Tuesday, September 13, 2011

HUYỀN BÍ CỦA BIỂN CẢ


Nói đến biển ta hình dung ngay đến sự mênh mông, to lớn và bao la, biển là do tạo hóa. Đó là nơi mà ta có thể chiêm ngưỡng vẽ đẹp hoàng hôn hay bình minh, ở bãi biển hay với những chuyến công du sang trọng đường dài, biển cho ta sức khỏe tốt nếu biết ngấm mình hàng giờ trên nó, nhưng nó cũng không hiền hòa như những dòng sông, nó nhấn chìm tất cả mà không báo trước. Tại sao người ta đặt cho nó những cái tên lạ kỳ ? Biển chết, biển đen, biển đỏ, biển hồ v.v...
Chúng ta cùng tìm hiểu đi sâu hơn về đề tài này
Biển Chết là gì (Dead Sea)?


Biển Chết, là một hồ mặn nằm tại điểm thấp nhất trên trái đất, cũng là biển độc nhất vô nhị. Đối với nhiều người khi nghe đến biển chết thì nghĩ không có sự sống ở đấy nên không buồn lòng để tìm hiểu làm chi. Nhưng thực ra Biển Chết có nhiều cái đặc biệt thú vị mà nhiều người chưa biết đến.








Bạn có thể nổi trên mặt nước dù không hề biết bơi. Biển này cũng nổi tiếng với khả năng chữa nhiều loại bệnh. Các đời vua Aristotle, Nữ Hoàng Sheba, Vua Solomon và Nữ Hoàng Cleopatra và các bác sỹ cận đại thường khuyên bệnh nhân về da đến tắm ở Biển Chết để chữa bệnh. Biển Chết cũng là điểm thu hút khách du lịch chính ở hai bên bờ Israel và Jordan. Biển Chết là nơi thấp nhất trên bề mặt Trái Đất. Nó nằm trên biên giới giữa Bờ Tây, Israel và Jordan trên thung lũng Jordan. Khu vực chứa nước bị hãm kín này có thể coi là một hồ chứa nước có độ mặn cao nhất trên thế giới. Nó là nơi nương tựa của Vua David, một trong các nơi nghỉ mát đầu tiên trên thế giới của Herod Đại Đế, và là nguồn cung cấp các sản phẩm khác nhau như nhựa thơm cho việc ướp xác của người Ai Cập cho tới bồ tạt để làm phân bón.
Các bạn sẽ được tắm ở một nơi mặn nhất thế giới và là nơi thấp nhất trên bề mặt trái đất, dưới mặt biển 400m. Không cần phao, mọi người vẫn cứ nổi trên mặt biển”. Bơi lội trong Biển Chết bạn đừng bao giờ lo chết đuối, bởi vì nồng độ muối trong nước biển ở đây cao tới 35 phần trăm. Tỷ trọng nước biển còn lớn hơn cả tỷ trọng người bạn. Vì thế ta có thể nổi trên biển như một tấm gỗ.
Trong nước có chứa hơn 35 loại khoáng chất khác nhau cần thiết cho sức khỏe và chăm sóc da toàn thân bao gồm Magnesium, Calcium, Bromine, Sulfur (Lưu huỳnh) và Iodine. Tất cả có tác dụng giảm đau, chữa trị hiệu quả các bệnh thấp khớp, vẩy nến (psoriasis), nhức đầu, đau chân, nuôi dưỡng và làm mềm da. Mỗi năm, hàng trăm ngàn du khách đổ xô đến Biển Chết để được thả nổi cơ thể mình trên mặt nước. Điểm thấp nhất trên trái đất này luôn là nơi hấp dẫn du khách nhất.
Đây là một trong những khu nghỉ dưỡng sức khỏe đầu tiên trên thế giới, người ta sử dụng muối và khoáng chất từ Biển Chết để làm ra mỹ phẩm và các thảo dược tiêu thụ trên toàn thế giới. Từ xa xưa, người ta đã biết khai thác nguồn muối và khoáng chất tại Biển Chết này để làm ra nhiều sản phẩm khác nhau, đặc biệt là kem để ướp xác ở Ai Cập. Như tên gọi của nó, Biển Chết không có một loài sinh vật nào có thể tồn tại được cả vì độ mặn rất cao. Độ mặn của muối và khoáng chất đặc hữu nơi đây có công dụng chữa bệnh nổi tiếng. Hiên nay Biển chết có nồng độ mặn là từ 26% - 35% trong khi đó độ mặn của nước biển ở các đại dương trên thế giới bình thường vào khoảng 2.5%. Chính vì hàm lượng muối trong biển rất cao nên sức đẩy của nước rất lớn. Lỡ có sảy chân, người ta cũng không bị chết chìm mà nổi bồng bềnh trên mặt nước một cách tự nhiên, bơi lội ở đây cũng thật sự độc đáo không nên bỏ qua. Đây là nơi có một không hai trên thế giới mà bạn có thể thả mình trên mặt dưới để đọc một tờ báo.

Theo tờ Haaretz tin tức Trung Đông phát hành bằng tiếng Anh cho biết một nghiên cứu về cách chữa bệnh tiểu đường được tiến hành bởi các nhà khoa học đại học Ben Beersheva và Trung Tâm Y tế Soroka ở Beersheva thuộc Israel với một nhóm tình nguyện viên từ 18 đến 65 tuổi là những bệnh nhân mắc chứng tiểu đường loại 2 dưới 20 năm. Người ta cho các tình nguyện viên ngâm mình trong một hồ nước lấy từ Biển Chết ở nhiệt độ 35 độ C. Sau 20 phút mức độ glucose đã giảm trung bình từ 163 đến 151 miligram mỗi dl (mg/dl) tức giảm 13.5%. Đường trong máu thậm chí tiếp tục giảm đến 141.3 mg/dl sau một giờ nhúng mình trong nước. Mặt khác, các nhà khoa học khẳng định rằng việc tắm này không có tác động tiêu cực nào đối với các giá trị máu như mức độ insulin, mức hormone hoặc c-peptide. Trong một lần thí nghiệm khác, những người tham gia cũng trải qua 20 phút ngâm mình trong nước thường nhưng không làm giảm lượng đường trong máu sau đó. Lần thứ ba, có một nhóm khác với 6 người khỏe mạnh sau khi ngâm mình trong cả nước Biển Chết và nước thường đã không biểu hiệu thay đổi lượng đường trong máu nào. Giáo sư Shaul Sukenik người dẫn đầu nghiên cứu tại Be Gurion cho rằng:”đây là những kết quả của nghiên cứu bước đầu nên rất khó đưa ra kết luận ở giai đoạn này. Tuy nhiên kết quả rất khả quan”. Ông cũng lưu ý: “chúng tôi chưa thể khẳng định tuyệt đối bây giờ. Kết quả chính thức sẽ được chứng nhận sau những lần nghiên cứu tiếp theo..”
Biển Chết dài 56km, chỗ rộng nhất tới 18km và chỗ sâu nhất là 700m. Bề mặt Biển Chết nằm ở 417.5m dưới mực nước biển nên là điểm thấp nhất của bề mặt trái đất.
Nhưng tại sao trong khi hàm lượng muối trung bình của nước biển trên tầng mặt các đại dương chỉ có khoảng 2.5 phần trăm, còn nồng độ muối trong Biển Chết lại cao đến 35% vậy?
Nếu nhìn vào bản đồ, chúng ta sẽ thấy Biển Chết nằm ở vùng biên giới phía tây của Jordan, là chiếc hồ thấp nhất thế giới, lọt thỏm trong vùng có địa hình xung quanh tương đối cao. Thực ra, Biển Chết không phải là biển thực sự mà chỉ là một cái hồ không có đường thoát ra Đại Dương, với một số con sông không lớn mang nước đổ vào. Chính đặc điểm này đã quyết định tính chất của nó. Chung quanh các sông chảy vào Biển Chết phần lớn là sa mạc và nham thạch đá vôi. Các tầng nham thạch đó có chứa rất nhiều muối khoáng. Vì thế, nước sông chảy vào Biển Chết đều có hàm lượng muối rất cao. Do biển không có đường thoát ra Đại Dương nên những khoáng chất này đều bị giữ lại toàn bộ. Đồng thời Jordan lại là vùng hanh khô, ít mưa. Mặt trời gay gắt không ngừng làm cho nước trong “vũng" kín này bốc hơi rất mạnh.
Trong khi đó, một nguồn nước chính của Biển - sông Jordan - lại bị rút bớt đáng kể để phục vụ tưới cây hoa quả. Nhiều tháng năm trôi qua hàm lượng muối trong biển ngày càng nhiều, ngày càng đậm đặc. Kết quả là trong thuỷ vực này, trừ một vài vi khuẩn, không có sinh vật nào tồn tại được, vì thế nó mới được mang cái tên không lấy gì đẹp đẽ - Biển chết.
Biển Chết mang không khí khô, giàu oxygene mà không có bất kì một sự ô nhiễm môi trường nào, nhiệt độ tương đối cao ngay cả mùa đông (30oC, mùa hè 40oC) cũng không thuyên giảm. Thực tế là các tia cực tím có hại được lọc một cách tự nhiên. Vì vậy bạn vẫn có thể tắm nắng mà không lo sợ bị cháy nắng. Vùng nước chữa bệnh tự nhiên nằm dọc theo bờ biển kết hợp với lớp bùn đen ở bên dưới là liệu pháp điều trị sức khỏe và vẻ đẹp lí tưởng. Ngoài ra khu bảo tồn thiên nhiên và sự đa dạng của khu vực danh lam thắng cảnh mang lại một sự kết hợp độc đáo cho khung cảnh. Những ốc đảo sa mạc khô cằn bên cạnh những hồ bơi và thác nước đông đúc với hệ động thực vật. Những di tích lịch sử của khu vực là một trong những nơi nổi tiếng trên thế giới cụ thể như Massada, Jericho, Ein Gedi, các pháo đài La Mã và các pháo đài ở sa mạc Judea.
Dọc theo bờ biển là những tòa nhà cao tầng, quán bar, vũ trường … Màu trắng của các tòa nhà (building) pha trộn với màu vàng của cát, màu xanh nước biển tạo nên một vẻ đẹp rực rỡ.
Ven bờ biển còn có các cụm muối trắng chồng chất thành nhiều cụm, nhô lên như những chiếc nấm trông rất đẹp. Đây là kết quả của nước biển bốc hơi trải qua nhiều năm.
Mặc dù mang tên Biển Chết, nhưng nơi đây không chết bao giờ, luôn mang một sức sống mãnh liệt. Biển Chết tiếp đón hàng triệu lượt khách mỗi năm đến viếng thăm, nghỉ dưỡng và tắm biển với màn trình diễn thả nổi mình trên mặt nước.
Loài nấm Eurotium herbariorum có thể chịu được nồng độ muối "mặn chát" ở biển Chết - lên đến 340 gram trên mỗi lít nước - gấp khoảng 10 lần so với ở các vùng biển khác. Hầu hết các sinh vật trên trái đất chịu mặn kém hơn nhiều, chúng sẽ mất nước và chết nếu tiếp xúc với quá nhiều muối.
Song, các nhà nghiên cứu rất quan tâm đến việc phát triển những cây lương thực chịu được mặn, vì những vùng đất nhiễm mặn đang tăng nhanh trên trái đất, kéo theo sản lượng lương thực giảm xuống.
Trong thời gian ngập lụt thì nồng độ muối của biển Chết có thể tụt từ mức thông thường của nó là 35% xuống 30% hay thấp hơn. Trong các mùa đông nhiều mưa thì biển Chết nhất thời cũng có sự sống. Năm 1980, sau một mùa đông có mưa như thế, biển Chết thông thường có màu xanh sẫm đã chuyển thành màu đỏ. Các nghiên cứu của Đại học Hebrew phát hiện ra rằng biển Chết có rất nhiều tảo gọi là Dunaliella. Dunaliella trong lượt mình lại nuôi các loại vi khuẩn ưa muối có chứa sắc tố màu đỏ chứa carotenoid mà sự có mặt của chúng là nguyên nhân gây ra sự thay đổi màu. Kể từ năm 1980 thì khu vực biển Chết là rất khô và tảo cũng như vi khuẩn đã không thể xuất hiện với số lượng lớn như vậy.
Nhiều loài động vật sinh sống trong các dãy núi xung quanh biển Chết. Người ta có thể nhìn thấy các con lạc đà, dê rừng, thỏ, chó rừng, cáo và thậm chí cả báo hoa mai. Cả Jordan và Israel đã thành lập các khu bảo tồn xung quanh biển Chết. Có hàng trăm loài chim cũng sinh sống trong khu vực này.

Các nhà môi trường Jordan vừa cảnh báo rằng biển Chết sẽ "chết" hẳn trong vòng 50 năm nữa, nếu mực nước của nó tiếp tục hạ xuống với tốc độ nhanh như hiện nay - hơn 1 mét mỗi năm. Kéo theo đó là nguy cơ tuyệt diệu của nhiều loài thực vật và chim bản xứ.[1]

Đại diện của Tổ chức Những người bạn của Trái đất tại Trung Đông (Friends of the Earth Middle East) ông Sultan Abdul Rahman đã bắt đầu dấy lên cuộc vận động “hãy để biển Chết được sống”, nhằm cố gắng cứu vãn thuỷ vực mặn nhất thế giới. Họ dự định sẽ tiến hành một cuộc thi vẽ nhằm thu hút sự chú ý của công chúng tới mối đe dọa đang rình rập vùng biển nổi tiếng này, quê hương của nhiều loài thực vật và sinh cảnh quý hiếm trên thế giới.

Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, biển Chết đang khoắc khoải do lượng nước đáng lẽ để bổ sung cho nó đã được cung cấp cho ngành công nghiệp, nông nghiệp và dân dụng, cả ở Israel và Jordan. Chẳng bao lâu nữa, điều này sẽ trở thành thảm hoạ. “Không chỉ có mực nước bị giảm sút, hệ sinh thái từng tồn tại quanh bờ biển cũng sẽ chịu ảnh hưởng rất lớn. Nước ngọt xưa nay thoát ra biển thì ngày nay được bơm vào các thành phố lớn, và không còn nước nuôi dưỡng các hệ sinh thái dọc theo sông Jordan, các con suối và nhánh sông của nó”, Sultan Abdul Rahman, thành viên Tổ chức Những người bạn của trái đất, nhận định.

Cuộc chiến dai dẳng giữa Israel và Palestine càng làm cản trở những nỗ lực hợp tác để đối phó với tình trạng nguy cấp của biển Chết. Theo Bộ trưởng quản lý nước của Jordan, giải pháp duy nhất là bơm nước từ biển Đỏ vào biển chết, một dự án có thể chi phí tới nhiều tỷ đôla. [2]
Biển Chết hiện đang nhanh chóng co lại theo ảnh chụp bởi cơ quan NASA Hoa Kỳ. Mặc dù nó không bao giờ biến mất hoàn toàn (do sự bay hơi bị chậm lại khi diện tích giảm xuống và độ mặn tăng lên), nhưng biển Chết như chúng ta biết hiện nay có thể trở thành quá khứ….
Biển Đen - Hắc Hải (Black Sea)





Biển Đen, còn được gọi là Hắc Hải, là một biển nội địa nằm giữa Đông Nam châu Âu và vùng Tiểu Á. Biển Đen được nối với Địa Trung Hải qua eo biển Bosporus và biển Marmara.

Biển Đen có diện tích vào khoảng từ 422,000 km² đến 550,000 km², chiều dài 4,100 Km và chiều rộng từ 258 Km đến 610 Km, nơi sâu nhất đến 2210 mét. Sông Danube là dòng sông quan trọng nhất đổ vào Biển Đen. Được mệnh danh là biển ấm nhất Trái Đất.

Sáu quốc gia có đường biên giới ở biển Đen là Thổ Nhĩ Kỳ, Bulgaria, Romania, Ukraine, Nga và Georgia. Xung quanh bờ biển có rất nhiều thành phố lớn như: Istanbul, Burgas, Varna, Constanţa, Yalta, Odessa, Sevastopol, Kerch, Novorossiysk, Sochi, Sukhumi, Poti, Batumi, Trabzon, Samsun.

Tại sao gọi là biển Đen?
Thực ra trên thực tế nước ở biển Đen cũng có màu bình thường của nước biển, cái tên biển Đen được đặt ra theo 2 huyền thoại: thứ nhất biển đen có nhiều con sông lớn chảy vào biển này, Danube, Dniestr, Don và Dniepr  vào mùa lạnh nước sông toàn 1 màu đậm đen do lá cây & thực vật 2 bên bờ sông rụng xuống & phân hủy.
Thứ hai theo huyền thọai Hy Lạp thì biển đen có màu bình thường như các biển khác. Người Hy Lạp, Lưỡng Hà cổ đại thường dùng màu sắc để chỉ phương hướng. Màu vàng tượng trưng cho phương Đông, màu đỏ cho phương Nam, màu đen cho phương Bắc và màu xanh cho phương Tây. Hắc Hải nằm giáp Ukraina, phía bắc Hy Lạp do vậy nước biẻn này cũng rất đen, nhưng rất màu mỡ. Biển Đen được nối với Địa Trung Hải qua eo biển Bosporus và biển Marmara.. Sông Danube là dòng sông quan trọng nhất đổ vào biển này. Theo các nhà khoa học thì Biển Đen còn là một trong những biển ấm nhất Trái Đất. Hiện tượng tan băng trong đại dương đã làm mực nước biển Địa Trung Hải tăng lên một cách đột ngột. Nước biển tràn bờ, qua eo biển Bosporus (Thổ Nhĩ Kỳ), đổ vào biển Đen, với sức mạnh tương đương của 200 thác nước ở Niagara. Sự khám phá đó khiến người ta nhớ lại câu chuyện miêu tả một trận Đại hồng thủy trong sách xưa. Nguồn tư liệu trong Kinh thánh và những nghiên cứu khoa học liên quan tới thời điểm đó lại trùng nhau đến kinh ngạc.
Vì biển Đen được nhiều sông lớn đổ nước ngọt vào cho nên độ nồng mặn của nước kém hơn Biển Địa Trung Hải (Mediterranean), khoảng 18% nhưng vẫn còn cao hơn những biển bình thường khác.[6] 
Theo Hải Học Viện của Đại Học Delaware cho biết rằng 1 phần 3 nước từ những con sông Âu Châu đổ vào biển Đen. Âu châu cũng được nối với Á Châu qua cửa ngõ Bosporus ở Istambul. Biển Đen cũng mang lại nhiều lợi tức kinh tế về du khách cho 6 quốc gia bao quanh nó.
Từ năm 2002, công trình nghiên cứu mà các nhà khoa học hợp tác cùng những đồng nghiệp người Pháp đã cho thấy, mực nước hiện tại của biển Đen đã tăng lên 110m. Phát hiện đó khiến các nhà Hải Dương Học khẳng định “biển Đen trước đây là hồ chứa nước ngọt”.[8]
Cũng vào năm 2002, Giáo sư Ali Aksu, Đại học Memorial ở Newfoundland, đã nghiên cứu các lớp trầm tích dưới đáy biển Đen. Các kết quả phân tích cho thấy, cách đây từ 10 - 11 nghìn năm, mực nước biển Aegaen (thông với Địa Trung Hải) thấp hơn hiện nay khoảng 20 mét, cho nên Biển Đen vẫn còn là một hồ nước ngọt.
Thực ra vào thời điểm ấy, mực nước Biển Đen tuy có cao hơn, nhưng không phải do nước Địa Trung Hải tràn vào, mà do nước của các con sông lớn Danube, Bug, Dnjepr và một nhánh sông Volga dâng cao.
Từ năm 1960, với đà phát triển mạnh mẻ kinh tế Âu Châu, cũng cùng thời gian ấy các nước liên hiệp lên án cảnh cáo rằng nước biển Đen đang bị ô nhiễm càng ngày càng trầm trọng do nước từ thượng lưu sông Danube đổ vào mang theo chất dơ bẩn và dầu phế liệu làm hệ thống sinh thái nơi đây sinh ra nhiều quái vật, thí dụ như Jellyfish (sứa)[10]. Sự gia tăng số lượng lớn các loài sứa là do môi trường biển trên phạm vi toàn thế giới đang ngày càng "chua" đi. Các nhà khoa học tham gia Hội nghị Liên hiệp quốc về biến đối khí hậu tại Cancun, Mexico đã đưa ra lời cảnh báo rằng trong tương lai không xa biển có thể sẽ được tiếp quản bởi số lượng rất lớn các loài sứa. Theo các nhà khoa học, khi các đại dương ngày càng chua đi sẽ cản trở sự sinh trưởng của các loài vi sinh vật biển như rạn san hô và các loài sinh vật có vỏ, sự sinh tồn của các loài cá. Đặc biệt điều này có nhiều khả năng sẽ làm bùng phát mạnh mẽ số lượng lớn các loài sứa. Mỗi năm dòng sông Danube đổ vào biển Đen 280 tấn cadmium, 60 tấn  thủy ngân, 4,500 tấn chì, 6,000 tấn zinc, 1,000 tấn chrome và 50,000 tấn hydrocarbures, những chất hóa học này giết chết nguồn dinh dưỡng trong nước cho sinh và thực vật. Sự ô nhiễm này có phải giúp tăng trưởng mạnh loài thực vật JellyFish (sứa) chăng!. Vì sông Danube đổ ra biển nơi phía Tây Bắc và cũng là vùng có nhiều sự thất thoát của khí methane (seepage of methane)!. Hiện nay trên thượng lưu dòng sông Danube các tỉnh bang 2 bên bờ cố gắng kiểm soát nguồn ô nhiễm như thải rác rưởi, dầu phế thải và hệ thống nước các thành phố phải được lọc sạch hơn trước thải ra sông Danube.
Theo Hội đồng bảo vệ sông Danube (International Commission for Protection of the Danube River) thì biển Đen chứa nhiều hydrogen sulfide nhứt thế giới vì nước ngọt từ sông Danube đổ vào bể vẫn nằm trên mặt biển trong khi đó nước biển mặn Địa Trung Hải chui vào biển Đen nằm dưới độ sâu 80m và vẫn không trà trộn và pha lẫn nhau. Vùng nước mặt nhẹ hơn, ấm hơn ít có khả năng hòa trộn với vùng nước nặng hơn, lạnh hơn ở bên dưới.
Nước mặn nằm dưới và nước ngọt sông nằm trên. Cho nên hiện tượng xếp thành tầng (stratification) này làm thiếu oxygene dưới độ sâu 80 m và tạo ra nhiều chất hydrogen sulfide.[11]
Từ năm 2006 Cộng Đồng Âu Châu cố gắng tạo cơ hội hợp tác và giúp đở 6 quốc gia bao quanh biển Đen trong nỗ lực bảo vệ môi trường chống ô nhiễm và bảo tồn nền kinh tế phong phú đã và đang thu hút nhiều du khách như hiện nay...
Hồng Hải (Red Sea) Biển đỏ






Tên gọi của biển này không phải để thể hiện màu nước của nó. Có thể là sự thể hiện cho sự nở rộ theo mùa của một loại tảo lam có màu đỏ Trichodesmium erythraeum gần với nước bề mặt. Một huyền thoại khác cho rằng nó dùng để chỉ các dãy núi giàu khoáng chất màu đỏ gần đó đýợc gọi là "Hồng Hải" (harei edom). Edom, có nghĩa là "nước da hồng hào", cũng là một tên gọi khác trong tiếng Hêbrõ để chỉ khuôn mặt có màu đỏ của Esau trong Kinh Thánh (anh của Jacob) và dân tộc là hậu duệ của ông, người Edom, và điều này lại đưa ra một khả năng khác của tên gọi Hồng Hải. Cũng có sự suy đoán là tên gọi Hồng Hải có được là do dịch sai của cái mà nó gọi là Hồng Hải trong câu chuyện trong Kinh Thánh về Exodus.

Còn có giả thuyết cho rằng người Hy Lạp và Lưỡng Hà Xưa dùng màu sắc để chỉ phương hướng đó là: Đông - Vàng, Bắc - Đen, Tây - Xanh, Nam - Đỏ !(vd:như biển đen, giáp Ukraine.) Nhiệt độ của nước bề mặt được duy trì tương đối ổn định ở mức 21-25°C và tầm nhìn cũng như nhiệt độ được duy trì rất tốt cho đến độ sâu khoảng 200 m, nhưng biển này còn được biết đến như là có những trận gió mạnh và các dòng chảy khu vực hay thay đổi. Biển này được hình thành cách đây khoảng 30 triệu năm trước do sự tách ra của Châu Phi khỏi bán đảo Ả Rập. Biển này hiện nay vẫn đang mở rộng ra và ở đây có các núi lửa ngầm nhỏ ở các phần sâu nhất, người ta còn cho rằng biển này đến một lúc nào đó sẽ trở thành đại dương (như mô hình của Tuzo Wilson giả lập). Biển này được biết đến vì các khu vực dưới đáy biển rất ngoạn mục mà du khách có thể lặn xuống để xem, chẳng hạn nhý Ras Mohammed, Elphinstone, the Brothers và đảo Rocky ở Ai Cập, và các khu vực ít nổi tiếng hơn ở Sudan như Sanganeb, Abington, Angarosh và Shaab Rumi.

Biển này dài khoảng 1,900 km và chỗ rộng nhất là trên 300 km. Đáy biển có độ sâu tối đa 2,500 m ở điểm giữa rãnh trung tâm và có độ sâu trung bình 500 m, nhưng nó cũng có thềm lục địa nông và lớn về diện tích, là đáng chú ý đối với các sinh vật biển và san hô. Diện tích bề mặt khoảng 438, 000–450, 000 km². Biển này là nơi sinh sống của trên 1,000 loài động vật không xương sống và 200 loại san hô cứng và mềm. Biển này là một phần của Đại Thung Lũng. Hồng Hải là biển nhiệt đới nằm cao nhất về phía bắc của thế giới.

Cũng như Biển Chết, Hồng Hải có độ mặn nhứt trong các biển 35% đến 41% về phía Bắc. Theo thánh Kinh thì từ 1,800 trước Chúa giáng sinh thì người Do Thái di dân trên biển Yum Suph để trốn tránh bị bắt làm nô lệ bởi Ai Cập. Biển Yum Suph trở thành Hồng Hải như chúng ta biết ngày nay.
Vào thế kỷ thứ 6 trước Dương lịch Darius hạ thủy chuyến tàu đầu tiên để dọ thám Hồng Hải nhưng gặp nhiều ghềnh đá trắc trở cho việc lưu thông hàng hải nên ông ra lệnh cho đào kinh Suez nối liền sông Nile và phía bắc Hồng Hải.
Vào thế kỷ thứ 4 trước Dương lịch, Alexander của Hy Lạp hạ thuyền để đến Ấn Độ Dương qua ngõ Hồng Hải. Và từ đó Hoàng đế Augustus của La Mả, kiểm soát vùng Địa Trung Hải thiết lập giao thương bằng đường hàng hải với Ấn Độ qua ngã Hồng Hải trong khi Ai Cập giữ chủ quyền biển Đỏ. Năm 1869 Kinh Suez được khánh thành làm dễ dàng giao thương giữa Âu Châu và Á Châu. Chiến tranh Trung Đông giữa khối Arab và Do Thái làm đóng cửa kinh Suez vài năm sau đó. Năm 1975 kinh Suez được mở trở lại và được nới rộng hơn để các tàu chuyên chở dầu dễ dàng đi thông qua kinh. Sông Nile và Kinh Suez có rất nhiều huyền thoại và lịch sử qua 2 Thế Chiến, chúng ta sẽ khai thác đề tài này ở những bài khác.
Biển Đỏ rất giàu nguyên liệu dinh dưỡng cho môi trường sinh thái vì thế trong lòng biển có những 1,200 loài cá và 42 loài cá sống ở độ sâu trong lòng biển (deep water) và rất nhiều san hô (coral). Biển Đỏ thu hút rất nhiều khách du lịch thích lặn sâu để tìm tòi về đời sống dưới lòng biển sâu. Tuy nhiên biển cũng rất nguy hiểm cho con người vì có rất nhiều loại cá mập và cá có nọc độc.
Ngoài khơi biển đỏ cũng có nhiều dàn khoan đang khai thác dầu hỏa. Hàng năm có hơn 100,000 tấn dầu được di chuyển qua biển Đỏ và có hơn 1 triệu du khách viếng thăm mỗi năm.[12]
Mặc dù biển Đỏ ít bị ô nhiễm nhưng các chính phủ luôn cố gắng mọi nỗ lực để duy trì độ ô nhiễm đến mức tối thiểu như xử lý thanh lọc nước bẩn thành phố trước khi đổ vào biển. Người ta vẫn còn thấy nhiều chai plastic và rác rưởi ngoài bờ biển.
Hàng năm có hơn 20,000 đến 35,000 chuyến tàu chở dầu vượt qua biển đỏ nhưng đến nay biển vẫn chưa bị ô nhiễm vì tai nạn tàu chở dầu hay khai thác dầu ngoài khơi như vùng Gulf of Mexico. Hiệp Hội 6 nước Arab (ALECSO) xung quanh biển Đỏ đang vận động mọi nỗ lực để bảo vệ sự sinh tồn của môi trường sinh thái dưới lòng biển Đỏ như:
-           - Kiểm soát việc làm giảm ô nhiễm môi sinh từ các nguồn thượng lưu như kinh Suez đổ vào biển Đỏ.
-                -  Bảo vệ môi trường sinh thái
-                - Bảo tồn môi trường sinh thái đa dạng
-                -Kiểm tra chặt chẽ các vùng bờ biển, rác rưởi thải ra bởi du khách.
-        -Khuyến khích dân chúng giảm việc đánh cá (overfishing) vì vẫn còn nhiều nước như Yamen bắt quá nhiều rùa làm cho sinh vật này ngày càng cạn kiệt và có thể tuyệt giống hoặc có nhiều quốc gia đánh cá bừa bãi hay săn tôm hùm và mực chưa đủ kích thước v.v.v…


Biển Hồ Cambodia (Tonlé Sap)




Tonlé Sap hay Biển hồ Campuchia là một hệ thống kết hợp giữa hồ và sông có tầm quan trọng kinh tế to lớn đối với Campuchia. Đây là hồ nước ngọt lớn nhất Đông Nam Á và được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới năm 1997.

Tonlé Sap có nghĩa là "sông nước ngọt lớn" nhưng thông thường được dịch là "Hồ Lớn" trong các ngôn ngữ khác; "Biển Hồ" là cách gọi của người Việt chỉ sự rộng lớn của hồ nước không thấy bến bờ. Biển hồ Campuchia rất quan trọng cho nền kinh tế Campochia và cũng là hồ nước ngọt to nhất Á Châu. Hồ xuất phát từ 5,000 năm trước. Điểm đặc biệt của Biển hồ Campuchia hệ thống thủy văn đổi dòng chảy hai lần mỗi năm hồ Tonle Sap là một trong những hồ nước ngọt có hệ sinh thái đa dạng và phong phú. Phù sa cùng chất bổ từ hạ lưu bồi bổ lòng hồ nên Tonle Sap có sản lượng cá lớn đáng kể trên thế giới. Ngư nghiệp trên hồ nuôi sống hơn 2 triệu người và cung cấp 75% sản lượng cá nước ngọt cùng 60% lượng chất đạm cho dân Campuchia – mùa mưa từ tháng 6 đến tháng 11 nước sông Mekong đổ vào hồ và mùa khô từ tháng 11 đến tháng 6 nước trong hồ đổ ngược vào sông Mekong đôi khi gây ra lụt lội vùng hạ lưu sông Mekong. Cũng nhờ hồ Tonle Sap điều tiết mà hạ lưu sông Mê Kông bớt nạn lũ lụt vào mùa mưa, và ngược lại vào mùa khô khoảng 50% lượng nước sông ở châu thổ sông Cửu Long là do hồ Tonle Sap bù vào. Quanh hồ tập trung nhiều cộng đồng người Việt và người Chăm, sinh sống tại các làng nổi bên hồ. Hơn một triệu ngư dân cư ngụ nổi trên hồ cũng như chung quanh hồ sống dựa vào đánh cá từ Biển này, tức gần 50% dân số Cambodia phụ thuộc vào nền đánh cá ở Biển hồ Tonle Sap. Không những Biển hồ Tonle Sap là nguồn kinh tế cho cư dân Khmer mà nó giữ vai trò quan trọng trong văn hóa Ankor của họ như đua thuyền, thi đua bơi lội, v.v.v…Vì thế Biển hồ Tonle Sap được quỹ Liên Hiệp Quốc tài trợ để tiến hành nhiều công trình nghiên cứu về duy trì, phát triển và bảo tồn nguồn sinh thái của hồ cũng như đề phòng nạn lụt lội do nó gây ra trên sông Mekong như hiện nay…Nhờ Biển hồ Campuchia mà dân Cambodia nổi tiếng nhất về lượng đánh cá nội địa, chẳng hạn mỗi hectare sông hay biển hồ có thể có săn bắt đến 230 kg cá mỗi năm[14]. Theo MRC thì mỗi năm Cambodia sản suất 400,000 tấn cá thì 2/3 từ biển hồ Tonle Sap. Có một sự liên hệ di chuyển thiên nhiên về lượng cá giữa sông Mekong và  Biển hồ Campuchia. Mùa khô thì lượng cá di chuyển đổ ra sông Mekong và mùa mưa lũ lụt thì ngược lại.




Nước là nguồn sống của con người, nước để tắm gội, nước để tưới cây, rửa rau cá thịt, nấu nướng và để uống. Quốc gia nào gần biển hay có sông nước dồi dào thì quốc gia ấy sẽ trù phú. Tóm lại con người hiện nay rất quan tâm về việc bảo vệ biển và môi trường sinh thái vùng biển. Ở bất cứ quốc gia nào, người ta đều đề cập đến vấn đề bảo vệ môi trường, bảo tồn môi trường sinh thái, v.v….



Hi vọng người Việt Nam mình nên ý thức quan tâm nhiều hơn như người ngoại quốc về việc bảo vệ biển cũng như giữ sạch sẽ môi sinh nhiều bãi biển như – Mũi Né, Nha Trang, Hà Tiên và Hạ Long, v.v.v…..  
Nguyễn Hồng Phúc - Sưu tầm & Nghiên cứu
Tham Khảo:

[1] http://news.bbc.co.uk/2/hi/middle_east/1472842.stm

[2] http://news.bbc.co.uk/2/hi/science/nature/1773871.stm
[3] http://vnexpress.net/gl/khoa-hoc/2001/08/3b9b324b/
[4] http://vi.wikipedia.org/wiki/Bi%E1%BB%83n_Ch%E1%BA%BFt
[5] http://www.deadsea-health.org/new_html/studies_main.html

[6] http://www.agora.qc.ca
[7] N.G Sergeera & M.B.Gulin Dept of Benthos Ecology, Institute of Biology of the Southern Seas (IBSS), AR Crimea Ukraine p. 152. Meiobenthos from an active methane seepage area in the NW Black Sea
[8] http://www.ceoe.udel.edu/blacksea/chemistry/index.html
[9] http://www.nature.com/nature/journal/v338/n6214/abs/338411a0.html
[10] www.tudav.org
[11] http://www.icpdr.org/icpdr-pages/black_sea.htm
[12] http://www.unep.ch/seas/main/persga/red.html
[13]http://www.probeinternational.org/Impacts-on-the-Tonle-Sap-Ecosystem%28June-10%29.pdf
[14] Impact On the Tonle Sap Ecosystem – Mekong River Commission. Bassin Development Plan, phase 2. Technical note 10 June 2010