Saturday, August 17, 2013

NỖI NHỚ


Khúc nhạc được nghe trong một link từ FB, bài hát có đoạn:
Ngày xưa khi ta sinh ra chào đời bằng tiếng khóc, vây quanh đón ta là nụ cười niềm vui. Có lẽ nên sống sao khi trở về với đất, người ta khóc còn ta mỉm cười.

Làm gợi lại,  gợi nhớ quê nhà và nỗi nhớ da diết, nhớ thuở nhỏ cùng gia đình, anh chị em, tất cả chúng mình đều quá nhỏ, chỉ biết vui đùa cùng nhau, cách nhau vài tuổi, gần nhất thì chơi cùng nhau, chơi cùng những đứa trẻ gần nhà. Nhưng không phải đứa nào cũng được cho phép chơi cùng. Cha Mẹ khó quá, đến chơi nhà hàng xóm mà làm một chuyện gì đó giúp họ thì về nhà bị mắng một trận, ' ăn cơm nhà lo chuyện người ta'. Nếu sống tại quê hương mình, thì câu nói này quá ích kỷ, vì dân gian nói ' hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau' ' bà con xa không bằng láng giềng gần'. Nhưng ngẫm nghĩ sao ông bà ta mâu thuẫn vậy, nhưng nghĩ mãi thì nghiệm ra rằng, chuyện mình chưa xong sao lo chuyện người cái này xem ra đúng hơn.

Khi ấy còn quá nhỏ, chỉ biết vui đùa sau giờ đến trường, ôn bài xong thì đi chơi, gần nhà bác hàng xóm có một cái ao rau muống và lục bình, có mấy người con cùng tuổi, chạc tuổi nhau nên chơi cùng. Chiều đến, thì tụ nhau làm một nhà chòi, chòi làm từ rơm rạ bác mang về từ ruộng của mình. Sau khi làm thành cái nhà chòi xinh xắn, mấy đứa chui vào đó mà ngồi nói chuyện, chẳng biết chuyện gì' trên trời dưới đất' nói chung mang ra mà kể mà khoe... tự nhiên bên ngoài cái nhà chòi đó có một cái ổ bằng rơm tự làm tròn như cái nổi cho đẹp mắt, nhìn vào có một cái vòng tròn màu đen xám nhúc nhích. Chẳng biết gì đến gần thì ôi thôi, tá hỏa tam tinh chỉ biết đứng chết trân, không nhúc nhích. Không biết la chỉ biết khóc, thế là có chuyện mấy đứa con nít chạy vào gọi Ba Mẹ nó ra, lấy con rắn đó đi xa cho vào ao, sợ quá, đến điếng cả người, không biết phải làm gì ngoài chuyện đứng đó mà khóc.

Ngày ấy, sợ nhất là sâu bọ rắn rít thế mà trong đời ba lần gặp mới sợ, lúc ây khoảng 7 hay 8 tuổi gì đó, kế bên nhà là cái mương và một công viên, Cha chỉ làm hàng rào mà thôi, nên vào buổi chiều tối sau khi cùng chị ngồi giặt đồ bên ngoài hiên nhà, trong một cái thau giặt đồ lại một anh rắn, nó bò từ ngoài vào vì bên hông nhà là cỏ và nước thôi, vừa thấy thì khóc la inh ỏi rồi đâu biết làm gì?!, sau đó cha ra rồi bắt nó vào trong một cái bao, cùng anh tư mang đi tịnh xá Ngọc Hưng bỏ vào ao của nơi này, cái tịnh xá này ngày nay chắc không còn nữa.

Thuở 8 tuổi, gần nhà có năm chị em cũng gần bằng tuổi, rồi thỉnh thoảng được sang nhà đó chơi. Nhà có con chó dữ lắm, không biết gì nghĩ nó hiền vì ít bao giờ nghe nó sủa, chỉ biết đến chơi và vô tình vuốt đầu nó, nó phập lại bên hông thế là một vết chó cắn, nên dân gian mới nói ' chó sủa là chó không cắn', khóc quá chừng, rồi chị Hòa mới băng bó xong và bảo đừng nói ai nghe vì sợ Ba Mẹ chị la, đâu biết gì về nhà cũng không dám nói Cha Mẹ, chỉ nói với Ý Út ' con bị chó cắn', Ý chở ngay đi bệnh viện chích thuốc ngừa và bắt ăn kiêng đủ thứ, đâu hiểu biết gì chỉ nghe theo mà thôi.

Lớn lên, thì quên đi chuyện gặp rắn thuở nhỏ, vì Cha làm tường bên hông nhà, ngăn cách với bên ngoài và cái mương cũng không còn, thế nhưng trớ trêu lại phải gặp không phải là rắn mà là trăn mới dễ sợ, sợ quá, nó to không biết bao nhiêu lần rắn mới mệt chứ. Khi ấy, lớp 12 trung học, sáng sớm nào cũng thức sớm, mà gọi là thức khuya dậy sớm thì đúng hơn tối thì lục đục học một mình trên lầu thượng ngủ quá trễ sáng ra phải nấu ăn, bên hiên nhà Mẹ cho ba cái lu to đùng, nằm cạnh nhau để xài, nước rất đục, thời ấy nhà máy cấp nước sau năm 75 đâu có nhiều kinh phí mà lọc nước nên nước đục ngầu, Mẹ mới lóng phèn mỗi ngày. Nhà thì nuôi heo nuôi gà, cái gì cũng có, cách bên nhà có phòng 'đồn công an' thời đó, tối hôm trước họ bắt một ăn trộm trăn, và nhốt ăn trộm trong một phòng, còn con trăn vô một phòng khác, oái oăm thay cái cửa sổ mở, nó đói thế thì bò sang những nơi xung quanh mà tìm. Khổ nỗi, nhà có gà trăn lại khoái gà mới chết, nó bò qua khi nào không biết mai mà không vào phòng ngủ vì có cửa sổ. Sáng ra, khi nấu ăn, thì lại phải pha trà cho Cha Mẹ ăn sáng xong thì uống, lấy cái ca nhựa múc nước và cầm trên tay cái bình trà ceramic, vì trời hừng sáng không dám mở đèn chỉ để đèn leo loét trong bếp, tối âm u, thấy đụng cái gì đó mà nó cựa quậy, thì hỡi ôi, một cái đầu ngóc lên khỏi miệng lu, lúc đó cũng chỉ biết đứng chết trân, hỗng nhúc nhích nỗi quăng cái ấm trà nghe cái xoẽng, cả nhà nghe lạ Cha thức giấc, thì thấy đứng một chỗ mà thôi, thế là anh tư ra cấp cứu. Cha cùng anh tư và mấy người thợ tìm cách xoay xở cho con trăn vào giỏ to đùng mà, chuyển sang đồn bên cạnh. Thế là lại đến trường trễ học ngày ấy, vì chưa hết hoàng hồn. nên người ta hay nói nhất hóa tam. Cái gì trong đời sợ và ghét, thì thường hay gặp phải.

Nó thế đấy, lúc nào làm gì cũng có Cha và anh, nó thân thiết lắm, nó là máu mủ, anh em như năm ngón tay, ngón dài ngón ngắn, khi nó bị đứt lòng lại đau, nhưng hoàn cảnh khi ta lớn lên, rồi Cha Mẹ già, lúc ấy sợi dây thân thương cũng phai nhạt với cuộc sống nhiều lo toan, gia đình, cá tính, khác biệt suy nghĩ môi trường vv và vv.

Bạn bè cũng thế, cũng có đứa dễ thương nhưng cũng có đứa ganh tỵ, điều này khó tránh, nhưng cốt lõi là khi ta sống vẫn hãnh diện về mình, khi trở về với đất vẫn mĩm cười. Nỗi nhớ, nhớ nhiếu lắm, nhớ thuở nhỏ rồi lớn lên từ mãnh đất ấy cùng những vui buồn, lo sợ thời niên thiếu.

Một nỗi sợ mà chắc hẵn ai cũng nhớ mãi không quên. Nỗi nhớ, nhớ ngày nào cùng những nỗi lo con nít, sợ Cha Mẹ la, rồi bạn bè hàng xóm nó hỗng thèm chơi với mình. Ngày nay, nó ra sao? mình cũng chẳng biết, vì đã xa nơi mà mình gọi là quê hương ngàn dặm, thì cái gói mang theo trên đường đời và sự sống là nặng trĩu, nó sẽ phai mờ khi mình không còn gì để nhớ để suy tư trong ký ức đẹp đẽ này.


Snowynguyen Summer 2013