Saturday, May 5, 2012

XI RÔ ĐỎ



Lúc tôi 7 tuổi, còn nhớ rất rõ những cục xi rô đỏ, xanh, vàng, ngòn ngọt, mà đứa nào cũng muốn mua lúc đầu giờ hay giờ ra chơi.

Tôi khờ khạo lắm, vì lù đù ôm ít tiền bạc cắc thời đó, bỏ trong túi, thời gian sau khi đổi tiền lần nhất, tiền bạc cắc được xài lại trong một thời gian ngắn, thế là những đồng tiền bị mẹ tôi bỏ vào lon đã lâu, tôi mang ra đi mua xi rô hay cà lem hay bánh tầm có bán trước cổng trường và sau sân trường mà ăn. Ngày đó, một đàn ông to lớn hơn tôi, đến giả vờ hỏi đủ điều với tôi, nào là em học lớp mấy, lớp có mấy bạn vv và vv, để phân tán tôi mất tập trung, để gã móc từ túi tôi ra hết những đồng cắc mà tôi có được. Sau khi nói chuyện xong, nghĩa là hắn đã có trong tay những đồng bạc cắc, hắn giả vờ cám ơn tôi rồi đi. Khi tôi ngơ ngác hí hửng đi mua mấy cục xi rô, móc trong túi ra thì hỡi ôi những đồng tiền tôi có hôm nay đều không cánh mà bay. Uất ức tôi chạy vào lớp khóc nứt nở rồi mét cô giáo, nhưng gã đi mất rồi. Về nhà không dám kể lại cho chị tôi nghe, chỉ ngồi buồn thinh thít vì bị gạt mất hết mấy đồng trong túi, xi rô thì vẫn ngòn ngọt mà tôi thì thèm thuồng. Học trò nào cũng thế thích ăn xi rô xanh, đỏ vàng, còn tôi chỉ thích ăn xi rô đỏ, nhưng mà chị tôi nói nó không tốt cho sức khỏe, vì có màu hóa học, mà khi còn là đứa trẻ chỉ mơ hồ là đường phèn mà thôi.

Trước cổng trường, anh bán xi rô ngày nào cũng đứng đó rất sớm trước giờ học buổi trưa, vẫn ngày ngày nắm những vắt xi rô nhiều màu sắc, khi ai đó đến mua, anh lấy ra đá đã bào và do thành cục tròn, sau đó xịt lên màu mà người mua thích, cứ thế mà ngày này tháng nọ anh vẫn đứng trước cổng trường để được hai bửa ăn cho gia đình mình, sáng anh bán trường khác, trưa về trường chúng tôi. Giờ ra chơi, trong sân trường hay cổng trường lúc nào cũng chỉ là những đứa trẻ như bọn tôi ăn quà vặt,  nào là cà lem, xi rô, kẹo kéo, bánh tầm vv. Chúng tôi ăn ngon lắm, vì ở nhà đâu có được ăn những món vặt này, ăn như thế mẹ nói không ăn hết bửa ăn chính. Mà con nít không ăn vặt thì đâu phải là con nít.

Những năm hết cấp một, tôi lại chuyển trường và không còn ăn những vắt xi rô đỏ nữa, không thấy anh đứng đó bán những vắt xi rô cho những đứa trẻ sau này. Những năm tôi trở lại thăm quê, trước cổng trường vắng tanh, chỉ có những đứa trẻ mẫu giáo nô đùa trong sân cổng khóa lại, ngôi trường ngày xưa đối với tôi nó rất to, nhưng ngày nay sao nó nhỏ quá, và chẳng còn thấy ai bán vặt trước cổng trường hay phía sau sân trường. 

Những đứa trẻ hải ngoại cũng đã từng nghe cha mẹ chúng kể lại biết bao điều thú vị từ những chiếc xe đạp phía sau có một cái một cái thùng đựng đá bào, kẹo kéo hay gánh hàng rong trên vai những cụ già, bà mẹ, trẻ em mang những thức ăn trên gánh của mình, chiếc xích lô phải kéo theo những hai ba người, chúng không thể hình dung thực tế nó như thế nào?. 

Chắc là xã hội tiến bộ, những người bán hàng rong hay bán hàng ăn vặt cũng chẳng còn chỗ nữa, anh bán xi rô hay anh bán kẹo kéo cũng chẳng còn chỗ để mà đứng, cũng như sự già nua của mình họ có đủ sức đứng đó mãi để bán cho nhiều thế hệ chăng?. Chúng ta luôn mong rằng những người kém mai mắn trong xã hội nào cũng thế, nhất là tại quê hương mình có cuộc sống tốt hơn, không phải chở trên những chiếc xe thô sơ từng món ăn, từng dụng cụ, gánh trên vai nặng trĩu mang đến từng nơi, từng nhà cho mọi người, đạp chiếc xích lô chở thêm mấy người nặng hơn mình, rồi khi tuổi già đến chẳng ai chăm sóc, xã hội lãng quên, họ phải cui cút trong một nơi nghèo nàn nào đó với sự thờ ơ của những người giàu có hay của xã hội, để họ còn được chăm sóc đặc biệt khi về già sức yếu, trong một chế độ của những người đã từng tự tay họ sống qua ngày từ sự kiếm sống vất vả mà xã hội đã không giành ưu ái cho họ. Hầu hết người sống ở hải ngoại lúc nào cũng trăn trở cho gia đình và người dân trong nước, tại sao xã hội mình không giành những chế độ cho những người khốn khó hay bệnh tật? phải chăng xã hội quá nghèo, mà lúc nào trên báo đài ti vi cũng cứ một giọng cho rằng quê hương đất nước mình ngày nay tiến bộ, thu nhập tăng, lạm phát giảm, kinh tế tăng trưởng hàng năm, thế mà thu nhập tăng từ những người giàu có thì càng cao hơn, thu nhập của người dân nghèo khó có tăng trưởng gì đâu? GDP của xã hội tăng, còn quỹ cấp vào y tế, an sinh xã hội thì giậm chân tại chỗ hàng mấy chục năm qua làm cho người dân nghèo khó càng thêm khốn đốn hơn, chỉ những người mai mắn thì ngày càng giàu và giàu hơn, ngay cả trong cuộc sống và sự xa hoa lãng phí của họ cũng có thể giúp biết bao người nghèo khó, vậy mà họ vẫn thờ ơ sống thanh thản giữa xã hội nghèo khó này, không biết tai và mắt họ còn hoạt động chăng?. 

Mong rằng, một ngày không xa những anh bán xi rô hay người bán hàng rong sẽ thấy rằng mình sống trong một cộng đồng với tình thương những người xung quanh, họ có thể tiếp tục mưu sinh trong một nơi thông thoáng và sạch sẽ, không cần cưỡi trên xe những thức ăn như thế mang đến tận nơi cho từng người, mà người thưởng thức sẽ đến tận nơi tìm họ trong một khung cảnh sạch sẽ đẹp đẽ, mà những đứa trẻ hải ngoại cũng muốn trở về nơi mà cha ông ta đã sinh ra và kể rằng nơi ấy có những vắt xi rô mà nơi chúng sinh ra chưa từng được thấy, một giấc mơ tuyệt vời của tất cả người dân Việt.

Snowynguyen 2012