Đậu rồng còn có tên khác là Đậu khế, Đậu vuông, hay Đậu có cánh (winged bean), có tên khoa học là Psophocarpus tetragonolobus, họ Đậu. Dân gian hay trồng để lấy trái ăn như các loại rau xanh khác, và khi quả già thì mới lấy hạt. Cây đậu rồng có nguồn gốc ở Tân ghi nê nhưng được trồng nhiều ở các nước Đông Nam Á như Ấn độ, Burma, Sri Lanka, Thái lan, Philippines và Indonesia, ở nước ta đậu rồng được trồng nhiều ở các tỉnh phía Nam, cây mọc leo như các loại dây nho, cao trung bình khoảng 3-4m và sống lâu năm, trái thuộc dạng quả đậu nhưng có rìa tạo thành 4 cánh mép dợn sóng, trong chứa nhiều hạt, ngày nay người ta cho lai nhiều giống hạt như màu vàng, trắng, nâu hoặc đen. Hầu hết các thành phần của quả đều có thể ăn được và rất ngon, củ, lá non và hoa được dùng làm món xà lách hoặc rau ghém. Đậu rồng có trong phần lớn các món ăn hàng ngày của người Phillipines, họ xem nó là một thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao và gọi là “Sigarilyas”. Hạt đậu rồng khô cũng giống như hạt đậu nành thường được ép và chế biến thành dầu ăn thực vật, hoặc xay thành bột để làm thực phẩm bổ sung nguồn protein phòng chống suy dinh dưỡng.
Đậu rồng có vị hơi nhẫn giống như vị của rau diếp, còn hoa thì lại giống như các loại nấm. Theo các kết quả phân tích cho thấy trong thành phần đậu rồng có chứa rất nhiều protein (hơn 50%), trong đó gồm 18 loại axit amin cần thiết cho cơ thể, 10 loại khoáng tố gồm Fe, Ca, Mg, Zn, Cu, Mn, Se, Na, K, P, nhiều vitamin A, C, vitamin nhóm B, nhiều loại đường đơn, chất xơ và một ít chất béo. Mọi người thích ăn sống vì đậu rồng rất dòn và ngon khi còn tươi và chỉ cần cầm tay ăn, có khi luộc sơ rồi ăn không cần đun chín quá sẽ mềm và bớt ngon. Tốt nhất là nên mua lúc mới hái còn tươi, không nên bảo quản lâu trong tủ lạnh vì nó sẽ bị biến màu và giảm chất lượng. Toàn cây đều sử dụng được, lá làm rau ăn, hoa được dùng trong các món bánh, mùi của hạt đậu rồng giống như mùi măng tây, rễ giống như khoai tây nhưng được biết là nó giàu chất dinh dưỡng hơn cả khoai tây. Hạt phơi khô đem rang được chế biến thành một loại thức uống có hương vị giống như cà phê rất ngon.
Những lợi ích cho sức khỏe con người
• Đậu rồng có hàm lượng canxi cao nhất trong số tất cả các loại đậu và vì vậy, rất có lợi cho khung xương của con người. Sự có mặt của canxi trong các loại đậu giúp trong việc sản xuất và bảo trì hệ thống xương cốt và cung cấp sức mạnh để vượt qua bệnh tật và phòng chống loãng xương
• Đậu rồng cũng là một nguồn khoáng sản tự nhiên, cung cấp cho con người rất nhiều vitamin (A,C), là những vitamin giúp gia tăng sức đề kháng và chống lão hóa tế bào, Fe giúp phòng chống thiếu máu, và nhiều men tiêu hóa thiên nhiên có lợi cho sức khỏe.
• Là một cây họ đậu nên đậu rồng chứa hàm lượng cao protein và vì vậy có có thể thay thế cho protein từ động vật, tốt cho người ăn chay và phòng bệnh suy dinh dưỡng.
Hàng rào bên hông nhà có dàn đậu rồng, Ba rất thích mỗi khi ăn cơm có cá chiên hay cá kho, thịt kho, Ba chạy ra hái vài trái trên giàn, rửa sạch rồi chấm vào đó nhai rốp rốp nghe mà giòn tai. Thèm lắm khi thấy Ba ăn, không biết ngon thế nào mà Ba nhai như thế. Lớn lên, tập ăn vài trái thử xem thế nào, lần đầu ăn cũng khó chịu lắm, nhưng rồi dần dần đâm ra quen. Hải ngoại, đậu rồng nhập vào cũng không nhiều, nhưng cũng không rẻ, mua về cũng lại làm cá chiên, nước mắm pha, cùng ớt xay nhuyễn, chấm đậu rồng. Nhưng không phải ngon tươi như đậu rồng ở bên hông nhà. Thấy đậu rồng ở quê nhà rẻ tiền mình chẳng quan tâm, sống ở hải ngoại thì khác, rau cải đắt hơn thịt. Mua cả kilo thịt mà chẳng bao nhiêu, một gói nhỏ đậu rồng chỉ vài trái mà đắt gần bằng kilo thịt.
Vì rau quả lúc nào cũng tốt cho sức khỏe, lúc nào cũng cố gắng mua rau Việt Nam, ngoài cửa hiệu chỉ có rau muống là thường xuyên, giá, rau giắp cá, rau quế vv. Các nào cũng đắt nhưng phải mua vì không có thì thèm lắm. Nếu ở Paris hay Santa Ana thì có hầu hết rau cải Việt Nam còn nơi đây có vài món cũng mừng lắm rồi, không có sự chọn lựa có không tươi thì cũng mua mà ăn, ăn để mà sống như người đời hay nói.
Tham khảo
http://www.t4ghcm.org.vn/vn/suc-khoe/y-hoc-co-truyen/NUWSZK035825/ (DS Lê Kim Phụng)