Monday, October 10, 2011

ĐẾN TRƯỜNG


Con đến trường mình rất vui, vui gì nhớ lại ngày xưa, ngày đầu đến lớp, là đứa con gái giả trai. Không hiểu vì sao theo phong tục gì, mà khi còn bé nếu đứa trẻ hay bệnh tật thì ông bà hay cho trẻ thay đổi cách ăn mặc đầu tóc, gái giả trai hay trai giả gái, rồi lớn lên chút thì thay đổi ngược lại, và mắc cở không dám nhìn bạn ngày xưa, ngày còn là con trai.
Nó học gì mình phải học nấy, cho kịp bạn bè, tháng đầu bé về khoe mẹ con có 9.5 điểm/10, bé vui lắm nhưng bé nói mẹ ơi con thua bạn.
Vì sao? Vì bé ít hoà nhập theo bạn bè cùng lớp, nói chuyện lúc cô giáo giảng bài, bị trừ điểm ngoan 0.5 điểm.
Hôm nay bé về, mẹ ơi con được 10 điểm /10, được cô giáo cho kẹo. Còn có hai bạn nữa giống con, bé hối hả mang tập ra khoe. Bé thích điểm 10 chứ không thích kẹo hay chocolate, nhưng bé rất vui và hãnh diện với điểm 10 đạt được, chứng tỏ bé giỏi hơn bạn. Rồi bé phải tiếp tục học và ôn bài cho ngày mai, con học gì Ba Mẹ học nấy. Làm mình trở lại học lớp 1. Lớp mà ngày xưa ăn chưa no lo chưa tới, ngây ngô, thích chơi đùa và kẹo, thích nhõng nhẽo và được Ba Mẹ cưng chìu. Nhưng ngày xưa, Ba Mẹ bận bịu vì đông con, chẳng lo được chu đáo cho từng đứa, đâu lo cho từng đứa việc học hành, chỉ nhờ người trên đi trước hướng dẫn người dưới, hay có người đến dạy kèm. Học hành phải tự lực cánh sinh, cố học cho hơn bạn, nhưng chạy thấy mồ vì Ba Mẹ đâu có theo sát mình, rồi ăn uống ngon cũng không được. Chỉ chờ Ba Mẹ cho phép, thèm chảy nước miếng, muốn ăn mặc đẹp phải chờ đúng dịp. Ngày nay khác hẳn, mình chìu con hơn là mình nghĩ, nó đòi ăn gì thì đi làm ngay, mặc dù làm chẳng biết có ngon không nhưng con cứ nói Mẹ ơi ngon quá. Thỉnh thoảng, hỏi con thích ăn gì mà chạy đi mua đồ về làm, con muốn mặc đồ mới thì đi mua. Chứ ngày xưa đâu được như vậy, Ba Mẹ hay chú ý đứa dễ thương hay đứa con đầu lòng, đứa út. Thế là hàng giữa giữa gọi là dở dở ương ương,  thì mất quyền ưu tiên.
Trong gia đình, thế nào cũng có đứa con được Ba Mẹ cưng nhất rồi không cho đụng móng tay, học tập thì suốt ngày chẳng bao giờ xuống bếp, còn những đứa còn lại phải làm lụng và đi chợ như chuyện phải làm. Gọi đó là thiên vị, cuộc sống gia đình cũng như xã hội, mai mắn thì đi trên thảm đỏ còn ngược lại thì cà rịch cà tang trên chuyến xe muộn.
Cuộc sống ngày nay, những đứa trẻ hải ngoại hay ở quê nhà, thường được cưng chìu hơn vì số lượng đẻ hiếm muộn. Kế hoạch hóa việc đẻ chửa, nên con cái ít hơn, nhưng điều kiện chăm sóc con tốt hơn, con được cưng như trứng, muốn gì được nấy. Ngay cả khi con lớn lên, nó muốn gì mình cũng chìu, nó muốn học ngành gì tùy thích, thích thì làm không thì chuyển đổi công việc nó thích. Không thể khuyên bảo hay cấm cản, nếu không sẽ gây ra những cuộc tranh cãi không cần thiết.
Nghĩ ngày bé đến trường, đến khi bé trưởng thành là một hành trình dài nhưng ngắn, chỉ trong 15-16 năm thế là cuộc sống bé thay đổi, tốt xấu do phấn đấu của bé và Ba Mẹ, chăm chút từ thuở bé đã thấy cực, khi bé càng lớn lên càng khó khăn hơn. Nhưng niềm vui vẫn là lúc chờ đợi bé hoàn tất học hành và gia thất, ngày bé lập gia đình là ngày Ba Mẹ rơi những giọt nước mắt hạnh phúc đầu tiên từ khi con trưởng thành, nhanh quá mới ngày nào, bé đến trường, ngày nay bé trưởng thành và chuẩn bị hành trình mới, gia đình mới với những đứa con mới sẽ chào đời. Cuộc sống là vòng quay, tre già măng mọc, rồi thế hệ Ba Mẹ sẽ lỗi thời, chuẩn bị đi học, nghĩa là đến trường với cháu, và thế là bài học giữ cháu lại bắt đầu, rồi sẽ có những niềm vui buồn lẫn lộn tiếp nối và nối tiếp.


Snowynguyen 2011
Hiệu ứng tuyết rơi