Tuesday, June 28, 2011

BÔNG HỒNG CÀI ÁO

         Một bông hồng cài lên áo, nhắc nhở chúng ta còn mai mắn có Mẹ trên đời, tôi cũng không ngoại lệ, nhưng ngày nay Mẹ tôi với vết chân chim trên trán báo hiệu sự già nua và nổi lo âu. Lúc nào đối với Mẹ chúng ta vẫn như những đứa trẻ, nên khi ta thành công thì Mẹ hãnh diện hay thất bại thì sự lo lắng ấy cũng theo Mẹ mọi lúc mọi nơi.
          Mẹ là tất cả đối với chúng ta, người dầm mưa dãi nắng nuôi nấng chúng ta nên người. Hằng ngày, Mẹ thức khuya dậy sớm, lo từng buổi ăn sáng, trưa, chiều đúng giờ giấc. Đến giờ ăn là phải ngồi ở bàn ăn, không đi chơi hay làm việc khác, mẹ dạy ru con:
Ví dầu cầu ván đóng đinh
Cầu tre lắc lẻo ghập ghềnh khó đi
Khó đi mẹ dắt con đi
Con đi trường học mẹ đi trường đời.
          Thuở tôi còn rất nhỏ, khi Mẹ bệnh, nằm trên giường tôi chẳng biết làm gì, tôi chưa chăm sóc Mẹ như Mẹ đã từng lo lắng chăm sóc cho tôi. Năm ấy, tôi mới năm tuổi lại bị tai nạn xe, tôi không đi đứng được Mẹ phải bế tôi tắm rửa và lên giường ngũ. Khi tôi lên tám lại mắc bệnh ngoài da kéo dài gần cả năm học, đến nổi không cầm viết được. Căn bệnh của tôi không khỏi, mặc dù đi rất nhiều bác sỹ thời ấy, Mẹ nóng lòng với nhiều lần điều trị nhưng không kết quả, Mẹ lo lắng và trị liệu bằng phương pháp cổ truyền, thật tuyệt vời với phương pháp trị liệu này, tôi thì nhớ mãi ngày ấy, ngày Mẹ tôi bắt tôi đưa bàn tay bệnh hoạn vào trong chậu nước nóng với nhiều lá cây hái từ sân nhà, tay tôi gần như muốn bỏng với cái nóng gần như luộc chín da, sau đó bôi thuốc lên chổ da bị bệnh ấy. Thế mà với phương pháp trị liệu ấy,  Mẹ tôi đã cho tôi được cầm viết và đi đến trường cùng bạn bè trang lứa. Không bỏ lỡ việc học, Mẹ nghĩ điều đầu tiên là cho  tôi lại trở về lớp về trường cùng bạn bè.
          Mẹ dạy tôi nhiều điều, ăn uống điều độ, làm việc đúng giờ giấc, không bỏ buổi ăn nào hay ăn quá giờ làm đau bao tử, ăn nhiều rau quả, trái cây trong mỗi buổi ăn. Khi bệnh phải uống thuốc ngay, nên uống thuốc nam không uống thuốc tây, nhưng làm sao thực hiện những điều này nơi đây!. Trong mỗi buổi ăn, Mẹ hay cho chúng tôi ăn nhiều thức ăn có rau cải, lúc nào  trên bàn ăn cũng có tô nước dừa tươi mát rượi, có dĩa rau toàn là rau tươi ngon đến muốn ăn toàn rau mà quên thịt cá. Mẹ nấu ăn rất ngon trong ký ức của tôi. Khi Cha tôi mắc bệnh, Mẹ bắt chúng tôi ăn theo chế độ như Cha, cũng là cực hình nhưng ngẫm nghĩ đây là chế độ ăn rất tốt, như gà hầm thuốc bắc, rau đắng đất thật đắng nấu canh cá lóc, khổ hoa nhiều gai nhỏ thật đắng nấu với ít thịt bằm, rau nhút nấu canh chua vv. Cây sung trong sân nhà tôi lúc nào cũng trái là trái, chín đỏ rực và thơm phức, khi sung rụng đầy cả sân, Mẹ tôi lại nhặt vào làm sưng sa uống với nước đá đường, rất tốt cho sức khỏe, mặc dù cũng không dễ uống nhưng do Mẹ tôi nói là tốt thế là Cha và chúng tôi phải uống hàng ngày, từ ngày này qua tháng nọ. Bệnh Cha cũng qua khỏi nhờ phương pháp cứng rắn của Mẹ tôi, mà không phải ai cũng có thể làm được.
          Khi tôi bệnh, Mẹ lúc nào cũng bên cạnh tôi, nắn bóp xoa tay chân, rờ trán xem tôi thế nào! Lo từng miếng cháo, nước cam nóng vv. Đến khi trưởng thành xa Mẹ, khi tôi bị bệnh là lúc tôi nhớ Mẹ nhất, ước gì Mẹ bên cạnh che chở cho tôi lúc ốm đau, chỉ cần cái nắm tay hay rờ trán của Mẹ cũng làm tôi bớt bệnh, tôi lại ước được như đứa trẻ  ngày nào !
          Ngày nay, khi con tôi ở tuổi ấu thơ, mỗi khi con bệnh, tôi lại  lo lắng và thương nghĩ về Mẹ nhiều hơn, vì con đau một thì Mẹ còn thấy đau gấp trăm ngàn lần. Khi tôi bệnh con tôi nói‘ Mẹ ơi, Mẹ đừng già nhe’, nghe những lời này tôi cảm thấy buồn man mác, vì con tôi còn quá nhỏ, tôi mong con mình đừng lớn, để mình gần gũi và chăm sóc, và suy nghĩ rằng mình còn đủ sức theo con đến trưởng thành không? Và nó có hiểu nổi lo lắng của tôi chăng!, rồi tôi cũng dạy cho con những lời ru của Mẹ, thế nhưng nó không thể phát âm tròn trịa như chúng ta vì hàng ngày nói tiếng Việt đã khó, hiểu và hát những lời ru này càng khó hơn.
           Có lần xem được đoạn phim của chùa Hoằng Pháp ngày Lễ Vu Lan, thấy một bé gái khoảng tám tuổi và bé trai khoảng sáu tuổi với hai dòng nước mắt ước đẩm và khi trên ngực áo cài một bông hồng trắng, tôi thấy chạnh lòng và thương tâm, một em bé gái và bé trai quá nhỏ để được sự lo lắng chăm sóc của bàn tay người Mẹ, rồi tôi thầm cảm ơn đấng thiêng liêng đã cho tôi được gần gủi Mẹ đến lúc trưởng thành.
          Tết năm ấy, tôi gặp lại Mẹ thời gian ngắn ngủi, nhưng tôi đã tâm sự rất nhiều với Mẹ, Mẹ rất băn khoăn lo lắng cho tôi ở xứ người, mỗi khi bệnh hoạn ai lo!, tôi nói đùa ‘có bệnh viện và bác sĩ lo’ để Mẹ tôi an tâm, nhưng thật sự tôi rất muốn lúc nào cũng có Mẹ kề bên những lúc này, để được chăm sóc và lo cho Mẹ, nhưng vì gia đình đông con, Mẹ cũng khó ở với ai ngoài em út còn độc thân và mắc bệnh. Mẹ rất nhớ Cha mà không dám nói ra, cứ giữ trong lòng thầm lặng, Mẹ nhắc về Cha luôn, nên gương mặt mẹ ngày càng buồn hơn và không quên ghen tuông khi cha còn sống, Mẹ bây giờ hay quên những gì mình nói và sống với ký ức ngày Cha còn sống, mặc dù Cha đã đi xa Mẹ cứ nhắc luôn. Khi tôi chia tay Mẹ, tôi không dám nhìn lại vì sợ Mẹ thấy tôi khóc, và tôi cũng giả vờ vui vẻ khi chia tay, nhưng tôi khóc trong lòng.
          Ở hải ngoại, Cha Mẹ thường thì có chế độ hưu trí hay chế độ cho người già, bậc Cha Mẹ không lo lắng nhiều về tài chính, được chăm sóc đặc biệt, nên tuổi thọ cao hơn người già trong nước, chỉ buồn khi không có con cháu quây quần bên cạnh mỗi ngày, xứ người lạnh lẻo cô đơn không nhiều hàng xóm láng giềng, không cùng tiếng nói, xa lạ với xung quanh, mặc dù sống nhiều năm tha hương, nhưng nổi nhớ quê, tình làng nghĩa xóm tối lửa tắt đèn có nhau lúc nào cũng trong ký ức bậc Cha Mẹ nơi đây, chỉ muốn về già trở về nơi chôn nhau cắt rốn, có bạn bè hàng xóm, mặc dù có khi họ đã ra đi gần hết, vì trong nước bậc Cha Mẹ đến tuổi già nua, lúc nào cũng lo lắng cho con cháu hay tài chính, sự lo âu lúc nào cũng gần kề, sự ra đi nhanh hơn vì phải đối diện với những lo âu và bệnh tật không phương pháp chăm sóc tốt như hải ngoại.
          Mong ước trong đời có Mẹ kề bên, để được ấm lòng trong những ngày trên giường bệnh cũng như báo hiếu cho Mẹ. Mẹ không ai có thể thay thế được và có một trong đời. Những đứa trẻ hải ngoại ngày nay suy nghĩ có như chúng ta không? Có muốn gần Cha Mẹ chúng không? Đây là câu hỏi chua xót cho bậc Cha Mẹ hải ngoại, con đến tuổi trưởng thành thì lại muốn xa Cha Mẹ nhanh chừng nào hay chừng ấy. Có muốn chúng ở gần để vui cửa vui nhà, nhưng làm sao được!, chúng có muốn và quí những bông hồng cài trên áo chăng? Chúng nghĩ gì những ngày Lễ Vu Lan này? Suy nghĩ chúng có còn mang nặng tình mẫu tử như thế hệ chúng ta!. Do ảnh hưởng của xã hội hay sự giáo dục của gia đình!, ai còn Mẹ xin hãy đừng làm Mẹ khóc, đừng để buồn lên mắt Mẹ.


Khi con biết đòi ăn
Mẹ là người mớm cho con muỗng cháo
khi con biết đòi ngủ bằng tiết tấu
Mẹ là người thức ru con.
Bầu trời trong mắt con ngày một xanh hơn
là khi tóc mẹ ngày thêm sợi bạc
Mẹ đã thành hiển nhiên như trời - đất,
như cuộc đời, không thể thiếu trong con.
Nếu có đi vòng quả đất tròn
người mong con mỏi mòn chắc không ai ngoài Mẹ.
Đi khắp thế gian không ai bằng tình mẹ,
Gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng cha.
Biển cả mênh mông đong sao đầy tình mẹ,
Gió trời lồng lộng ngăn không nổi công cha. (sưu tầm)

Snowynguyen 2011