máy công suất 1,000 MW. Vị trí đặt nhà máy này tại ấp Ba Hòn, huyện Kiên Lương (tỉnh Kiên Giang) có phía nam giáp nhà máy xi măng Holcim, phía đông giáp kênh Chùa và khu di tích núi Mo So, phía bắc giáp khu hành chính và dân cư huyện Kiên Lương và phía nam giáp biển.[22]
                    iii.      Thị trường chứng khoán
Tôi vẫn còn nhớ mang máng là phiên giao dịch đầu tiên diễn ra khoảng tháng 7 năm 2000, lúc ấy thị trường cổ phiếu còn rất thô sơ nhưng đã là tiêu điểm thu hút sự chú ý của đông đảo công chúng đầu tư.
Mặc dù chỉ có một số lượng nhỏ cổ phiếu của Công ty Cổ phần Cáp và Vật liệu viễn thông (SAM) và cổ phiếu của Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (REE), nhưng tại các sàn giao dịch của các công ty chứng khoán, lệnh đặt mua cổ phiếu REE và SAM vẫn liên tục được nhập vào hệ thống giao dịch.
Với tổng khối lượng đặt mua cho hai loại cổ phiếu này là 355,000 cổ phiếu trong khi số lượng chào bán chỉ giới hạn ở con số 4,200 cổ phiếu, phiên giao dịch đầu tiên đã diễn ra suôn sẻ nhưng kết thúc với tổng giá trị giao dịch quá khiêm tốn: 70.4 triệu đồng.
          Cho dù trải qua những thời kỳ thăng trầm, mười năm qua thị trường chứng khoán Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ về quy mô cũng như chất lượng. Từ chỗ sử dụng công nghệ giao dịch bán tự động với hình thức đại diện giao dịch tại sàn, hiện nay cả hai sở đều thực hiện giao dịch điện tử hóa hoàn toàn dưới hình thức kết nối và giao dịch trực tuyến.
          Về quy mô, từ vài công ty niêm yết trong những ngày đầu tiên, đến nay, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có 576 công ty niêm yết, bốn chứng chỉ quỹ, 612 trái phiếu, 105 công ty chứng khoán, 46 công ty quản lý quỹ, tám ngân hàng lưu ký, gần 900,000 tài khoản đầu tư; trong đó có trên 14,000 nhà đầu tư nước ngoài.
          So với những nước tân tiến thì thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn xếp vào hạng “ấu trĩ”, cộng với biến cố kinh tế từ 2008 đã ảnh hưởng không ít thì nhiều cho tất cả thị trường chứng khoán trên thế giới và Việt Nam.
Hiện nay dư luận quốc nội có rất nhiều bàn cãi về thị trường chứng khoán Việt Nam về vấn đề “Fair trade”, việc đánh thuế lợi tức trên tiền lời, “trade regulation”, người đầu tư còn nhiều lo ngại về tính minh bạch trong định giá tài sản. Ông Kevin Snowball, Giám đốc Công ty Quản lý tài sản PXP Assest Management Việt Nam, cho rằng: “Việc định giá các công ty lớn ở Châu Á khiến nhiều nhà đầu tư lưỡng lự khi tham gia thị trường này. Chính sự lo ngại này đã chuyển luồng vốn đầu tư này vào một số thị trường khác được kiểm toán chặt chẽ hơn như các công ty tại Nga và Trung Quốc.
Một đại biểu từ Indochina Capital, ông Thomas Ngô cũng tỏ ra ái ngại về việc định giá cổ phần hóa các công ty lớn của nhà nước như VinaPhone, MobiFone, Sacombank... bởi vì nhiều doanh nghiệp sở hữu một lượng tài sản khổng lồ nhưng khi định giá thì giá trị lại thấp hơn nhiều lần so với giá trị thực. Mục đích của họ là nhằm mua được cổ phiếu của công ty khi phát hành lần đầu tiên với mức thấp. Việc bưng bít thông tin là một trong những yếu tố khiến nhà đầu tư nước ngoài rất e ngại. Việc làm này khiến tài sản nhà nước bị thất thoát vào tay một vài cá nhân và thị trường chứng khoán sẽ phát triển thiếu minh bạch. [16]
Hiện nay thị trường cổ phiếu chủ yếu dựa vào các công ty nội địa. Như vậy cần thúc đẩy công nghiệp góp vốn nước ngoài vào thị trường chứng khoán nhằm khuyến khích sự cạnh tranh và phát triển công nghệ tư nhân.
          Vài thống kê mới nhất cho biết vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam về bất động sản chiếm 34% trong khi đó 10% thuộc khu vực dầu mỏ và công nghiệp đóng góp 36% năm 2007. [15]

c.     Malaysia – nhìn xứ người để xét lại mình
Đầu tháng 6 năm 2009 tôi cùng gia đình làm một chuyến tham quan Kuala Lumpur để biết xứ láng giềng nằm 400 km phía nam mủi Cà Mau. Xuống phi trường Kuala Lumpur International Airport (KKIA) tôi mới có dịp nhìn thấy rõ và kỹ hơn cái tầm vóc đồ sộ của KKIA. Tôi đã nhiều lần đi qua những phi trường lớn như Charles-de-Gaules, Heathrow, Manila, Los Angeles, Chicago, New York JFK, San Francisco, Frankfurt, Schipholt  Holland, Pearson Toronto, Hong Kong, Hartsfield-Jackson Atlanta, etc…nhưng tôi bị choáng voáng về tầm vóc của phi trường này. KKIA được xem  như phi trường lớn và hiện đại nhất Đông Nam Á, có khả năng tiếp từ 25 đến 50 triệu du khách mỗi năm. Kiến trúc độc đáo của phi trường làm nhiều người kinh ngạc khi thấy lần đầu tiên.
Cô hướng dẫn viên xinh xắn người Malaysia nói tiếng Việt lưu loát tiếp đón chúng tôi tại phi trường, rồi đưa chúng tôi về thủ đô Kuala Lumpur 70 km ở phía nam. Hệ thống xa lộ cao tốc rất tối tân đến nỗi chúng tôi có cảm tưởng là mình đang đi trên xa lộ ở Orange County, Mỹ. Hai bên xa lộ toàn là rừng cây (oil palm và Jatropha curcas, soybeans) để làm dầu ăn và dầu cặn bio-diesel.  Chính phủ xứ này rất chú trọng đến vấn đề phát triển đường xá như họ đã hoàn thành 60,000 km đường tráng nhựa, cộng với hệ thống xe điện hàng không (skytrain) tự động không người lái dài 29 km nối liền vùng ngoại ô đông tây. Đường xá trong phố được duy trì rất sạch sẽ. Tôi chỉ có một mối phiền toái về lương thực khi tham quan 3 ngày ở Kuala Lumpur. Malaysia là một nước hổn hợp với nhiều giống dân – Ấn và Hồi giáo chiếm đa số. Người Ấn không ăn bò trong khi người Hồi không ăn heo. Vì thế để thoả mãn đại đa số, nhà hàng chỉ phục vụ cá, chim, trứng, đồ biển, rau cải đủ loại, vân vân...
Nhằm mục đích tiến nhanh vào thế kỷ 21 Malaysia đã chính thức khánh thành Siêu Hành lang Thông tin đa dạng (Multimedia Super Corridor - MSC) năm 1999. Hệ thống MSC này nối liền các đại học, những cơ quan chính phủ, xí nghiệp tư và công như Petronas, vân.vân...bằng cáp quang (fiber optic cable). Họ cũng đã mở một đại học Thông tin đa dạng (Multimedia University) để chuyên ngành về tin học. Hệ thống MSC này nối liền 250 xí nghiệp kinh doanh và cơ quan chính phủ khác nhau – sản xuất phần cứng (hardware), phần mềm (software), telemedicine, smartschool, electronic government, etc... Nhiều công ty ngoại quốc lớn đã đầu tư vào Malaysia để trở thành thành viên của hệ thống MSC này như – Microsoft, Oracle, Nippon Telephone and Telegraph, Microsystems, Fujitsu, British Telecom… để thí nghiệm sáng kiến mới trong kỹ thuật tin học với hệ thống MSC này.
Nước Malaysia giành độc lập năm 1957 từ nước Anh mà không đổ một giọt máu. Trái lại nước họ phát triển nhanh từ một nước nông nghiệp chậm tiến hơn Việt Nam. Giờ đây họ đang dẫn đầu thế giới về sản xuất semi conductors, cao su, dầu hỏa và dầu cặn bio-diesel từ palm oil, sản xuất xe 4 bánh nhỏ và có hệ thống siêu hành lang thông tin đa dạng....Trong khi nước Việt Nam chúng ta giành độc lập từ tay người Pháp năm 1954 và cũng từ đó mấy triệu người đã hy sinh và tài nguyên bị tàn phá vì chiến tranh. Bi kịch lớn của dân tộc Việt Nam là ở chỗ cuộc chiến tranh “huynh đệ tương tàn” đã tốn bao núi xương, sông máu của dân tộc Việt Nam cả nước nhằm huỷ diệt một chế độ đa đảng, phần nào dân chủ tự do và một nền kinh tế thị trường tồn tại ở miền Nam trước năm 1975, mà giờ đây dân tộc Việt Nam phải đấu tranh để được đi lại đúng con đường này...Ảnh hưởng tai hại của cuộc chiến tranh ấy vẫn còn gây hận thù trong lòng hàng triệu người tị nạn và cựu chiến binh QLVNCH...

d.    Tương lai Việt Nam – nhìn lại quê hương tôi sau 50 năm…
Khi về lại Sài gòn năm ấy, tôi cảm thấy rất hài lòng về những tiến triển càng ngày càng đổi mới của Việt Nam so với năm 1989, lần đầu tiên tôi về thăm quê hương. Có rất nhiều phát triển về mọi phương diện – xây dựng địa ốc, rất nhiều đầu tư nước ngoài, thị trường chứng khoán, khu du lịch sang trọng và sinh thái  mọc lên như nấm, café miệt vườn và siêu thị sang trọng mọc lên nhan nhản,  xa lộ số 1A được nới rộng với 4 lằn (lanes) tráng nhựa khá tốt, xa lộ cao tốc Bình Chánh-Trung Lương vừa được khánh thành cùng với cầu Cần Thơ và Mỹ Thuận, vùng đồng bằng sông Cửu Long dân quê làm ruộng ba mùa, dân tình có mức sống khấm khá hơn và họ thay xe đạp ngày xưa bằng xe Honda 2 bánh hay xe 4 bánh nhiều hơn. Sách vở báo chí được in bằng giấy trắng tốt với phẩm chất quốc tế. Truyền hình có 24 tiếng với 3 ngôn ngữ Việt Anh và Pháp. Về lĩnh vực văn hoá thì ngày nay có nhiều nghệ sĩ ưu tú diễn kịch xuất sắc và nghệ thuật phim truyện tiến bộ rất nhiều so với trước năm 1975. Nếu so sánh với những xứ láng giềng gần như Malaysia và Thái Lan thì Việt Nam chúng ta còn rất nhiều điều để sửa đổi hầu mong bắt kịp những xứ láng giềng này trong tương lai gần.
Tuy nhiên, sự lịch lãm phần lớn của dân Việt Nam vẫn còn rất “ấu trĩ”. Đi vào những nơi đông đúc như cinéma, hội chợ hay lên xe bus thì dân tình vẫn còn thói quen chen chúc để dành vào trước mà không cần biết phép lịch sự là gì. Người ngoại quốc chưa quen với lối sống tạp nhạp kém văn minh như thế, nhất là xã rác ngoài đường một cách vô trách nhiệm. Mùa hè năm 2010 tôi có dịp đi thăm Bahamas, một xứ thuộc địa nhỏ dân da đen bị đô hộ bởi Anh quốc khá lâu. Ngày nay nước họ được độc lập khá trù phú, dân tình rất lịch sự khi gặp khách du lịch, nhà vệ sinh công cộng thật sạch sẽ là điều làm cho người du khách rất ngạc nhiên. Mặc dù người Anh nổi tiếng là kỳ thị chủng tộc và phớt tỉnh, nhưng họ đã có tài đã đem ảnh hưởng một sự văn minh không thể nào ngờ được cho một dân tộc da đen như Bahamian và Malaysian. Nhìn người mà cảm thấy buồn tủi cho một dân tộc có gần 5,000 năm văn hiến như Việt Nam chúng ta đến bao giờ mới có một nền văn minh như thế giới hiện nay.
Dựa theo tuyên bố ngày 27/8/2010 tại Đà Nẵng, nhân cuộc họp các bộ trưởng kinh tế ASEAN với các đối tác, ông Karel De Gucht, ủy viên thương mại châu Âu cho biết Liên hiệp châu Âu hy vọng sẽ ký hiệp định tự do mậu dịch với Singapore trước cuối năm tới, và sẽ sớm đàm phán với các nước Đông Nam Á khác. Ủy viên thương mại châu Âu nói thêm là các cuộc đàm phán chính thức với Việt Nam có thể bắt đầu trước cuối năm nay và đàm phán với các nước khác trong ASEAN sẽ diễn ra trong những tháng sau đó.
Tuy nhiên để theo kịp mức độ tiến triển của những xứ láng giềng, và việc hội nhập Thị trường Tự Do Mậu Dịch của khối ASEAN năm 2015 ( Âu châu đang điều đình để đề nghị cho Việt Nam vào khối Tự Do Mậu Dịch Âu Châu vào cuối năm 2010), những sửa đổi/khúc mắc cần thiết được thực hiện để giúp Việt Nam phát triển từ đó có thể cạnh tranh một cách hữu hiệu với các nước thành viên khối Tự Do Mậu Dịch:
·       Nâng cao phẩm chất hàng xuất khẩu – gạo, quần áo, giầy dép, cao su, càfé, trà, bia, đồ ăn đóng hộp, thuỷ hải sản…để xuất sang Mỹ, Nhật và Trung quốc (đây là 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt nam). Muốn tăng trưởng kinh tế chúng ta cần đẩy mạnh xuất khẩu và giảm nhập khẩu. Một trong những vấn đề sống còn của xuất khẩu là mang lại ngoại tệ về cho Việt nam vì thế ngân hàng Việt nam cần mua và dự trử nhiều ngoại tệ để giúp ngành xuất khẩu.
·       Ổn định thuế xuất khẩu than đá và nguyên liệu – dầu thô và khí đốt.
·       Khai thác lực lượng nhân công rẻ để thu hút đầu tư nước ngoài với nền luật pháp đảm bảo công bằng.
·       Phát triển công nghệ phụ trợ (linh kiện) – chip, vật liệu phụ tùng lắp ráp xe hơi, máy vi tính, điện tử, xe scooters, motor, vvv… để giúp hàng Việt nam xuất rẻ hơn thay vì nhập tất cả. Hiện nay có nhiều hãng lớn của tư vào Việt Nam. Phải có chính sách khuyến khích cụ thể các công ty thế giới như TNT, Fujitsu, Canon, LG, SK Telecom, Intel, IBM,... đã đầu tư vào Việt Nam. Phải có chính sách khuyến khích cụ thể các công ty con  hợp tác với các tập đoàn và như vậy sẽ tăng phẩm chất và dễ thành công hơn...
·       Mặc dù hiện nay đã có nhiều tiến triển về hạ tầng giao thông vận tải – đường sá, đường sắt, phi trường TSN và Nội Bài, bến cảng Sài gòn, đường xa lộ cao tốc, v.v.v. đã được phát triển rộng lớn để thúc đẩy giao thông hàng hoá dễ dàng hơn .Nhưng chính phủ cần có một kế hoạch và dự định lâu dài về urbanism (tạm dịch thành thị hóa) để giải quyết vấn đề giao thông ứ động và tắt nghẽn tại những thành phố lớn cộng với việc ô nhiễm môi trường.
·       Tân tiến hoá kỹ nghệ sản xuất tiêu chuẩn (raw material) như giấy, than, mỏ, hàng may mặc vải vóc…
·       Vị trí địa lý của Việt Nam rất thuận lợi để sản xuất và xuất khẩu ra nước ngoài.
·       Khuyến khích tăng dịch vụ – ngân hàng, bảo hiểm, thị trường chứng khoán.Tạo sự dễ dàng cho dịch vụ chuyển ngân quỹ ra và vào Việt Nam.
·       Giải quyết vướng mắc trong việc thi hành Luật Đầu tư (FDI) hiện đang là chủ để nóng tại VN vì Việt Nam bị xếp hạng thấp bởi các tổ chức quốc tế. Năm 1990 tôi về Việt Nam và quen một anh bạn người Sin (Singapore). Anh ta mất mấy tháng ròng rã ở Việt Nam để làm những thủ tục rườm rà hầu có thể xây vài chục căn hộ cao cấp gần chợ An-Đông.
Một kết quả nghiên cứu năm 2008 cho thấy để tiến hành một dự án đầu tư tại Việt Nam, tính trung bình nhà đầu tư phải trải qua 234 giai đoạn khác nhau với 48 thủ tục chính thức. Nhà đầu tư mất trung bình 413 ngày để hoàn tất các thủ tục, cũng như phải tiến hành 65 lần gặp gỡ các cơ quan có thẩm quyền. Đây là điều không thể chấp nhận trên thị trường quốc tế. [15]
Nhà nước Việt nam còn chậm trễ trong vấn đề thủ tục hành chánh rườm rà. Đã có nhiều trường hợp thủ tục hành chánh được sửa đổi bãi bỏ theo hướng đơn giản nhưng sau một thời gian lại chuyển biến sang hình thức khác tiếp tục gây khó khăn cho người dân và xí nghiệp.
·       Chính sách hiệu quả để kiểm soát và ngăn chận lạm phát gia tăng. Mục tiêu chính của chính phủ hiện nay là chống lạm phát và ổn định giá cả trong đó xăng dầu và than đốt có ảnh hưởng mạnh kinh tế mọi nghành – công nghiệp, nông nghiệp, chuyên chở và vận tải, vân vân...
·       Kiểm soát việc ô nhiểm môi trường. Năm 2008 nhiều công ty nước ngoài như Vedan và Hyundai Vinashin đã vi phạm các qui định về  ô nhiểm môi trường (environment protection – pollution) vì họ thải chất thải trực tiếp xuống sông Thị Vải thuộc các tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng tàu. Mặc dù Việt Nam đã có luật Môi trường với nhiều điều khoản ngặt nghèo được ban hành nhưng các chủ xí nghiệp lớn này vẫn cho rằng còn rất lâu Luật mới có thể đi vào cuộc sống đúng như tinh thần của nó. Thiết nghĩ, chính quyền cần xét lại các luật về đầu tư với nhiều quan tâm hơn và đội ngũ kiểm tra môi trường cần phải nghiêm khắc hơn...
·       Nâng cao trình độ dân trí – đầu tư vào giáo dục thực tiễn dài hạn để có thể tăng chất lượng. Đại học ở Việt Nam chú trọng đến lý thuyết, ít đặt trọng tâm trên phần thực hành nên phần đông sinh viên ra trường không đủ khả năng thích ứng với kỹ thuật cao như trường hợp Intel tuyển nhân viên kỹ thuật Việt Nam năm 2006. Chính phủ cần có chính sách ưu đãi và thu hút chất xám của Việt kiều về hưu hồi hương để giúp đỡ chuyển giao kiến thức. Hiện Bắc Mỹ có 2 hiệp hội tư nhân gồm những Việt kiều trí thức về hưu và thiện nguyện đang có những chương trình và hoạt động cụ thể để trao đổi kiến thức và giúp đỡ  những đại học ở Việt Nam như Canada-VietNam Education Network (CVEN) và VietNam Education Foundation (VEF) bên Mỹ. Nhóm CVEN đã gửi một số cựu giáo sư đại học về dạy ở ĐH Trà-Vinh và Tôn Đức Thắng University bằng tiếng Anh..
Dựa theo những thống kê của World Bank và IMF năm 2009, tổng sản lượng sản xuất (GDP) của Việt Nam là 91 tỉ US so với 191 tỉ US của Malaysia và 14,800 tỉ US của Mỹ. Theo tôi nếu làm một bài toán đơn giản thì có thể từ 15 đến 17 năm nữa với đà tiến triển từ 5% đến 7% tổng sản lượng sản xuất (GDP growth rate) Việt Nam sẽ phát triển bằng Malaysia (hiện thời đang thoái hoá từ -1 đến -2%% GDP growth rate).
Hơn thế nữa một phần nhờ những kế hoạch của chính phủ, một phần nhờ vào lợi thế Việt Nam đã trở thành một trong những số ít nền kinh tế phát triển nhanh nhất trên thế giới. Với đà phát triển như trên, Việt Nam rất có khả năng tiến nhanh hơn trong tương lai, nếu những khúc mắc nêu trên được hoàn thiện. Cộng với thế hệ trẻ đầy năng lực, tinh thần hiếu học, cần cù trong lao động và nhiệt tâm muốn xây dựng lại đất nước. Lợi điểm khác của Việt Nam so với những nước láng giềng là nhân công rẻ và có đầy khả năng, nhiều chất xám, nhiều tài nguyên – dầu thô và khí đốt, mỏ khoán – than đá, bauxite và sắt, gạo, hải sản, nguồn nhân lực đông, vị trí địa lý thuận lợi để xuất khẩu hàng hoá chế biến, đồng tiền còn giá trị thấp và thế hệ trẻ với lòng nhiệt thành muốn đất nước phát triển.
Hãy nhìn một nước Nhật Bản sau đệ nhị thế chiến, đất nước bị tàn phá và kinh tế kiệt quệ. Nhưng họ có chủ trương và quyết tâm để xây dựng lại đất nước, họ có chính sách ưu đãi những sinh viên sang ngoại quốc du-học và lớp trẻ trở về quê hương hàn gắn lại vết thương cũ gây ra bởi chiến tranh mà họ đã gánh phải....Âu đây cũng là trách nhiệm của tất cả người Việt quan tâm đến vận mệnh dân tộc, có bổn phận đóng góp, không nhỏ thì lớn vào sự thành công kinh tế tương lai của quê hương Việt Nam yêu dấu...
Tôi hy vọng được sống lâu hơn để được nhìn thấy sự tiến triển của Việt Nam và đạt được nền văn minh như những láng giềng Malaysia và Thái Lan....
Việt Nam dù đi xa nơi đâu nhưng trong lòng chúng ta ai cũng nhớ, tuy trải qua bao thăng trầm, nhưng hy vọng tương lai rồi sẽ tốt đẹp hơn tiến xa hơn những gì chúng ta đã đánh mất, để được ngang tầm với bạn bè năm châu trên thế giới.

Ngày ấy đâu rồi, ngày ấy đâu rồi?
Cho tôi tìm lại một ngày ấu thơ.
Cho tôi tìm lại, cho tôi một ngày.
Ngày ấy đâu rồi?
Cho tôi tìm lại một ngày ấu thơ.
Nhưng câu chuyện cổ, mẹ kể năm nào.
Cho tôi được nhìn một Việt Nam tiến bộ
Ngang hàng với anh em năm Châu bốn bể.


Nguyễn Hồng Phúc – Sưu tầm & Nghiên Cứu
Montréal Canada
Tân Mão 2011
-----------------------------------------oOo--------------------------------------
Tài liệu tham khảo/Reference Documents:

1.               Đôi dòng ghi nhớ - Đại tá Phạm Bá Hoa – Houston, Texas
2.               Gián điệp Nhị Trùng – Trần Trung Quân – Nhà xuất bản Nam Á 44 ave d’Ivry 75013 Paris
3.               Les Guerres du Việt Nam – Général Trần Văn Đôn, Vertiges Publications avril 1985
4.               Mémoires de Richard Nixon – Stanké – 1978 page 641
5.               Williams Richard Nixon’s tough assessment – Times edition 15-4-1980
6.               khudothimoi.com/khudothimoi/cantho.html
7.               http://countrystudies.us/vietnam/. Ronald J. Cima, ed. Vietnam: A Country Study. Washington: GPO for the Library of Congress, 1987.
8.               http://en.wikipedia.org/wiki/Vietnam_War. Library of Congress Federal Research Division (December 1987). This article incorporates text from this source, which is in the public domain.
9.               Việt Nam Máu Lửa Quê Hương Tôi – Hoành Linh Đỗ Mậu. Hoa Kỳ 1987 – p1022 “No more VietNam
10.           In the Jaws of History – Gọng Kìm Lịch Sử – Bùi Diễm. Cơ sở xuất bản Phạm Quang Khai 2000.
11.           Báo Phoenix (Phượng Hoàng Hong Kong edition August 12, 2010)
12.           Chiến sử Quân sự Việt Nam Cộng Hoà – Phạm Phong Dinh – Winnipeg, CA 2009
13.           http://vi.wikipedia.org/wiki/Kinh_t%E1%BA%BF_Vi%E1%BB%87t_Nam
14.           Phố Việt p 43 Edition Aug 01,2010
15.           Doanh Nghiệp Đầu Tư Nước Ngoài – số 27 tháng 8 năm 2008
16.           http://www.tin247.com/khong_ca%CC%80n_ca%CC%81c_bie%CC%A3n_pha%CC%81p_ha%CC%A3n_che%CC%81_ttck_ne%CC%81u_du%CC%89_nguo%CC%80n_cung-3-165897.html
17.           Tư vấn Tiêu & Dùng số 5 5/3/2008 , p 30
18.           VnEconomy – số 16/July/2010 – Từ Nguyên
19.           VnEconomy – số 10/September/2010 – Nguyên Khánh
20.           Báo Ánh Nắng Montréal Canada ngày 10-09-2010
21.           VnEconomy – số 6/September/2010 – Từ Nguyên
22.           http://vneconomy.vn/20081210101813127P0C10/chao-thau-du-an-nhiet-dien-ngoai-quoc-doanh-lon-nhat-viet-nam.htm. Đức Thọ
23.           http://vneconomy.vn/20100831105854726P0C17/cong-bo-quy-hoach-khu-vuc-xay-toa-nha-102-tang.htm – Từ Nguyên
24.           The Economist – edition September 15 2010
25.           http://vneconomy.vn/2010092810353437P0C10/xuat-khau-thuy-san-huong-toi-kim-ngach-89-ty-usd.htm. Y Nhung
26.           Robert S. McNamara “Nhìn lại Quá Khứ - Tấm Thảm Kịch và Những Bài Học về Việt Nam”. Nhà XB Chính Trị Quốc Gia. Hà Nội 1995
27.           http://vneconomy.vn/20100505101630879P0C5/dau-khi-da-di-bang-hai-chan.htm
28.           http://vneconomy.vn/2010031708138874P0C5/viet-nam-co-to-hop-dau-khi-tu-nhan-dau-tien.htm
29.           http://vneconomy.vn/20100910011646567P0C9920/thay-them-50-trieu-tan-quang-o-mo-dong-sin-quyen.htm
30.           Tuần báo Việt Nam Tự Do số 10 ngày 28 tháng 6 năm 1980. Page 4 & 5, Orange County. TS Luật khoa ĐH Paris Nguyễn Ngọc Huy
31.           Lịch sử Việt Nam – Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn, Lương Ninh. Nhà Xuất Bản Chuyên Nghiệp Hà Nội 1991
32.           Những Ngày Cuối Cùng của VNCH – Nguyễn Khắc Ngữ, Montreal Canada 1979 trang 417-422.
33.           Báo Ánh Nắng Montréal Canada ngày 29-10-2010 trang 22
34.           http://vneconomy.vn/20101016115220498P19C9915/may-phat-dien-turbin-gio-lan-dau-tien-duoc-san-xuat-trong-nuoc.htm
35.           http://vneconomy.vn/2010102604564792P0C10/da-ky-hop-dong-xuat-khau-gao-vuot-ke-hoach-ca-nam.htm
36.           http://vneconomy.vn/20100622105840729P0C9920/quy-hoach-8-dia-diem-xay-nha-may-dien-hat-nhan.htm
37.           Thời Báo Montreal ngày 11 tháng 12 , 2010 trang 22
38.           Sài gòn Nhỏ Montreal ngày 8 tháng 4, 2011 trang A8 – VN nên ngừng chương trình Điện hạt nhân - Nguyễn Khắc Nhẫn TS ĐH Khoa học Grenoble, France

Ý kiến bạn hữu:

Hi Phúc,
Bài rất hay qua những sưu tầm em đã ghi chép lại thật rành mạch
Đọc bài này em giúp anh nhìn lại những hoạt cảnh xưa và nay trong nước
với những kiến trúc mới và những sinh hoạt khác nhau về ngành công nghệ cũng như kỹ thuật tân tiến như xe điện cao tốc đi từ Nha-trang ra Hà-nội qua phố Vinh
làm anh nhớ lại xe điện cao tốc bên Paris lúc anh chị đi chu du Âu Châu vào
năm 2004 . Sáng tờ mờ 5:00am thì taxi đến hotel ở quận 13 rước anh chị xuống
ga xe lửa để đi thăm quan các quốc gia cảnh nước Pháp (sáng đi chiều về khoảng
12 giờ đêm để nghỉ lưng bên hotel) rồi ngày hôm sau lại đi tiếp nước khác.
Phi trường Charles để Gaulle và Orly luôn tấp nập du khách đến từ mọi nơi.
Khu Phú Mỹ Hưng (quận 7) là nhà của con gái vợ của Ân (em anh) được xem
là khu mới kiến thiết, nhà cửa nghe nói cũng mắc không kém...
Dân tình cũng chụp giựt và không còn tình nghĩa khi họ xem mình là Việt Kiều
hồi hương dù là ruột thịt....nên anh không có ý định trở về dù còn mẹ và các em
bên đó. Bravo cho bài viết của em rất có chất lượng và đầy đủ chi tiết, hay lắm. Đầu tháng 7 anh chị đi Cali và cuối tháng 8 thì đi Úc vừa về và chuẩn bị đi Nhật bổn vào đầu năm tới. Chừng nào em về hưu ?  (55 tuổi chăng) anh còn 1 năm nữa thì cũng chuẩn bị là vừa....Vài hàng thăm hai em và các cháu....

Thân, 
Anh Vũ Tất Thắng
Montréal Canada


Anh Phúc,
Tôi đã đọc bài nháp dài của anh.
Bài chứa rất nhiều thông tin, và là những thông tin khá chuyên môn về nhiều lãnh vực khác nhau (chính trị, kinh tế, kỹ thuật....)
Tôi rất phục công trình này của anh vì tôi biết anh đã bỏ nhiều tâm huyết vào đó.
Rất nhiều chi tiết liên quan tới những lãnh vực anh viết, tôi không biết, thành thử bài này cho tôi cái nhìn khá rõ nét về những biến chuyển, những công trình mới tại VN bây giờ. Cám ơn anh Phúc.
Về mặt chính trị, đúng như anh nói, bài này không nghiêng về phía bên nào! Tuy nhiên, với chính quyền VN bây giờ, một số sự thật họ không muốn nói lên, nên có thể bài của anh, hay ít ra một số đoạn bài của anh, họ sẽ xem như phản động!
Ngoài ra, như đã nói trên, tôi không biết nhiều về những đề tài anh nói, nên không thể phê bình. Nhưng có một chi tiết nhỏ, tình cờ tôi biết, và không giống như anh đã viết.
"Khi tham quan Thủy cung Vinpearl du khách sẽ được di chuyển bằng thang cuốn trong một đường hầm dưới đáy biển được thiết kế rất công phu để tạo cảm giác hấp dẩn, kỳ bí. Hai bên đường hầm có trưng bày rất nhiều loài cá đẹp, hiếm và lạ mắt nhập về từ nhiều nước. Công trình này không những chỉ thu hút du khách với lợi nhuận cao mà còn muốn tạo ra một nơi mà mọi tầng lớp có thể đến tham quan và vui chơi."
Trong thực tế Không có thang cuốn.
Thủy cung này xây dựng trong đất liền, trên hòn đảo, chứ không phải "trong một đường hầm dưới đáy biển"
Thực ra người nghèo khó có thể đi thăm thủy cung này, vì giá vé vào cửa không rẻ (300,000/ người ).
Khi sửa bài, anh nên lưu ý tới chi tiết này, vì  những điều tôi nói là chính xác.
Ngoài ra co một số lỗi "hỏi ngã" mà anh vô tình không để ý hoặc viết nhanh chưa sửa, nên điều chỉnh lại.
Trong đoạn đầu, có lẽ người viết, có một số câu còn luộm thuộm:
 "Ở miền Bắc, trong khi việc dẫn nước tưới lúa vẫn là chính yếu trong khi đó Pháp lại đề nghị trồng trọt cà phê."
 "Hãng công ty Đông Ấn (Dutch East Indies) VOC đã biến nghành thương mại xầm uất với các vương quốc thuộc chúa Nguyễn."
 Động từ BIẾN trong tiếng Việt không đi trực tiếp với tĩnh tữ "xầm uất"như vậy. Câu này có lẽ anh dịch từ tài liệu nước ngoài.
Anh Phúc mến,
Đó là một vài nhận xét của tôi về bài viết của anh.
Xin nói lại là bài này rất có giá trị vì được biên soạn công phu, tốn rất nhiều thời gian , tâm huyết. Sự nghiên cứu này ắt hẳn phải được nung nấu bởi lòng nhiệt tình cộng với tình yêu quê hương sâu sắc cuả anh, mà đôi khi nó hé lộ trong những bài viết nho nhỏ trước đây về Sóc Trăng chẳng hạn. Tôi rất khâm phục.
Chúc anh và gia đình luôn khỏe, hạnh phúc và an bình.
Hy vọng có ngày gặp nhau.

Nguyễn Khắc Liệu
Melbourne Australia

Về bài "Việt Nam 50 năm nhìn lại", tôi thấy P có nhiều tài liệu rất hay, bổ ích và bài viết cũng chứng tỏ là "phi chính trị" nên P cứ thêm "phần kết luận" và yên tâm gửi đi. Một đóng góp cho P là nên thêm superscript trên hàng chữ P lấy tài liệu và ngay cuối trang đó phải có footnote ghi rõ tựa sách hoặc tên tài liệu mà P đã ghi ở Bibliography, nơi trang cuối.

P có thể gửi bài đi sớm rồi đó. Chúc P thành công.

Nguyễn Chí Thân
Sunderland University – Thủ Đức Việt Nam

Anh Phúc mến,

Rất vui khi nhận được bài viết “Quê hương sau 50 năm nhìn lại..” của anh. Bài viết của anh chứa đựng nhiều dự kiện lịch sử lẫn tâm tư tình cảm của 1 người VN yêu quê hương,  nhận định vấn đề 1 cách công bằng theo những gì mà anh sưu tầm nghiên cứu khá công phu. Rất mến phục anh đã dày công viết ra 1 bài hay và có ý nghĩa.
Đối với đất nước quê hương, góc nhìn của mỗi cá nhân chúng ta có khác nhau, đó là chuyện không tránh được. Nếu chúng ta không may mắn sinh ra trong 1 gia đình bị nhiều sự mất mát thì cái nhìn của chúng ta sẽ khắc khe hơn. Người VN mình có những tính xấu mà tôi nghĩ rằng nó phát xuất từ hoàn cảnh lịch sử đặc thù của mình. Hết chống quân xâm lược phương Bắc, triều cống nhưng lúc nào cũng tự hào tự mãn. Rồi đến thực dân Pháp cai trị, bị đầu độc tư tưởng chia rẽ, nghi kỵ,  nịnh bợ để mưu cầu lợi ích cá nhân. Rồi nội chiến do chiến tranh về ý thức hệ của các cường quốc Nga –Mỹ, quen ỷ lại vào viện trợ ngoại bang, dối trá, tranh giành quyền lực, tham nhũng v.v…Chiến tranh liên tục đã phá hoại đạo đức của nhiều người VN và nó phá hoại luôn nền kinh tế, không có thời gian để xây dựng hạ tầng cơ sở vững chắc, là nền tảng để phát triển đi lên cho những kế hoạch to lớn trong tương lai. Chính vì thế nó phát sinh ra sự mất cần bằng về lượng và phẩm trong việc phát triển hiện nay. Người ta chạy theo chỉ số kinh tế như GDP để làm thước đo sự phát triển, người ta chỉ thấy sự hào nhoáng bề ngoài qua các tòa nhà cao vút, xe hơi bóng loáng nhưng ít ai quan tâm đến phẩm chất của cuộc sống của người dân bình thường, nhất là nông dân. Vấn đề nay tôi đã có dịp trình bày qua bài viết ”Những vấn đề của nước Nhật”, là 1 bài học mà VN mình nên tham khảo.
Nhận định của anh rất đúng, khi nêu lên những lý do của người thua trận. Giống như lúc anh em mình chơi Tennis, người thua thường nói tại mình đánh dở. Trên 1 mặt nào đó, tôi đồng ý với anh Thành là không có chính nghĩa thì trước sau gì cũng sẽ thua. Không thua vào năm 1975 thì cũng sẽ thua sau đó. Thật ra, 1 anh quen sống phồn vinh giã tạo nhờ viện trợ thì làm sao đánh lại 1 anh nghèo rớt mồng tơi, phải không anh?
Viết ra những điều trên là nhớ lại 1 lịch sử buồn, có thể nói đó là vận mệnh của nước mình. Tôi vui vì thấy người VN mình còn giữ được 1 số đức tính tốt như: Coi trọng tình nghĩa , giàu tình cảm, chia sẻ lúc khó khăn, thích làm việc thiện khi có điều kiện, tính lạc quan.
Vài hàng cùng anh, mong có dịp trao đổi tâm tư tình cảm với anh cũng như các anh chị khác trong nhóm chơi tennis chung.

Thân mến,

Ngô Khôn Trí
( Japon 71-90, Montreal Canada 90-2011)

Chào Anh Phúc,

    Đọc bài của Anh viết về Việt Nam rất là hay, thực tế và làm cho tôi rất thích đọc...Vì tôi đã bắt đầu trở về ViệtNam năm 1995-1996...Nhưng đến 2001, mỗi năm đều trở về VN thì thấy đất nước cũng thây đổi dần...Kế đến tôi thật sự trở về VN định cư khoãng 2 năm (2005-2007) để tiến hành vài Projets nơi đây...Lúc đó tôi cũng đến Phú My Hưng, thì quả thật rất  thay đổi và sau này trở qua thì hoàn toàn khác lạ...Lúc tôi còn ở VN, tôi ở Thảo Điền..Và tôi cũng có dịp đi hết những thành phố nỗi tiếng từ Bắc-Trung-Nam/Việtnam...Tôi rất thích và tự nghĩ rằng ..Cuối cùng, VN ta bây giờ, nhìn lại cũng có thể chấp nhận là đang trên đà phát triển hơn những nước nghèo ở Phi châu và vài nước ở vùng Á châu.
   Tuy nhiên, ở VN về vấn đề lịch sự ...Thí dụ, như đứng sắp hàng để trã tiền ở Marché METRO ( đây là 1 chaine d'alimentation của Đức ), hay ở Pearson -Saigon...v.v..
   Tôi rất tiếc và còn thấy dân VN mình chưa có được những tư cách lịch sự và nhã nhặn.  Hy vọng trong tương lai, VN sẽ thay đổi nữa để tiến kịp với thế giới.

   Anh nói rất đúng, mặc dù tôi chưa đến Bahamas, nhưng đã đi Mexique-Jamaique-Republique Dominicaine..Tôi thấy các dân tình ở đó, mặc dù vài nơi còn nghèo, nhưng dân tình cũng hiền lành và rất lịch sự ( không biết là vì những chỗ mình đến là chỗ dành cho khách du lịch hay sao, mà thấy họ rất dễ mến.... không như ở VN, đôi khi cũng còn làm mình nerveuse. ).

   Bref, j'ai apprecié beaucoup de lire vos articles.
   Très intéressants et à la prochaine...Bonne journée

 
    Xuan & Roger *
xuro2009@yahoo.ca


Hiệu ứng tuyết rơi