Tuesday, September 13, 2011

TÂM TRẠNG VIỆT KIỀU


Tiếp nối câu chuyện trăn trở ngày về hưu, có nhiều ý kiến cho ý tưởng lớn như lập ra các làng Việt kiều nho nhỏ ở VN để cho bà con ở hải ngoại về thuê, mua hay ở. Bài này tôi xin tâm sự thêm đôi điều về cảm nghĩ cá nhân mình cũng như một số bạn bè quen biết sống ở một số thành phố lớn của bắc Mỹ để người đọc hiểu thêm về những tâm trạng của người Việt ở hải ngoại khi về hưu.
Chúng ta là những người đang ở tuổi trên 50, nhiều người sinh ra lớn lên ở Hà Nội lẫn Sài Gòn và miền Trung tính ra tổng cộng tới nay thì thời gian sống ở nước ngoài đã nhiều hơn ở Việt Nam nên khi trở về Việt Nam ở đâu cũng cảm thấy lạc lõng và bỡ ngỡ. Sau mấy chục năm học hành, quen làm việc ở nước ngoài giờ về VN chơi nhìn lại thấy bạn bè ở VN hầu như không có ai, nhiều khi sáng dậy muốn làm quen một ai đó ở lứa tuổi mình để rủ nhau ra quán cà phê ngồi chơi ngắm phố nói chuyện cũng khó. Đến bữa cơm trưa tối nhiều khi không muốn nhờ nhà nghỉ gọi cơm hộp cho ăn thì cũng không biết đi đâu tìm chỗ ăn mới cả. Có nhiều khi thấy nhà hàng khi bước vào thì thấy bàn nào cũng bia rượu tràn trề ồn ào, mà ở cái tuổi của mình thì lại đang phải ăn uống chừng mực nên nhiều khi càng cảm thấy thêm lạc lõng.
Đôi khi đi một mình vào quán gọi thức ăn xào nấu theo thực đơn mang lên thì không sao mà ăn hết được nhất là không gọi thêm rượu bia thì nhà hàng nhìn mình cũng thấy kỳ quá. Đó là chưa nói tới chỗ ngủ, có đêm bị người ta gọi nhầm phòng mà không dậy thì cũng sợ vì nhỡ có hỏa hoạn hay làm sao thì không biết, mà dậy ra mở cửa gập người gọi thì cũng ngại. Người ở tuổi về hưu cần có chỗ sống theo nhu cầu và cuộc sống phù hợp với họ.






Chúng tôi nghĩ ở các thành phố của VN chưa nghĩ đến việc phát triển mô hình "Homestay" giống như ở nước ngoài, tức là các bạn VN đã về hưu ở các địa phương có điều kiện nhà cửa rộng rãi còn phòng bỏ trống, con cái đã lớn ở cùng hay đã ra ở riêng thì có thể cho các du khách như Việt kiều chúng ta ở thuê vài tháng trong 1 năm, ăn uống theo kiểu gia đình và thanh toán theo thị trường sòng phẳng. Làm dịch vụ này các bạn ở VN cũng có thêm thu nhập vào lương hưu và có thêm bạn mới cho mình và với chúng ta thì cũng là điều kiện gặp quen thêm bạn mới cũng như có địa chỉ tin cậy để con cái ở nước ngoài yên tâm là bố hay mẹ nó đang ở đâu, có ai biết khi cần tìm.
Người già ở hải ngoại hầu như ai cũng muốn về bên nhà nghỉ ngơi và du lịch khi họ có thời giờ 2-3 tháng trong năm, họ cũng có rất nhiều nhu cầu về y tế, tham quan du lịch khi đến 1 địa phương mới nên rất cần có chỗ tin cậy để hỏi han tư vấn thêm mà nhiều khi chỉ có những người nghỉ hưu mới hiểu nhau được. Theo chúng ta dịch vụ "Homestay" này rất cần có và phát triển.
Sau bao năm ở xứ người, đa số chúng ta đã thành công khá nhiều trên đường đời và có được một khả năng kinh tế và 1 công việc có lợi tức khấm khá so với đồng hương tại Việt Nam, nhất là trong thời buổi khó khăn này. Thêm vào đó con cái chúng ta đều thành đạt và có thể đã ra riêng. Vào gần tuổi về hưu, chúng ta cảm thấy tâm hồn trống rỗng, không có một người bạn tri kỷ mà chúng ta có thể chia sẻ một phần những tâm sự trong đáy lòng tuy rằng bạn bè chơi thể thao, đồng nghiệp để đi ăn trưa và tán gẫu có rất nhiều. Chúng ta tự hỏi những sự thành công của mình có giá trị gì không?. 
Anh Tri, sang Canada du học những năm 62 và cũng đã trải qua 2 đời vợ và có 4 con. Người vợ đầu cùng hai đứa con gái hiện sinh sống bên Pháp. Người vợ thứ nhì cùng 2 con hiện sống ở Canada, một gái một trai.
Cuộc sống vật chất độc thân của anh Tri gọi là tạm ổn sau 2 lần tan vỡ. Tuy nhiên những cuộc tình bất trắc nào cũng có cái giá của nó.
Vì đã có 2 đời con cho nên tình nghĩa cha con xem ra có vẻ nhạt nhẽo quá.
Hai đứa con gái của vợ đầu là Phương và Liên đã có gia đình riêng hiện sống ở Pháp với chồng con êm ấm mặc dù không gần gũi với cha chúng ở Canada.
Hai người con dòng vợ kế, trai tên Phát và gái tên Mai ở tuổi 24 và 26 đều ra trường và làm việc tạm ổn sau vài năm anh chị chia tay.
Nói chung anh Tri bây giờ rảnh rổi không còn vướng bận trách nhiệm làm cha ở cái tuổi ngoài 60.
Làm việc đã hơn 40 năm và bây giờ anh đang dự định về nghỉ hưu với lương hưu hàng tháng trên dưới 3,000 đô.
Ở Bắc Mỹ với số lương hưu như thế thì vừa đủ sống. Nói là vừa đủ sống chứ không thể cho là dư giả được. Anh Tri lại có mộng giang hồ muốn đi khắp nơi cho biết đó biết đây. Ngày xưa khi làm việc bên Ả Rập anh đi du lịch nhiều Âu Châu và làm quen chị Anh, người Tàu gốc Indo và anh chị quyết định lấy nhau rồi trở về Canada sinh sống được hơn 20 năm sau đó với hai mặt con Phát và Mai.
Anh Tri ở khá lâu bên Canada, anh có lắm bạn bè cho nên cuộc sống không đến đổi nhàm chán sau khi chia tay với người vợ thứ nhì.
Hằng đêm, anh đều mơ về thăm gia đình dòng họ vui vẻ nơi chôn nhau cắt rốn, tìm lại chốn xưa với những bữa cơm gia đình với bố mẹ em út và bà con xa gần đầy đủ. Anh luôn muốn đi tìm lại bà con dòng họ mà mấy chục năm qua anh không có dịp tiếp xúc. Anh đón xe đi Phụng Hiệp, một làng lớn thuộc Thị xã Cần Thơ để thăm đa số bà con thuở xưa. Đến nơi anh nhìn thấy bà con đầy đủ hội họp và dự lễ ở ngôi chùa quen thuộc. Anh bước vào thì hình như mọi người vẫn vui vẻ trò chuyện huyên thuyên ngày tết, kẻ cầm nhang xá lạy, người ngồi bệt xuống đất nhưng không ai để ý đến sự hiện hữu của anh Tri.
Anh bước lại gần chị Ba, người chị họ con bác Ba mà 50 năm trước anh rất thân với chị. Vì chị cùng tuổi và đến nhà anh Tri ở trọ để học Trung học trường tỉnh ngày xưa. Thế mà 50 năm sau gặp lại chị Ba không thể nhận ra anh là ai nữa, lại thêm con cháu đầy dẫy. Một lúc sau chị Ba tiến về phía anh Tri và rạng hỏi:
“Thằng Tri con chú Năm đấy hả, ối cha trông mày lạ hoắc vì thế không ai buồn để ý đến người lạ trong lúc lễ lộc vui vẻ cả, tệ thật…”
Thế rồi chị Ba lần lượt giới thiệu từng người, nào anh em của chị và cháu nội cháu ngoại đến những hơn 20 đứa. Thế là anh Tri đành móc túi ra lì xì tờ 50,000 đồng cho mỗi đứa con cháu của chị…Thế là 1 triệu bạc VN ra đi trong chớp nhoáng. Những đứa cháu vui vẻ đón nhận tiền nhưng chúng nó chỉ biết là có một người chú Việt kiều luôn sẵn sàng móc tiền túi ra khi chúng cần để chơi bầu cua cá cọp, v.v.v… Trong thâm tâm anh cảm thấy vui vui, vì dầu sao cũng thỏa nguyện vì tìm lại được một phần cuộc sống thời ấu thơ…
Khi giật mình thức giấc và trở về với hiện tại anh mới cảm thấy lạc lõng không có ai chung quanh mình mặc dù con cái và gia đình ruột của chính anh cũng không ít đang ở Canada và Pháp.

Thế rồi để cho cuộc sống đỡ buồn tẻ anh quyết định quay về VN làm lại cuộc đời với chị Chi, 48 tuổi tức kém hơn anh đến những 18. Chồng già vợ trẻ là tiên ba đời mà lị…
Cuộc tình mới với người vợ trẻ bắt đầu với anh như trăm hoa đua nở. Nhờ chị làm giáo viên một trường trung học ở Thủ Đức cho nên chị tìm cách giới thiệu anh vào dạy trường Sunderland University vừa mới mở ở Thủ Đức. Trường đại học trực thuộc Sunderland University bên Anh quốc dạy bằng sinh ngữ. Thế là anh Tri may mắn nhận ngay việc dạy ngành điện Truyền thông (Telecom) vì khi còn ở Canada anh có 30 năm kinh nghiệm về hãng điện thoại và truyền thông (Telecom) sau đó anh ra ngoài dạy đại học Concordia University ở Montreal về truyền thông hơn 10 năm trước khi anh về hưu.
Vợ chồng anh Tri mua một căn nhà nhỏ ở ngoại ô Sài gòn, ở Thủ Đức thì đúng hơn.  Vì nghỉ hưu nên anh chỉ nhận dạy 2 cours để rảnh rang có thì giờ hưởng cuộc sống nhàn hạ với cô vợ trẻ. Anh Tri bắt đầu có thêm bạn mới, mà đa số là giáo sư đồng nghiệp dạy cùng trường.
Thời gian rảnh rỗi anh đi du lịch trong và ngoài nước VN. Buổi chiều sau giờ dạy học anh chơi tennis miễn phí tại trường với bạn đồng nghiệp.
Tóm lại, trong ba năm hưởng hưu và làm việc đi dạy bán thời gian ở Thủ Đức những tưởng cuộc sống của anh Tri đã yên bề gia thất. Những lúc trò chuyện bằng điện thoại hay những lúc anh về lại Canada nghỉ hè trông anh Tri ra phong độ lắm. 
Sau ba năm với cuộc sống mới ở VN sức khỏe anh Tri bắt đầu yếu dần. Anh Tri buộc phải tạm nghỉ chơi tennis vì thỉnh thoảng anh bị chóng mặt. Anh cảm thấy hơi lo lắng về sức khỏe anh. Những khi lâm bệnh  anh Tri không dám vào dưỡng bệnh ở bệnh viện vì nhu cầu sạch sẽ vệ sinh là một vấn đề lớn hiện nay. Anh buộc phải đi bệnh viện nước ngoài tại Sài Gòn và trả một giá khá đắt như bên Canada.
Mùa hè 2011, anh trở lại Montreal và trò chuyện rất nhiều với chúng tôi về cuộc sống phiêu lưu mới của anh tại VN. Đối với đồng nghiệp đại học Sunderland họ vẫn xem anh như một Việt kiều mặc dù anh Tri đã ở VN hơn bốn năm. Mỗi lần trường tổ chức hay đi dự tournament về tennis thì mỗi hội viên phải góp 100,000 đồng nhưng với anh Tri họ đòi phải đóng 100 đô. Con cháu bây giờ có thiếu thốn gì cũng đến vay tiền và nhờ vả anh. Nhưng dần dà rồi anh bị lợi dụng triệt để. Không cho vay mượn thì dòng họ đòi tẩy chay anh, họ viện cớ anh quá bủn xỉn keo kiệt. Cuộc sống xô bồ cộng với hàng xóm thiếu ý thức như họ đứng đái ở hàng rào nhà anh để chọc tức anh như là chuyện bình thường mặc dù anh cảnh cáo họ vài lần. Họ còn thách anh đi thưa công an nữa chứ…Anh Tri bắt đầu cảm thấy cuộc sống ở VN quá bực bội và không còn thích hợp với anh nữa. Anh bàn chuyện làm giấy tờ passport cho chị để 2 vợ chồng về lại Canada sinh sống và dưỡng già. Chị Chi có công ăn việc làm và một cuộc sống khá ổn định tại VN. Bây giờ sang Canada với cái tuổi gần 50 mà chị phải bắt đầu lại từ đầu là điều làm cho chị suy nghĩ nhiều lắm và chị chỉ muốn sang Canada chơi và ở tạm một thời gian ngắn rồi chị vẫn muốn về lại VN để sinh sống và làm việc nơi đây.


Anh Tri lại một lần nữa đứng ở ngã ba đường. Tiếp tục ở VN thì không thích hợp, bực bội bởi xóm giềng và bị hàng xóm xích mích. Về Canada ở vĩnh viễn mà bỏ hết gia tài sự nghiệp ở VN thì chị Chi không đồng ý. Trong khi con cái ruột của anh Tri - ở Canada và Pháp đối xử nhạt nhẽo với anh và xem như anh chưa hề hiện hữu đối với chúng…
Tâm trạng Việt kiều về hưu như anh Tri là thế đó ư!
Anh Tri lúc này tỏ ra trằn trọc khó ăn khó ngủ và không tài nào tìm ra biện pháp  hay nhất cho cuộc sống còn lại trên đời này: cần một hệ thống bảo vệ sức khỏe tốt và cuộc sống bình an với bạn bè chung quanh vui vẻ thoải mái.


Tâm trạng của một Việt kiều nhiều khi gây trong chúng ta nhiều bức xúc và nhất là những ai cận ngày về hưu cần phải suy nghĩ nhiều hơn…
  
Nguyễn Hồng Phúc
(Theo chuyện kể lại của một người bạn thân)

Hiệu ứng tuyết rơi