Friday, August 26, 2011

HAI TIẾNG QUÊ TÔI


Ai cũng muốn hãnh diện với mọi người rằng, mình sinh ra từ thành thị, chứ không ai muốn nhận rằng mình từ quê ra, đó là lẽ đương nhiên, vì như thế chẳng khác nào nói rằng mình nhà quê.


Thế nhưng, tiếc rằng nếu cuộc sống ở thành thị quá ngắn ngủi hay ở đâu đó quá ngắn ngủi thì khó mà nhận rằng mình là người từ nơi đó.
Thuở nhỏ, tôi thường đạp xe sau giờ học thêm buổi chiều, sẵn dịp được Ba Mẹ cho ra ngoài, thế là dạo một vòng Sóc Trăng. Nói một vòng Sóc Trăng chứ chỉ đạp từ trường Hoàng Diệu rồi chạy dọc theo con đường cầu Trà Men, chạy thêm chút nữa là ngã ba An Trạch, đó là nơi mà nếu có đi dạo thì chỉ từ những điểm đó mà thôi. Dọc theo con đường này thì có hai hàng cây xanh, có ít bóng mát, nhưng hai bên đường thì có cánh đồng lúa, nhưng không phải là quá dài, nhưng có mùi hương của lúa, và gió thổi man mát. Nên mọi người lứa tuổi tôi cũng thường đi dạo như thế, thỉnh thoảng có những cặp mắt quen thuộc dòm nhau và cười khi chạy ngược chiều, hay có khi thì ghen ghét mà không thèm chào nhau. Vừa chạy và suy nghĩ lung tung, ra trường và định mệnh tương lai, rồi sẽ xa nơi này, nơi mà mình cùng Ba Mẹ anh em ngồi chung bàn ăn, nghe Ba nói chuyện, rồi nhiều khi chơi nghịch phá lại bị đòn bằng cây roi nhỏ mà Mẹ hay dùng, đứng nép mình một góc bị anh tư phạt nhưng không đánh, Ba thì đánh một cái tát nhá ra lửa thấy hết ngàn sao. Khi ở trung học, thì lúc ấy lớn rồi, Ba Mẹ cũng không còn dùng roi nữa vì phải lo học hành và cũng là thiếu nữ, nên không nỡ đánh. Chúng tôi đã khôn lớn và phải chuẩn bị cơm nước pha trà mỗi sáng sớm trước khi ra khỏi nhà đi học. Bạn trai thì không có, vì sợ rằng bị Ba Mẹ biết thì bị ăn roi, nếu có thì chỉ thích nhau chút chút, đi chơi chút chút lúc còn lớp 10, chứ đâu dám đi dạo lúc học cuối cấp, đó là lúc phải thi cử. Bạn bè muốn đến nhà chơi phải đi cùng cô giáo, lấy cớ đó Mẹ mới cho vô nhà, còn không thì đâu ai dám tới mà thăm hỏi, vì Mẹ tôi nổi tiếng là dữ. Trong lớp chẳng ai dám tới thăm tôi ngoài nhỏ bạn thân nhất, nhưng nó còn ngán Mẹ tôi lắm, tôi tới thăm nó thì được, chứ nó ít thăm tôi, và tôi cũng biết là nó sợ Mẹ tôi. Chẳng mấy chốc mà tôi đã lớn, rồi chia tay nơi đây lên Sài Gòn, lúc ấy còn ngây ngô, chẳng biết gì về đất Sài Gòn mặc dù lúc còn nhỏ hay đi với Ba hay anh tôi, nhưng chỉ ở trong nhà và chơi đùa cùng em tôi, cũng thích đi Sài Gòn lắm nếu có dịp Ba hay anh tôi dắt. Nhưng lần này lại khác, đi học chứ có chơi bời gì, tối ngày cứ chạy xe đi học, hết học rồi về nhà. Ngày đầu tiên, chị tôi sợ nên bắt đi bộ, nhưng không mai ngày đó thầy nghỉ, nên phải chờ chị đến rước gần 4 tiếng, nên tôi thấy thế mà liều mình đi bộ, lúc sáng sớm đi các cửa hàng quần áo đường Nguyễn Thông chưa mở, nhưng lúc về thì họ mở hết các cửa hàng, quần áo treo lủng lẳng, làm tôi thấy lo vì mình đâu có đi đường này. Tôi sợ quá bèn đi thẳng thế rồi đến cuối đường gặp nhà ga, thôi rồi lạc mất tiêu, thế là tôi quay trở về điểm xuất phát, mất cả hai tiếng đồng hồ, trở về trường ngồi đợi mà đói rã ruột. Chị tôi đến và hỏi tại sao bỏ đi, thế là bị một trận la tới tấp.
Sau đó thì dần dà biết đường, đi bằng xe đạp. Như thằng khờ ra Tỉnh, chạy xe mà cứ sợ sệt đủ điều, sợ bị ai đó chạy theo nó lung tung thì làm sao? bị ai đó đụng phải thì đối phó thế nào? cái gì cũng nghĩ, khi đạp xe đoạn đường dài, thì lòng vẫn nghĩ về quê tôi, nơi có hai hàng cây xanh mỗi khi đạp xe đi dạo, nhưng lần này không có cánh đồng và mùa hương của lúa, chỉ có nhà san sát nhau, tiếng xe chạy ồn ào, khói bụi, nhưng không nhiều khói bụi như bây giờ.  


Sau đó sống ở Sài Gòn, nhiều hơn Sóc Trăng, biết đường phố Sài Gòn ngày nhiều hơn, rành hơn qua năm tháng, Sóc Trăng quê tôi còn lại trong trí tôi, con đường từ nhà dến trường rồi đi chợ các quán bún riêu, quán bún nước lèo, quán chè hột lựu ngồi bẹp dưới đất nhưng ăn thì ngon lành, quán bún nước lèo cây nhãn, đường La San, cầu thiên Hộ, cầu quay, chợ Bông Sen, thế nhưng tên đường thì tôi chẳng nhớ tên. Nhưng vẫn cho tôi ký ức những ngày thơ ấu đến hết trung học, rồi lên Đại Học, ra trường làm việc ngày thì làm tối thì đi học, lúc nào cũng thế, trong đầu chưa được ngày nào mà hết học, hay mình còn gọi là thất học, học mà chẳng thấy điểm dừng. Chắc vì mình thiếu chữ nên phải học, vì học hoài chưa hết chữ, mỗi ngày là có thêm từ mới trong tự điển của mình. Rồi ra đi, lại phải học, tiếng tây chưa giỏi tiếng ta muốn quên tuốt luốt. Tự điển thì bồi thêm ngày càng nhiều đủ thứ tiếng, không biết tiếng nào là tiếng giỏi nhất hay cái gì cũng biết mà biết chút chút, hay người đời thường nói là ba rọi. Trong đầu thì cứ làm việc, phải cho cái máy trong đầu mình nó chạy nếu không thì nó nằm đó rồi trở thành cái máy cũ cho vào viện bảo tàng, ai nói gì cũng nghe cũng tin, rồi đâm ra ngu, cái gì cũng không biết, nên đành phải nghe và đọc, rồi tiếp theo thì viết, viết đến khi nào viết hổng nổi thì lại dừng. Lúc đó từ điển đầy ấp nhưng không có từ mới, rồi con cháu lại nhàm chán và nói rằng Mẹ hay ngoại già rồi.


Gặp một cô bé quê Đà Nẵng, sang sống mấy ngày ở Paris, khi hỏi em quê ở đâu, em nói em ở Sài Gòn, hỏi vài câu thì mới biết sang ở đó vài tháng rồi làm giấy tờ sang đây học, vì đâu ở Sài Gòn mà biết nhiều nơi, khi hỏi thì ngượng nghịu. Cuối tuần đi chợ, chủ tiệm bán hàng người quê miền tây, nhưng không dám nhận rằng mình xuất thân từ đây,  trông cách ứng xử còn thiếu thốn nhiều của người thành thị, nhưng cứ cho là mình sống ở Sài Gòn, không biết ở đó mấy ngày? Không phải là một mà là một đại diện cho số đông người chẳng dám cho mình là người ở quê, mặc dù ở Sài Gòn được mấy ngày. Sang sống ở nước ngoài mà cứ nghĩ mình là dân Sài Gòn, được gì? và tại sao? Chỉ có họ mới có câu trả lời chính xác, chắc vì mình là người miền quê nên nếu lòi cái đuôi nhà quê thì sợ họ xem thường chăng?.
Nếu mình nhận nơi đâu đó là quê hương thứ hai, thì hãy hiểu rằng, nó là nơi mình làm việc và sinh sống, nhưng gốc ta vẫn không phải là ở đấy. Dù ta có thay đổi tiếng nói, màu da trắng hơn chút nhưng cũng có người tối hù, nhưng gốc ta nơi đâu đến chết ta vẫn là người nơi ấy người miền quê, nơi mà ta thường gọi là nơi chôn nhau cắt rốn.
Quê tôi có cầu Thiên Hộ
Có dòng sông trôi buổi trưa hè
Nơi đã kéo đi người bạn thuở ấu thơ
Nó ngắm chìm theo dòng sông ấy
Thương nó lạnh lẽo vì ra đi còn quá bé
Biết nó khi nó còn bảy tuổi
Chắc giờ nó đã thay hình đổi dạng
Thành con người khác trong những bạn ta
Sóc Trăng có đường Trà Men dài xanh ngát
Mùi hương lúa  hai bên cánh đồng xanh
Thả hồn ta nghĩ về nơi ấy
Nơi đã sinh ra ta, rồi ta lại xa nó
Tiếng gọi quê tôi nghe xa nhưng quá gần
Gần trong từng giọt nước mắt ta rơi
Nhớ Cha, nhớ Mẹ, nhớ gia đình
Nhớ bạn bè nơi xa đó
Sẽ có ngày ta hôn lại mảnh đất mà ta đã ra đi
Đất Mẹ cho ta dòng sữa trong lành
Rồi nuôi ta không lớn
Ta lại bỏ nó ra đi
Quê tôi tiếng gọi thân thương ấy
Chắc người không ghét ta
Vì ta là người con của đất
Đất Sóc muôn đời vẫn trong ta.

Snowynguyen 
  

Hiệu ứng tuyết rơi